Trồng loại cây cho quả như "kho" chứa vitamin, nhiều nông dân Đà Nẵng có thu nhập khá

Quyết tâm “vẽ” lại cuộc đời

Nằm bên dòng sông Cu Đê, phường Hải Vân, thành phố Đà Nẵng, vườn ổi của ông Nguyễn Văn Minh (thôn An Định - xã Hòa Bắc cũ) với diện tích hơn 1ha là điểm sáng về phát triển kinh tế tại địa phương.

Trò chuyện cùng với PV. Dân Việt, ông Minh cho biết: Trước đây, mía là cây trồng chính ở An Định. Tuy nhiên, giá mía thường bấp bênh, điệp khúc "được mùa, mất giá - được giá, mất mùa" cứ lặp đi lặp lại khiến bà con không còn mặn mà trồng mía. Năm 2021, ông Minh quyết định cải tạo khu vườn mía để trồng ổi.

Mô hình trồng ổi hữu cơ đã giúp ông Nguyễn Văn Minh ở phường Hải Vân, thành phố Đà Nẵng thoát nghèo bền vững. Ảnh: T.H.
Ông Minh luôn tuân thủ các phương pháp chăm sóc ổi hữu cơ an toàn, không sử dụng thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học. Nhờ sử dụng toàn bộ phân chuồng để bón gốc, quả ổi giữ được hương vị thơm giòn đặc trưng, mẫu mã đẹp.

Với kiến thức tự mày mò, học hỏi, vườn ổi của ông Minh luôn cho thu hoạch đều quanh năm, mang lại năng suất cao, thu nhập ổn định. Bình quân mỗi năm, vườn ổi hữu cơ mang lại doanh thu hơn 200 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi khoảng từ 80-100 triệu đồng.

Với khách du lịch đến phường Hải Vân, vườn ổi của gia đình ông Minh trở thành điểm dừng chân thú vị, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của địa phương. Trong thời gian đến, thôn An Định nói riêng và phường Hải Vân nói chung tiếp tục vận động, đề xuất hỗ trợ và nhân rộng thêm để người dân triển khai trồng ổi, với mục tiêu lâu dài là tạo nên chuỗi liên kết phát triển bền vững.

Tương tự ông Minh, tại xã Điện Bàn Tây, thành phố Đà Nẵng mô hình trồng ổi lê Đài Loan theo hướng hữu cơ của ông Phan Quang Tám cho thu lãi hơn 300 triệu đồng mỗi năm.

Đến thăm vườn của ông Phan Quang Tám, được ông cho biết, xuất thân trong một gia đình thuần nông, lớn lên ông chỉ biết phụ giúp ruộng vườn cùng với gia đình, thu nhập thì bấp bênh, cuộc sống cứ khó khăn như thế đi suốt chặng đường thời niên thiếu của ông.

"Sau khi lập gia đình, kinh tế cứ đè nặng lên vai, thế là tôi suy nghĩ tìm hướng đi riêng cho bản thân. Năm 1995, tôi bắt đầu chập chững thành lập trang trại chăn nuôi, trồng trọt theo mô hình vườn – ao – chuồng (VAC)…", ông Tám nhớ lại.

Ông Tám cho biết thêm, ban đầu do vốn ít nên trang trại chỉ rộng gần 0,5ha, trồng các loại cây ăn quả như xoài, thanh long, quýt, nuôi cá nước ngọt và heo.

Tuy nhiên, hiệu quả không cao, ông bắt đầu tìm hiểu các loại cây trồng khác, trong một lần tình cờ xem tivi có chương trình giới thiệu về mô hình trồng ổi lê Đài Loan, nhận thấy vùng đất cát đồi ở địa phương có thể phù hợp với cây trồng này, ông đã quyết định trồng thử và "bén duyên" với giống ổi lê Đài Loan.

Năm 2016, ông bắt đầu trồng thử nghiệm 100 gốc ổi lê Đài Loan. Điều đáng mừng giống ổi này rất phù hợp với thổ nhưỡng, nhanh chóng bén rễ, cây phát triển xanh tốt.

Chỉ sau khoảng 8 tháng, cây đã ra quả, sau gần 1 năm ổi đã cho trái thu hoạch. Từ thành công đó, ông mạnh dạn mở rộng quy mô. Đến nay, ông đã có 700 gốc ổi lê Đài Loan cho thu hoạch ổn định, 200 gốc mới trồng.

Phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp

Hiện nay, sản phẩm ổi lê của ông Tám đã khẳng định được uy tín và được thị trường ưa chuộng, với giá bán tại vườn ổn định. Trang trại của ông ngoài trồng ổi, ông còn trồng thêm mít Thái, bưởi, cam, quýt, vú sữa..

"Với trang trại trồng cây ăn quả hơn 1,5ha, kết hợp với du lịch sinh thái trải nghiệm như thế này, mỗi năm sau khi trừ chi phí giúp tôi lãi hơn 300 triệu đồng, nhờ đó kinh tế gia đình khá giả hơn trước rất nhiều, nuôi 3 đứa con ăn học, xây dựng được nhà cửa khang trang…", ông Tám phấn khởi nói.

Để có được kết quả như ngày hôm nay là một quá trình lao động vất vả, lam lũ của cả gia đình ông Tám. Khi mới khởi nghiệp ông gặp muôn vàng khó khăn nhưng được sự động viên của anh em, bạn bè, cùng sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Agribank...

“Từ các nguồn hỗ trợ đó, tôi có thêm vốn mua đất, mua giống cây trồng, phân bón... Đến nay, sau hơn 30 năm làm kinh tế trang trại, cuộc sống của gia đình tôi cơ bản đã ổn định. Đặc biệt, từ ngày chuyển sang mô hình trồng ổi theo hướng hữu cơ đã giúp gia đình tôi có của ăn của để, giờ thì không lo nghèo nữa, mô hình trồng ổi đã giúp tôi “vẽ” lại cuộc đời…", ông Tám vui mừng chia sẻ.

Còn tại phường Hòa Xuân, chị Đỗ Thị Thanh Thúy mới xây dựng mô hình trồng ổi hữu cơ trên diện tích 5.000m² hơn 3 năm qua. Vườn của chị trồng khoảng 600 gốc ổi, gồm các loại như ổi lê Đài Loan, ổi găng Đông Dư, ổi ruby ruột đỏ…

Tận dụng điều kiện thổ nhưỡng màu mỡ, chị Thúy phát triển cây ổi theo hướng hoàn toàn tự nhiên. Đặc biệt, quá trình chăm sóc được thực hiện với quy trình nghiêm ngặt, chỉ sử dụng phân chuồng và các loại phân hữu cơ tự chế để cung cấp dưỡng chất cho cây.

Việc phòng ngừa sâu bệnh được chị thực hiện bằng các phương pháp tự nhiên như xịt nước tỏi và sả, giúp an toàn cho cây trồng và thân thiện với môi trường. Qua đó, trái ổi luôn đạt chất lượng, sạch, thơm ngon và an toàn cho sức khỏe người dùng.

Chị cho biết luôn chú trọng chất lượng và tính an toàn của sản phẩm, bởi đây chính là chìa khóa để xây dựng niềm tin nơi khách hàng. Chị Thúy trồng theo cách gối đầu, từng lứa ổi cách nhau khoảng 2-3 tháng, khi đó cả khu vườn cho quả liên tục. Hiện nay, giá bán các loại ổi dao động từ 30.000-40.000 đồng/kg, trung bình mỗi tháng thu hoạch khoảng 500kg ổi.

Không chỉ dừng lại ở việc bán quả ổi tươi, chị Đỗ Thị Thanh Thúy còn phát triển đa dạng các sản phẩm từ cây ổi. Cây ổi là loại cây ra lá nhiều, do đó chị tận dụng để làm nguyên liệu sản xuất trà lá ổi. Với cây ổi, chị Thúy thu được giá trị kinh tế kép từ lá và quả.

Được biết, thời gian qua tại thành phố Đà Nẵng quá trình đô thị hóa diễn ra rất nhanh nhưng thành phố Đà Nẵng luôn dành quỹ đất để phát triển nông nghiệp, tạo mọi điều kiện cho người dân như cho thuê đất giá rẻ, tạo cơ chế chính sách hỗ trợ cho các hộ dân phát triển kinh tế, nhất là các sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

Theo TRẦN HẬU/ DÂN VIỆT 

Các tin khác