Giá nông sản hôm nay 6.5: Vì sao giá cà phê liên tục chao đảo?


Thu hoạch cà phê tại Tây Nguyên. Ảnh: TTXVN

Giá cà phê đồng loạt giảm 800 đồng/kg trong ngày cuối tuần

Trong ngày 5.5, giá cà phê trên thị trường thế giới đều bất ngờ giảm trở lại trên cả hai sàn ICE New York và London. Trong đó, giá robusta kỳ hạn tháng 7 đã giảm 42 USD, tương đương 2,1% và chốt tại 1.992 USD/tấn, kích hoạt điểm dừng bán dưới mức hỗ trợ 2.000 USD, các thương nhân cho biết.

Do áp lực bán tháo kỹ thuật trên sàn New York, sau 4 phiên tăng liên tiếp, giá arabica bất ngờ rớt khỏi ngưỡng hỗ trợ 1,37 USD/pound trong phiên hôm qua, và kích hoạt làn sóng bán tháo trên cả hai sàn cà phê. Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 chốt phiên giảm 2,5 cent, tương đương 1,8% xuống ở 1,3495 USD/lb, với mức kháng cự ở 1,37 USD.

Giá arabica xuống thấp nhưng không thể kích thích các doanh nghiệp chế biến cà phê mua, mà thậm chí lại khiến giới đầu tư bán tháo các vị thế dài hạn trở lại, một giao dịch viên trên sàn New York cho biết.

Theo trang vietnambiz.vn, xu thế giảm giá của thị trường cà phê thế giới đã khiến giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên đồng loạt giảm 800 đồng/kg trong sáng 5.5, mất 1/3 những gì đã đạt được trong 3 phiên trước đó. Hiện tại, giá cà phê Tây Nguyên dao động trong khoảng 43.200 – 43.700 đồng/kg.


Giá cà phê tham khảo tại một số khu vực. Nguồn: giacaphe.com

Vì sao giới đầu cơ phải bán tháo cà phê?

Còn nhớ, đợt tăng giá cà phê trên thị trường robusta đã bắt đầu từ khoảng tháng 3.2016. Xu hướng tăng giá này diễn ra liên tục và kéo dài cho tới đầu năm 2017. Theo đó, giá cà phê đã tăng từ gần 1.300 USD/tấn (đầu năm 2016), lên mức trên 2.200 USD/tấn vào cuối năm và mức giá này được duy trì cho tới suốt tháng 3.2017. Cũng trong xu hướng đó, giá cà phê nguyên liệu tại khu vực Tây Nguyên liên tục tăng, từ mức chỉ khoảng 30 triệu đồng/tấn, tăng lên trên 40 triệu đồng/tấn. Thậm chí trong quý I.2017, có thời điểm giá cà phê tại Tây Nguyên đã cán mốc 47 triệu đồng/tấn.

Theo nhà phân tích độc lập Nguyễn Quang Bình, nếu chỉ dựa trên yếu tố cung - cầu để cho rằng sản lượng và mức xuất khẩu robusta thiếu nên giá nội địa và thế giới sẽ tăng - là chưa đánh giá hết các góc khuất của thị trường. Một số nhà kinh doanh trên sàn kỳ hạn cho rằng, nếu khi nào cũng dùng thước đo bằng giá cao thấp hàng ngày trên sàn để nói đó là do cung - cầu chi phối, thì nhà kinh doanh cà phê rất dễ bị lạc hướng, từ đó gặp rủi ro do khi quyết định mua vào - bán ra.

Thời điểm cuối năm 2016, khi các vùng sản xuất cà phê robusta lớn của thế giới như Brazil, Việt Nam bị khô hạn do thời tiết bất thường, khiến niên vụ cà phê 2016/2017 bắt đầu chậm, các quỹ đầu cơ đã nhanh chóng rót tiền mua khống một lượng hàng giấy cực lớn trên sàn kỳ hạn.

Cụ thể, từ khoảng 25.000 tấn cuối năm 2015, các quỹ đầu cơ đã tích tụ đến chừng 370.000 tấn - lượng dư mua hàng giấy, và đến cuối năm 2016, họ vẫn còn giữ chừng 320.000 tấn mua khống. Theo nhà phân tích độc lập Nguyễn Quang Bình, đây là con số dư mua cao kỷ lục và cũng chính là "quả bom nổ chậm" cho giá cà phê robusta, nếu các ông chủ của lượng dư mua này quyết định thanh lý.

Từ cuối tháng 4 đến nay, áp lực bán tháo hàng giấy trên các sàn giao dịch liên tục tăng mạnh, khiến giá cà phê liên tục biến động, chao đảo theo xu hướng giảm. Và hiện nay, giá cà phê trong nước cũng chỉ xoay quanh mức 43 triệu đồng/tấn.

Trước một thị trường có nhiều bấp bênh, nhiều người đã có xu hướng tích trữ cà phê, đợi giá lên mới bán ra. Tuy nhiên, các rủi ro đối với ngành cà phê trong năm 2017 vẫn còn rất lớn, việc quyết định rủ nhau găm hàng cà phê càng phải thận trọng và tính toán kỹ.

Theo số liệu của Bộ NN và PTNT, trong năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,8 triệu tấn cà phê nhân với kim ngạch đạt trên 3,35 tỷ USD - là năm có sản lượng cà phê xuất khẩu cao nhất từ trước tới nay.

Tuy nhiên, ngành sản xuất cà phê của nước ta đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, phát triển thiếu bền vững. Diện tích cà phê tăng nhanh, vượt quy hoạch, trong khi vẫn còn nhiều diện tích cà phê già cỗi, cho năng suất và chất lượng thấp, cần được tái canh và ghép cải tạo. Quy mô sản xuất cà phê nhỏ lẻ, trong đó 63% nông hộ có diện tích canh tác dưới 1ha/hộ nên khó tiếp cận với nguồn vốn tín dụng để đầu tư thâm canh, tái canh, chuyển đổi giống mới...  

DÂN VIỆT

 

Các tin khác