Đào mương trong vườn nuôi cá đồng, tưởng nuôi chơi, ai ngờ nông dân Hậu Giang lại trúng thêm tiền

Đào mương, đào rãnh tích trữ nước ngọt là kinh nghiệm được nông dân huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đúc kết sau những thiệt hại từ trận hạn mặn lịch sử mùa khô năm 2016.

Ngoài nhiệm vụ giữ nguồn nước ngọt tưới cho cây trồng trong mùa nắng, nông dân ở đây còn sáng tạo nuôi cá trong mương để tăng thu nhập ổn định ngay trong thời điểm hạn mặn gay gắt.

Anh Đặng Quốc Vinh tận dụng diện tích mương nước trong 4 công khóm để nuôi cá lóc, nuôi ếch trong vèo tại xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.

Trước đây, sản xuất của nông dân phụ thuộc chính vào nguồn nước từ kinh rạch nội đồng. Khi mặn xâm nhập thì không còn nguồn nào khác để cung cấp cho cây trồng. Bây giờ phần lớn người dân xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) chủ động đào mương cặp bên ruộng lúa, vườn cây để dự trữ nước ngọt.

Đây là nguồn dự phòng an toàn cho cây trồng trong tình huống nước mặn xâm nhập sâu vào kinh rạch nội đồng.

Không để đất trống, nông dân huyện Long Mỹ còn sáng tạo thành những cái mương đa năng bằng cách nuôi các loại cá đồng, nuôi ếch đem lại thu nhập phụ đáng kể nhờ.

Anh Đặng Quốc Vinh tận dụng diện tích mương trong 4 công khóm để nuôi cá lóc, nuôi ếch trong vèo. Phía bên ngoài vèo, anh nuôi thêm cá trắng để ăn rong rêu, làm sạch nguồn nước và cấy thêm lúa mùa cặp 2 bên mé.

Từ hiệu quả có được qua hơn 1 năm áp dụng, hiện tại anh Vinh đang học nhân giống cá sặc rằn để đa dạng nguồn thu trong mương vườn.

Anh Đặng Quốc Vinh, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang cho hay.“Hồi đó thì cái mương mình để giữ nước thôi, tới nắng hạn thì mình tưới. Còn bây giờ thì nuôi thêm nhiều thứ cá đồng, nuôi ếch, đỡ lắm. Mỗi cái một ít mà mình có hoài. Tới khi trái khóm bự thì có thêm khóm nữa”

Ông Nguyễn Thành Lễ, cán bộ Khuyến nông và dịch vụ nông nghiệp xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ cho hay: “Trước đơn canh cây khóm thì đối với khóm tơ nguồn thu chỉ từ 2 triệu/công, khóm lão thì khoảng 10 triệu. Nhưng nay có thêm nuôi cá trong mương thì nguồn thu tăng lên đáng kể khoảng 6 triệu/ công nữa. Vừa qua nhiều hộ cũng có thực hiện 3 mô hình và thấy rất hiệu quả”.

Hạn mặn trong năm 2021 vừa qua được đánh giá gay gắt hơn mùa khô năm 2016, nhưng huyện Long Mỹ không có thiệt hại lớn trong sản xuất.

Tăng trưởng kinh tế nông nghiệp của huyện đạt hơn2.500 tỷ đồng, tăng gần 190 tỷ đồng so với năm 2020. Hiệu quả có được một phần quan trọng từ sự chủ động ứng phó và những cái mương đa năng của người nông dân.

Ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang cho hay: “Xâm nhập mặn đã trở thành vấn đề hàng năm của bà con. Vì vậy người nông dân có sự chủ động ứng phó bằng việc tích trữ nước trong sinh hoạt, trong sản xuất, nuôi trồng bằng các mương vườn, các mương bao kết hợp nuôi trồng. Chúng tôi thấy rất hiệu quả và tiếp tục phối hợp nhân rộng để tăng giá trị cho địa phương”

Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Nam bộ, các đợt xâm nhập mặn ở cửa sông Cửu Long khả năng cao vào cuối tháng này, đợt tiếp theo vào giữa tháng. Ở hướng Cái Lớn, ranh mặn có thể từ 50 tới 60 cây số. Nắng hạn, xâm nhập mặn và những tác động của thời tiết ngày càng ảnh hưởng rõ nét tới đời sống, sản xuất. Người dân tỉnh Hậu Giang đang biến nguy thành cơ, thích ứng an toàn, linh hoạt từ khát vọng khá giàu bằng các mô hình sáng tạo hiệu quả.

Theo MINH TIẾN/ CỔNG TTĐT ĐÀI TRUYỀN THANH LONG MỸ 

Các tin khác