Bí quyết trồng sầu riêng của anh nông dân Đắk Nông, cứ một cây thu 20 triệu/vụ, ai xem cũng phục lăn

Mỗi cây sầu riêng thu về gần 20 triệu đồng/vụ

Năm 2012, anh Nguyễn Văn Kiệp đã chọn vùng đất Đắk Nia (TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) để bắt đầu trồng sầu riêng. Trên 5ha đất, anh Kiệp không vội phá cà phê mà trồng xen sầu riêng vào. Sau đó, anh còn trồng thêm mít Thái.

Chẳng phải lo lắng rủi ro mà anh Kiệp làm như vậy để "lấy ngắn nuôi dài". Nguồn thu từ cà phê và mít sẽ giúp anh Kiệp có thêm vốn đầu tư cho sầu riêng.

Xác định mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm chất lượng, ngay từ khi xuống giống, anh Kiệp đã áp dụng quy trình hữu cơ sinh học. Anh tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật từ việc chọn giống, chăm sóc, làm đất, bón phân, thu hoạch...

Ngay từ những vụ đầu tiên, sầu riêng của anh Kiệp ra hoa đậu quả đúng kỳ, đạt năng suất cao. Năm 2021, mặc dù giá xuống thấp nhưng anh Kiệp vẫn có doanh thu hơn 2,1 tỷ đồng từ 200 cây sầu riêng. Sau khi trừ hết chi phí, anh Kiệp thu về lãi ròng hơn 1,5 tỷ đồng.

Anh Kiệp cho biết, nếu chăm sóc đúng quy trình, mỗi cây sầu riêng sẽ cho năng suất từ 2-4 tạ quả. Sau khi trừ chi phí chăm sóc, mỗi cây sầu riêng có thể cho lãi gần 20 triệu đồng/vụ.

Cùng nông dân nâng cao chất lượng sầu riêng

Tâm sự với chúng tôi, anh Kiệp cho biết, trước khi về Đắk Nia trồng sầu riêng, anh vốn là chủ cơ sở sản xuất nhựa tại TP.HCM. Một lần đến Thái Lan, anh thấy sản phẩm sầu riêng của nước bạn chẳng có gì đặc biệt. Nhưng so với sầu riêng trong nước, giá bán của họ luôn cao hơn vài lần và không phải lo lắng đầu ra.

Vốn đã có một sự đam mê đặc biệt với loại cây này, sau chuyến đi đó, anh Kiệp đã quyết định tìm đất trồng sầu riêng. Bởi anh nhận thấy, so với Thái Lan, Việt Nam hoàn toàn có lợi thế. "Mình làm ra sản phẩm chất lượng thì lợi nhuận chắc chắn sẽ nâng cao"- anh Kiệp nói.

Chính xuất phát từ suy nghĩ đó, anh Kiệp đã xác định trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ. Những năm sầu riêng được giá, nhiều người dân đã không tiếc tiền đầu tư để "ép" cây cho năng suất thật cao. Nhưng anh Kiệp vẫn đi theo hướng mình đã chọn.

Thấy hiệu quả, nhiều người dân tại Đắk Nông đã đến vườn sầu riêng của anh Kiệp để tham quan, học hỏi. Anh Kiệp không chỉ chẳng giấu nghề mà còn hỗ trợ kỹ thuật cho hàng chục người dân trồng sầu riêng trong vùng.

Nhiều vườn cây trước đây sản phẩm chỉ bán hàng chợ vì chất lượng thấp sau khi được anh Kiệp tư vấn, chất lượng trái được nâng lên rất rõ rệt, mang lại thu nhập hàng tỷ đồng cho nông dân.

Để có chất lượng sầu riêng đồng đều, sản lượng lớn, dễ tiêu thụ, anh Kiệp nhờ chính quyền giúp đỡ để tập hợp người trồng sầu riêng lại. "Nếu chất lượng không đồng đều, sản lượng nhỏ lẻ thì rất khó đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu. Do đó việc tập hợp người trồng lại với nhau là một điều rất cần thiết"- anh Kiệp nói.

Cùng với việc tập hợp người trồng sầu riêng lại, anh Kiệp đã sang Thái Lan, Malaysia để học hỏi cách quảng bá, xây dựng thương hiệu, thị trường tiêu thụ. Về nhà, anh Kiệp lập website và từng bước giúp đỡ người trồng sầu riêng tiếp cận với công nghệ.

"Hiện đa số nông dân ở mình chưa quen nên tôi phải chọn lọc và làm từng bước một. Nếu người dân đồng lòng quy tụ lại để cùng chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau cùng nâng cao chất lượng sản phẩm thì "hương vị" sầu riêng của Đắk Nông chắc chắn sẽ bay xa"- anh Kiệp nói.

Theo DUY HIỆU/ DÂN VIỆT  

Các tin khác