Trồng nhãn chín sớm ở Sơn La, nhìn lên cây nhiều người thèm lắm, đầu vụ nông dân đã thu cả trăm triệu

Gặp những nông dân đầu tiên trồng nhãn chín sớm trên đất Sơn La

Hộ nông dân tiên phong ứng dụng khoa học kỹ thuật ghép dòng nhãn chín sớm lên dòng nhãn cỏ là anh Lò Văn Châm, bản Phiêng Xim, xã Chiềng Khoong.

Mặc dù còn hơn 1 tháng nữa nhãn chính vụ mới cho thu hoạch nhưng những ngày này, anh Châm cùng với nhiều hộ nông dân là thành viên của HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười ở xã Chiềng Khoong đã bắt đầu thu hoạch vụ nhãn chín sớm.

Trao đổi với PV Dân Việt, anh Châm chia sẻ: Diện tích nhãn của gia đình được bố mẹ trồng cách đây khoảng 30 năm. Hiện, gia đình có 500 gốc nhãn. Trong đó có 150 gốc nhãn cổ thụ, hơn 300 gốc nhãn tơ.

Theo anh Châm, năm 2017, trong một lần đi thăm quan các vườn nhãn tại xã Chiềng Khoong thấy một vài hộ dân ghép được nhãn chín sớm cho hiệu quả kinh tế cao.

Sau đó, anh Châm lấy được một ít cành về ghép thử nghiệm cho 10 cây nhãn cổ thụ của gia đình và thấy hiệu quả. Đến năm 2019, anh Châm dùng cưa, dao cắt cành 140 gốc nhãn cổ thụ còn lại để ghép giống nhãn chín sớm T6.

Thật bất ngờ, sau 2 năm ghép nhãn chín sớm, gia đình anh Châm thu được 9 tấn nhãn chín sớm. Với giá bán 40.000 đồng/kg, gia đình thu được 360 triệu đồng.

"Năm 2021, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, giá nhãn Miền Thiết khoảng 8.000 đồng/kg, tuy nhiên giống nhãn chín sớm T6 cho giá 40.000 đồng/kg, cao gấp 5 lần nhãn Miền Thiết. Cũng trong năm 2021, 3 tấn nhãn của gia đình đã được xuất khẩu sang thị trường EU, với giá 40.000 đồng/kg", anh Châm phấn khởi.

Cũng theo anh Châm, so với nhãn Miền Thiết, công chăm sóc nhãn chín sớm kỳ công hơn rất nhiều. Nếu như chi phí chăm sóc một gốc nhãn Miền Thiết khoảng 1 triệu đồng thì chi phí chăm sóc một gốc nhãn chín sớm phải mất khoảng 2 triệu đồng.

Theo như lời của anh Châm, khâu quan trọng nhất trong trồng nhãn chín sớm là thời điểm cây bắt đầu ra hoa. Sau khi thu hoạch quả xong thì bắt đầu khoanh cành, tăng lượng phân bón, tưới nước đầy đủ để kích thích cho cây ra lộc, ra hoa.

Nhãn chín sớm nâng cao thu nhập cho nông dân

Anh Châm cho biết: Năm 2019, tôi tham gia HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười. Toàn bộ diện tích nhãn của gia đình được cấp mã vùng trồng và sản xuất theo quy trình Global GAP. Gia đình chỉ sử dụng phân hữu cơ, vô cơ để bón cho cây; dùng thuốc trừ sâu sinh học từ tỏi, ớt, gừng để chăm sóc cho vườn nhãn.

"Từ cuối tháng 5 đến trung tuần tháng 6, tôi xuất bán được hơn 2 tấn nhãn sớm. Với giá trung bình 50.000 – 60.000 đồng/kg, thu được trên 100 triệu đồng".

Thông tin với PV Dân Việt, ông Nguyễn Tiến Hải, Trưởng phòng NNPTNT huyện Sông Mã cho biết: Sông Mã là địa phương có diện tích nhãn lớn nhất cả nước, với 7.400 ha; trong đó 6.000 ha đã cho thu hoạch, sản lượng năm 2022 ước đạt 70.000 tấn.

Theo Trưởng phòng NNPTNT huyện Sông Mã (tỉnh Sơn La), mấy năm trở lại đây, nhiều hộ trồng nhãn trên địa bàn huyện đã chuyển sang ghép giống nhãn chín sớm. Trong số đó, có các thành viên của HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười ở xã Chiềng Khoong.

Hiện, toàn huyện Sông Mã có 85 ha nhãn chín sớm. Giá nhãn chín sớm mua tại vườn khoảng 60.000 đồng/kg, cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với nhãn chính vụ.

Có thể nói mô hình trồng nhãn chín sớm của gia đình anh Châm là một trong những hướng đi mới trong việc nâng cao giá trị thu nhập cho người trồng nhãn trên một đơn vị diện tích canh tác.

Trong thời gian tới, rất mong huyện Sông Mã và các phòng, ban chuyên môn tiếp tục tuyên truyền, định hướng và chuyển giao khoa học kỹ thuật trong việc ghép nhãn chín sớm cho bà con nông dân; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại. Qua đó, góp phần tránh được tình trạng "được mùa, mất giá" tạo đầu ra ổn định cho quả nhãn Sông Mã, giúp bà con yên tâm sản xuất, ổn định đời sống.

Theo TUỆ LINH/ DÂN VIỆT  

Các tin khác