Nuôi chim bé như nắm tay, ông nông dân Khánh Hòa cho ăn trùn quế, đầu tôm, lớn con nào thiên hạ tranh nhau mua

Với cách nuôi chim cút không cho ăn cám công nghiệp mà tự chế biến thức ăn cho chim cút bằng trùn quế, đầu tôm, chim cút thịt của anh Trần Văn Thắng bán ra thị trường giá 12.000 đồng/con cao hơn giá chim cút nuôi công nghiệp (giá chim cút cho ăn cám công nghiệp là 8.000 đồng/con).

Ninh Trung là một xã thuần nông, đa số bà con nông dân sống chủ yếu bằng sản xuất lúa, chăn nuôi bò. Thế nhưng trước tình trạng giá cả vật tư tăng cao nhưng giá sản phẩm nông nghiệp làm ra lại thấp, nhiều nông dân đã chuyển đổi vật nuôi, cây trồng bằng cách lấy ngắn nuôi dài.
Mô hình nuôi chim cút của hộ anh Trần Nghĩa Thắng ở thôn Phú Văn, xã Ninh Trung, thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) là một mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao tại xã trong thời gian qua.

Hiện trại chăn nuôi chim cút của anh Thắng phát triển rất khả quan vì trứng chim cút và lò ấp trứng cút cung cấp con giống mới chỉ đủ phục vụ nhu cầu người chăn nuôi ở xã.

Là một trong những nông dân trẻ của xã Ninh Trung, bên cạnh nghề nghiệp buôn bán cửa hàng ống nước, thiết bị điện, anh luôn chủ động tìm những hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình, bắt đầu từ việc tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm qua các trang mạng.

Năm 2019, gia đình anh Thắng đã mạnh dạn đưa chim cút về nuôi thử nghiệm tại vùng đất Phú Văn. Mặc dù những ngày đầu còn e ngại vì hướng đi còn quá mới này, nhưng bằng quyết tâm và sự kiên trì, anh nông dân trẻ Trần Nghĩa Thắng đã chứng minh nghề nuôi chim cút sạch có thể phát triển và tăng thu nhập cho gia đình anh trên mảnh đất thuần nông.

Anh Thắng cho biết: “Những ngày đầu mang chim cút về nuôi, do thiếu kinh nghiệm nên một số chết vì bệnh, cút chậm lớn, chưa có kinh nghiệm ấp trứng chim nên phải mua giống rất cao. Dù vậy, chúng tôi không bỏ cuộc mà thay vào đó hai vợ chồng học hỏi thêm những người có kinh nghiệm nuôi chim cút cũng như tìm hiểu trên các trang mạng”.

Với số vốn 100 triệu đồng, anh Thắng đã mua 2.500 con chim cút giống từ tỉnh Đồng Nai, đồng thời đầu tư xây dựng chuồng trại.

Anh Thắng cho biết, nuôi chim cút phải đảm bảo chuồng trại thật sạch sẽ, không gian nuôi phải thông thoáng, không ẩm thấp để tránh dịch bệnh. Việc cho chim ăn phải đều đặn và đúng giờ, nếu không sẽ ảnh hưởng tới chu kỳ đẻ trứng của chim.

Từ khi sinh ra tới lúc chim cút đẻ trứng chỉ tầm 50 ngày và thời gian cho trứng chỉ khoảng 7 - 8 tháng là thay đàn mới.

Mỗi ngày, đàn chim cút của anh Thắng cho thu hoạch trên 2.250 trứng, mang về cho gia đình anh lợi nhuận từ 200.000 – 300.000 đồng/ngày. Nhận thấy việc bán trứng tuy có lợi nhuận nhưng không cao lắm, anh Thắng quyết định để trứng lại ấp nở cút con nuôi lớn bán thịt.

Thịt cút nuôi bằng cám công nghiệp thì trên thị trường cũng khá nhiều và thịt cút cũng không ngon nên anh quyết định nghiên cứu tìm tòi nguồn thức ăn tự nhiên cho chim cút; anh bắt đầu nuôi trùn quế, xay đầu tôm để làm thức ăn cho chim.

Chim cút thịt nuôi bằng trùn quế, đầu tôm xay của anh bán ra thị trường giá 12.000 đồng/con cao hơn cút nuôi công nghiệp giá 8.000 đồng/con.

Theo ông Lại Đức Phụng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Trung, thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa): Nuôi chim cút bằng trùn quế, đầu tôm là một mô hình mới phát triển trên địa bàn, mang lại thu nhập ổn định cho bà con những lúc nông nhàn.

Ngoài việc khuyến khích bà con phát triển, nhân rộng mô hình nuôi chim cút, trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục đưa những mô hình sản xuất mới, thiết thực đến với bà con nông dân để góp phần phát triển kinh tế gia đình.

Mặc dù mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng đối với bà con nông dân xã Ninh Trung mô hình nuôi chim cút dường như còn khá xa lạ.

Vì vậy, vai trò của Hội Nông dân xã và các ngành chức năng liên quan trong việc cung cấp cho nông dân những kiến thức cơ bản về thời tiết, khí hậu cũng như kỹ thuật nuôi chim cút trên địa bàn xã là vô cùng cần thiết, giúp nông dân an tâm khi chuyển đổi mô hình sản xuất.

Theo THU PHƯỢNG/ DÂN VIỆT 

Các tin khác