Lưu ý nuôi thủy sản trước mùa mưa bão

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm, có thể xuất hiện nhiều hình thái thiên tai (mưa giông, bão, lũ, thời tiết thay đổi cực đoan...) gây bất lợi cho nuôi trồng thuỷ sản.

Để chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả của thiên tai, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Lào Cai khuyến nghị các hộ nuôi trồng thủy sản cụ thể như sau:

Trước khi có mưa bão

- Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện (nhiên liệu, vật tư, hóa chất, máy móc, trang thiết bị, lưới, đăng chắn, cọc tre, cuốc, xẻng...) để chủ động phòng, tránh, khắc phục thiên tai những khu vực có nguy cơ cao. Thu hoạch toàn bộ hoặc thu tỉa thủy sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm.

- Nạo vét kênh mương, kiểm tra các ống xả tràn ao nuôi, gia cố hệ thống thoát nước, bờ ao, các công trình nuôi, phát quang cành cây tại khu vực gây đọng nước đảm bảo an toàn khi mưa, bão đến.

- Kiểm tra, gia cố lại hệ thống dây neo, phao, khung lồng, thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ đảm bảo nước luôn được lưu thông trong và ngoài lồng, xây dựng phương án di chuyển lồng vào khu vực kín gió. Trường hợp không di chuyển được lồng cần che chắn mặt lồng bằng lưới có kích thước phù hợp với đối tượng nuôi để hạn chế thủy sản thoát ra ngoài.

Người dân xã Cốc Ly nuôi cá tầm trong lồng bè tại hồ thủy điện Bắc Hà. Ảnh: TL.
Người dân xã Cốc Ly nuôi cá tầm trong lồng bè tại hồ thủy điện Bắc Hà. Ảnh: TL.

Biện pháp khắc phục sau mưa bão

- Những hộ gia đình nuôi thủy sản bán thâm canh, thâm canh tiến hành xả bớt nước tầng mặt đồng thời chạy máy quát nước, sục khí để ổn định môi trường, tránh hiện tượng cá bị sốc do thay đổi môi trường.

- Tiến hành bón vôi bột (liều lượng 1,5 - 2 kg/m3; 2 - 4 kg/10m3 đối với nuôi cá lồng) để ổn định pH. Nâng cao sức đề kháng cho thủy sản nuôi bằng bổ sung vitamin C, B hoặc chế phẩm sinh học vào thức ăn theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Sử dụng thuốc và hóa chất trong danh mục được phép sử dụng để tiêu độc, khử trùng, xử lý môi trường đối với ao nuôi bị ô nhiễm.

- Theo dõi sức khỏe của động vật thủy sản, nếu có thủy sản bị chết cần xử lý theo hướng dẫn của cơ quan quản lý địa phương để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước.

Theo LƯU HÒA/ NNVN 

Các tin khác