Lúa khỏe, môi trường khỏe, người khỏe nhờ SRI

Hơn 70% áp dụng SRI từng phần

Ở các tỉnh vùng ĐBSH, có thể nói ít địa phương nào việc áp dụng canh tác lúa cải tiến (SRI) được triển khai sớm và duy trì được đà lan tỏa như Hà Nội. Đến vụ xuân 2022, Hà Nội gieo cấy diện tích lúa hơn 83.000 ha thì có hơn 70% diện tích đã áp dụng SRI từng phần và khoảng 6% áp dụng SRI toàn phần.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Phương cho biết, trước tình hình giá vật tư đầu vào như phân bón, thuốc BVTV tăng cao, việc áp dụng SRI, đặc biệt là SRI toàn phần đang được ngành nông nghiệp Thủ đô đẩy mạnh, kêu gọi bà con tham gia. Bởi canh tác theo biện pháp này, có thể giảm được lượng giống, phân bón, thuốc BVTV, nước tưới và cả phát thải khí nhà kính.

Để đẩy mạnh phong trào này, ngành nông nghiệp Thủ đô đã có những tham mưu với chính quyền Thành phố để có chính sách hỗ trợ nông dân để có thể áp dụng được SRI trên gần như toàn bộ diện tích trồng lúa.

Phân tích về những cái lợi mà SRI mang lại cho canh tác lúa của Thủ đô, ông Lê Xuân Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội khẳng định: Khi áp dụng SRI toàn phần, lượng giống có thể giảm được từ 50 – 70%. Nhờ mật độ thưa, lượng sử dụng phân bón cũng giảm theo rất nhiều. So với canh tác truyền thống, lượng nước cung cấp cho ruộng lúa có thể tiết kiệm được 2 -3 lần.

Với biện pháp canh tác cải tiến SRI, khi rút nước sau giai đoạn bón thúc lần đầu, bộ rễ của cây lúa sẽ phát triển mạnh, ăn sâu xuống đất, làm tăng khả năng đẻ nhánh của lúa và thân cây cứng hơn, khó ngã đổ hơn.

Bên cạnh đó, do cấy thưa nên cây lúa được quang hợp tốt hơn, tăng khả năng chống chịu, giảm giảm nguy cơ nhiễm sâu bệnh như rầy, sâu cuốn lá, khô vằn, đạo ôn… so với canh tác truyền thống.

Ngoài ra, việc sử dụng nước tiết kiệm, giảm thời gian ngập nước của mặt ruộng cũng giúp cho lượng khí nhà kính phát thải trong canh tác lúa giảm xuống, góp phần giảm biến đổi khí hậu. Đây chính là mục tiêu lớn mà ngành nông nghiệp nước ta đang hướng tới.

Tại huyện Ứng Hòa, vụ xuân 2022 có hơn 8.000 ha lúa, trong đó gần 70% là các giống lúa chất lượng cao, đa phần là giống J02 và Bắc thơm 7, 30% còn lại là các giống lúa thuần.

Do đa phần diện tích canh tác giống chất lượng cao nên khi áp dụng biện pháp canh tác tải tiến SRI đã giúp bà con giảm được giá thành, nâng được chất lượng, quá trình tiêu thụ thuận lợi và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

“Ví dụ như J02 vốn là giống lúa có thể bị nhiễm đạo ôn nặng nhưng trong vụ xuân năm nay, các diện tích áp dụng SRI đều không phải sử dụng thuốc BVTV. Với giống J02, dự kiến sẽ thu hoạch hơn 4.000 tấn và có thể tiêu thụ hoàn toàn, thông qua các doanh nghiệp và HTX”, ông Phạm Văn Hoạch, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa cho biết.

Khó nhất là thay đổi thói quen

Chia sẻ về quá trình phổ cập SRI cho nông dân Thủ đô, ông Lê Xuân Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Hà Nội đúc kết: Khó khăn nhất vẫn là thay đổi nhận thức và thói quen canh tác của người dân, từ cấy 3 – 4 dảnh/khóm và 40 – 50 khóm/m2 sang cấy 1 dảnh/khóm và 23 – 35 khóm/m2.

Nhưng trong quá trình thực hiện, những hiệu quả rõ rệt từ SRI mang lại đã "mưa dầm thấm lâu", dần thuyết phục và thay đổi nhận thức, thói quen của người trồng lúa. Kết quả là đến nay, hơn 2/3 diện tích đã được áp dụng SRI.

Là một trong những nông dân đầu tiên của Thủ đô chuyển từ canh tác truyền thống sang SRI, bà Nguyễn Thị Tâm ở xã Hợp Tiến (huyện Mỹ Đức) nhớ lại: “Nhà tôi có 7 sào (Bắc Bộ) trồng lúa và, áp dụng canh tác cải tiến SRI từ năm 2006 thông qua các lớp đào tạo của lực lượng khuyến nông và BVTV của địa phương.

Khi mới tiếp cận với biện pháp này và thực hành theo, nhiều người ở địa phương còn bĩu môi nói cấy thưa thế này thì ăn cái gì! Thế rồi qua nhiều vụ liên tiếp, thấy lúa của tôi làm nhàn tênh, vừa tiết kiệm được vật tư phân bón, thuốc BVTV, lúa lại rất sạch bệnh, thu hoạch năng suất lúc nào cũng cao nên nhiều bà con đã dần học làm theo".

Đặc điểm dễ nhận thấy của lúa áp dụng SRI là cấy ít dảnh, thưa khóm, điều này khiến nhiều người ban đầu không tin vào hiệu quả của biện pháp này. Ảnh: Duy Học.
Đặc điểm dễ nhận thấy của lúa áp dụng SRI là cấy ít dảnh, thưa khóm, điều này khiến nhiều người ban đầu không tin vào hiệu quả của biện pháp này. Ảnh: Duy Học.

Bà Tâm bảo: Ban đầu, ai cũng tưởng SRI là cái gì cao siêu, khó lắm nên ngại học, nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy đơn giản và hiệu quả. Bộ rễ lúa áp dụng SRI rất dày, dài và khỏe, trong khi đó bộ rễ lúa canh tác truyền thống ngắn, nông và yếu hơn. Bên cạnh đó, lúa canh tác SRI cũng có bộ thân cứng, số bông hữu hiệu cao, ví dụ trên mỗi khóm lúa có 15 dảnh thì có 12 dảnh hữu hiệu và 3 dảnh vô hiệu. Trong khi với canh tác truyền thống thì khóm lúa chỉ có 7 dảnh nhưng cũng có đến 2 dảnh vô hiệu.

Từ khi áp dụng SRI, nhờ hạn chế được phun thuốc BVTV nên môi trường sinh thái đồng ruộng lúc nào cũng trong lành, trên ruộng tôm cá, cua, lươn... đã sinh sôi trở lại, trong khi sâu hại như rầy, sâu cuốn lá gần như không còn, chỉ có một số bệnh như đốm sọc, bạc lá do bón phân muộn.

"Nói không" với thuốc BVTV

Tại xã Hợp Tiến (huyện Mỹ Đức), HTX Hợp Tiến với hơn 4.000 thành viên, diện tích canh tác lúa hơn 500 ha và đến nay, 100% diện tích đã áp dụng SRI.

Ông Nguyễn Hà Tuyển, Giám đốc HTX cho biết, nông dân địa phương bắt đầu được tiếp cận với SRI vào năm 2003 thông qua các lớp tập huấn và những mảnh ruộng nhỏ thí nghiệm, sau đó HTX áp dụng canh tác cải tiến SRI trên 100% diện tích suốt từ năm 2006 đến nay.

Kể từ khi áp dụng SRI, người dân HTX Hợp Tiến rất phấn khởi vì không chỉ tăng được hiệu quả kinh tế mà còn yên tâm hơn về sức khỏe, vì gần như không còn phải sử dụng thuốc BVTV trong canh tác lúa.

Vụ xuân năm nay, HTX Hợp Tiến có khoảng 250 ha trồng giống lúa VNR20 của Tập đoàn Vinaseed với khả năng chống chịu sâu bệnh, cứng cây và năng suất rất ổn định, có thể đạt 72 – 73 tạ/ha. Trong số 250 ha này, có 65 ha lúa thành phẩm được bán lại cho Vinaseed làm lúa giống.

Ông Tuyển đúc rút: SRI mang lại nhiều hiệu quả với "3 giảm, 3 tăng", trong đó "3 giảm" là giống, nước và thuốc BVTV. Nếu như trước đây dùng 2 - 3 kg giống/sào (Bắc bộ) thì khi áp dụng SRI chỉ cần 0,5 – 0,6 kg là đủ cấy cho 1 sào.

Với nước, trước đây nước lúc nào cũng có trên mặt ruộng nhưng hiện nay sau khi lúa đẻ nhánh xong thì sẽ rút nước ra và chỉ cấp lại khi lúa chuẩn bị làm đòng, trỗ bông. Riêng về thuốc BVTV, từ khi áp dụng SRI đến nay, nông dân trong HTX gần như không còn sử dụng thuốc BVTV nữa.

"3 tăng" khi áp dụng SRI sẽ là tăng năng suất, như vụ xuân 2022 có thể đạt 70 – 71 tạ/ha; tăng chất lượng lúa và tăng về hiệu quả kinh tế, kết quả tất yếu của những lợi ích đã nói trên.

Theo ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội, khó khăn lớn nhất trong mở rộng diện tích SRI toàn phần hiện nay vẫn là khâu cấp và rút nước ra vào ruộng lúa. Do đó, Sở NN-PTNT Hà Nội kiến nghị Bộ NN-PTNT và Thành phố có các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh đầu tư nâng cấp vào hệ thống thủy lợi để giải quyết vấn đề này.

Theo TÙNG ĐINH - DUY HỌC/ NNVN 

Các tin khác