Chú ý phòng trừ sâu bệnh hại lúa hè thu

Cảnh giác bệnh lùn sọc đen

Vụ hè thu 2022, Quảng Trị gieo cấy khoảng trên 22.300 ha lúa. Hiện cây lúa chuẩn bị bước vào giai đoạn làm đòng - trỗ bông, là giai đoạn quan trọng quyết định năng suất.

Theo báo cáo từ Chi cục Trồng trọt và BVTV Quảng Trị, hiện một số đối tượng sâu bệnh gây hại cục bộ trên lúa hè thu như: Chuột diện tích nhiễm 278 ha, tỉ lệ hại phổ biến 5 - 10%; ốc bươu vàng 66,5 ha; rầy 48 ha; bệnh vàng lá sinh lý, khô vằn, sâu cuốn lá nhỏ, nhện gié, sâu đục thân, bệnh bạc lá vi khuẩn, đạo ôn... gây hại rải rác các vùng trong toàn tỉnh.

Đặc biệt, theo kết quả phân tích mẫu vừa qua của Trung tâm BVTV vùng Khu 4, bệnh lùn sọc đen đã xuất hiện và gây hại tại HTX An Mỹ, xã Gio Mỹ. Đây là đối tượng bệnh hại đặc biệt nguy hiểm, gây hại lớn đến năng suất nếu không phát hiện và phòng trừ kịp thời.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Trị, từ nay đến tháng 8/2022, nền nhiệt độ phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, tổng lượng mưa thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Đặc biệt, trong tháng 7, nắng nóng sẽ tiếp diễn và kéo dài, ít mưa nên nguy cơ khô hạn sẽ diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây lúa. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh hại như: Rầy các loại, nhện gié, sâu cuốn lá, bệnh bạc lá vi khuẩn, khô vằn, bệnh vàng lá sinh lý do ngộ độc phèn và chất hữu cơ tiếp tục phát triển và gây hại mạnh.

Ngoài ra, các đối tượng khác như bệnh lùn sọc đen, thối thân, thối bẹ, thối gốc, lem lép hạt sẽ phát sinh và gây hại lúa giai đoạn làm đòng đến cuối vụ, đặc biệt bệnh đạo ôn có khả năng xuất hiện và gây hại trên lá và cổ bông trên các trà lúa chuẩn bị trỗ.

Để đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng phát triển và quản lý tốt các đối tượng dịch hại, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Quảng Trị đề nghị các địa phương trong tỉnh thực hiện nghiêm các biện pháp để bảo vệ cây lúa:

Thời gian tới, thời tiết tại Quảng Trị nói riêng và các tỉnh Bắc Trung bộ nói chung còn nắng nóng kéo dài, nguy cơ phát sinh nhiều đối tượng sâu bệnh hại. Ảnh: Phan Việt Toàn.
Thời gian tới, thời tiết tại Quảng Trị nói riêng và các tỉnh Bắc Trung bộ nói chung còn nắng nóng kéo dài, nguy cơ phát sinh nhiều đối tượng sâu bệnh hại. Ảnh: Phan Việt Toàn.

- Tập trung các biện pháp chăm sóc cây lúa, bón thúc đòng đúng thời gian, bón phân cân đối, không bón thừa phân đạm (bón thúc đòng khi ruộng lúa có 10 - 20% số dảnh chuyển giai đoạn tượng khối sơ khởi (đòng đất, cây lúa chuyển qua giai đoạn làm đòng thường có các dấu hiệu như thắt eo ở chóp lá, lá cứng hơn và thẳng đứng, màu lá lúa chuyển vàng sinh lý).

Nên dùng phân chuyên dùng cho thúc đòng hoặc dùng phân đạm kết hợp với kali để bón thúc, tăng lượng kali và giảm lượng đạm. Tùy vào tình trạng của ruộng lúa để điều chỉnh lượng phân bón cho phù hợp, lượng kali khoảng 3 - 4 kg/sào, lượng đạm tùy vào tình hình tốt xấu của cây lúa để điều chỉnh hợp lý. Đồng thời, đảm bảo ruộng đủ nước từ 3 - 7 cm trong giai đoạn lúa làm đòng, giữ nước trong ruộng sau khi bón phân, không để ruộng khô, kiểm tra bờ thửa hạn chế thất thoát phân sau khi bón.

Những nơi mật độ rầy cao cần phun trừ kịp thời trước khi bón đòng để cây lúa phát triển làm đòng thuận lợi. Tăng cường thăm đồng thường xuyên, kiểm tra tình hình dịch hại để phòng trừ một cách kịp thời.

Hệ thống ngành BVTV ở địa phương cần bám sát đồng ruộng, tổ chức phun trừ sớm các đối tượng sâu bệnh hại lúa vụ hè thu 2022. Ảnh: Phan Việt Toàn.
Hệ thống ngành BVTV ở địa phương cần bám sát đồng ruộng, tổ chức phun trừ sớm các đối tượng sâu bệnh hại lúa vụ hè thu 2022. Ảnh: Phan Việt Toàn.

- Đối với rầy các loại và bệnh lùn sọc đen: Tiếp tục theo dõi diễn biến của rầy giai đoạn trước và sau trỗ. Nơi có mật độ rầy cao từ 750 con/m2 cần khoanh vùng phun trừ kịp thời, không để lây lan, sau khi phun nếu thấy rầy vẫn còn phát triển thì phun lần 2 với loại thuốc có hoạt chất khác với thuốc phun lần 1.

Khi phun trừ rầy, trong ruộng phải có nước từ 3 - 5 cm. Phải hạ thấp vòi phun nhằm đưa lượng nước thuốc đến tận nơi cư trú của rầy ở phần gốc và bẹ lúa. Lượng nước phun tối thiểu từ 20 lít/sào; sử dụng các loại thuốc có hoạt chất như Thiamethoxam, Buprofezin, Pymetrozine như Actara 25WP, Applaud 25 SC, thuốc Chess 50WP, Cheestar 50WP... Nếu rầy mật độ cao, dùng các loại thuốc tiếp xúc có hoạt chất Fenobucarb như Bassa 50EC, Nibas 50Ec… để phun trừ. Liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Riêng đối với bệnh lùn sọc đen: Đề nghị tăng cường kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt lưu ý trên các trà lúa gieo muộn, những vùng thiếu nước. Nếu phát hiện thấy cây lúa có triệu chứng bệnh lùn sọc đen, tiến hành nhổ bỏ, vùi cây lúa bị bệnh và phun thuốc diệt trừ rầy môi giới để tránh lây lan.

Phát hiện sớm triệu chứng nhện gié

- Đối với nhện gié: Đây là đối tượng gây hại nặng trong vụ hè thu. Để phát hiện nhện gié, cần kiểm tra ruộng lúa thường xuyên để phát hiện sớm triệu chứng của nhện gây hại trên bẹ lá, gân lá (có các vết thâm tím như cạo gió). Chú ý trên các chân ruộng cao, thiếu nước, bón phân không cân đối, gieo dày, các giống nhiễm như ST24, ST25 nhện thường gây hại nặng, những chân ruộng những năm trước thường hay bị nhiễm.

Giám sát thường xuyên đồng ruộng sẽ giúp công tác phòng trừ sâu bệnh hại lúa đạt kết quả tốt. Ảnh: Phan Việt Toàn.
Giám sát thường xuyên đồng ruộng sẽ giúp công tác phòng trừ sâu bệnh hại lúa đạt kết quả tốt. Ảnh: Phan Việt Toàn.

Để phòng trừ nhện gié, cần áp dụng các biện pháp như: Giữ mức nước thích hợp cho từng giai đoạn sinh trưởng của lúa, không để ruộng bị khô hạn vào thời điểm cây lúa đòng - trỗ bông, phơi màu. Không phun thuốc quá sớm và không phun ngừa để tạo điều kiện cho thiên địch như bọ trĩ (bù lạch) đen và nhện nhỏ bắt mồi phát triển.

Đặc biệt, chú ý phát hiện nhện gié gây hại ở 2 thời kỳ là cuối giai đoạn lúa đẻ nhánh (40 - 50 ngày sau sạ) và trước trỗ 5 - 7 ngày; Có thể sử dụng một số thuốc hóa học đặc trị nhện có hoạt chất Quinafos, Hexythiazox, Sulfur như Kinalux, Nissorun, Kumulus… để phòng trừ, cần phun đủ lượng nước từ 400 – 600 lít/ha để nước thuốc thấm vào bẹ lá làm tăng hiệu quả của thuốc.

Trong điều kiện có thể, trước khi phun thuốc, cho nước dâng cao để nhện bò lên phía trên bẹ lá thuận lợi cho việc phun trừ. Khi phun, phải hạ thấp vòi phun để thuốc tiếp xúc với các bộ phận nhện đang cư trú. Chú ý phun phòng trước trỗ trên các chân ruộng có vết nhện gây hại mới mang lại hiệu quả cao.

Phải thường xuyên kiểm tra thăm đồng sau khi đã phun trừ để phát hiện và đánh giá hiệu quả của việc phun trừ. Ảnh: Phan Việt Toàn.
Phải thường xuyên kiểm tra thăm đồng sau khi đã phun trừ để phát hiện và đánh giá hiệu quả của việc phun trừ. Ảnh: Phan Việt Toàn.

- Đối với sâu cuốn lá nhỏ: Thăm đồng thường xuyên để phát hiện sớm sâu cuốn lá, tiến hành phun khi mật độ sâu 20 con/m2 trở lên, thời điểm phun sau khi bướm ra rộ 5 - 7 ngày (dự báo từ 10/7 đến 05/8 lứa sâu nở và gây hại trà lúa đòng - trỗ). Sử dụng các loại thuốc có hoạt chất Emamectin benzoate, Chlorantraniliprole + Abamectin như Dylan 10EC, 10WG, Map Winer 5WG, Voliam Targo 063SC... để phun trừ.

Trong quá trình sử dụng thuốc BVTV để phun trừ các đối tượng sâu bệnh, cần tuân thủ nghiêm ngặt theo nguyên tắc "4 đúng". Phải thường xuyên kiểm tra thăm đồng sau khi đã phun trừ để phát hiện và đánh giá hiệu quả của việc phun trừ.

Ngoài ra, cần hường xuyên thăm đồng, kịp thời phát hiện các đối tượng dịch hại khác như chuột, bệnh bạc lá vi khuẩn, khô vằn, lép hạt… để có biện pháp phòng trừ hiệu quả.

Theo PHAN VIỆT TOÀN/ NNVN

Các tin khác