Cỏ năn tượng tạo sinh kế đa dạng cho nông dân ĐBSCL

Cỏ năn tượng - chiếc máy lọc nước thần kỳ

Ở ĐBSCL mấy năm gần đây, người dân vùng ven biển nhận rõ giá trị cỏ năn tượng tạo thêm thu nhập trong rổ sinh kế cho nông hộ. Trong vô số loài cây cỏ hoang dại ở vùng đất ngập nước, cùng với cỏ lác, lục bình, cỏ năn tượng là nguồn vật liệu từ thiên nhiên phù hợp với mô hình sản xuất mới ở vùng nông thôn. Hơn nữa, đây còn là cây thích ứng với biến đổi khí hậu, gìn giữ môi trường sinh thái bền vững.

Sản phẩm đan đác từ cỏ năn tượng xuất khẩu Ảnh Hữu Đức
Sản phẩm đan đác từ cỏ năn tượng xuất khẩu. Ảnh: Hữu Đức.

Cỏ năn tượng tên khoa học là Scirpus littoralis Schrad, mọc tự nhiên trong các đầm lầy vùng ven biển ĐBSCL. Cỏ năn tượng có khả năng lọc sinh học, tự lấy oxy trong tự nhiên đưa xuống bộ rễ. Có thể làm một thí nghiệm nhỏ đơn giản trên đồng, trời nắng gắt chừng nào thì cỏ năn tượng "tự hành” tạo oxy cho nước có mùi hăng chừng ấy.

Một số nhà khoa học cùng nông dân nghiệm chứng ở những vùng cỏ năn tượng tự nhiên sinh sôi ngoài đồng tại Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang…, chúng có khả năng làm sạch nguồn nước, tạo môi sinh tốt cho tôm, cua, cá… một cách phù hợp, tùy theo mô hình nuôi thủy sản của người dân, nhất là phù hợp mô hình nuôi quảng canh hoặc để cải thiện môi sinh.

TS Dương Văn Ni, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm - Đa dạng sinh học Hòa An (Hậu Giang) thuộc Trường Đại học Cần Thơ đã qua nhiều năm nghiên cứu đa dạng sinh học ở vùng đất ngập nước vùng ĐBSCL. Từ năm 2006, ông thấy và ví loài cỏ này như của trời cho, đặc biệt là khả năng thích ứng với vùng sinh thái mặn - lợ.

Cuối tháng 2/2023 vừa qua, chúng tôi đi về vùng trồng lúa, nuôi tôm ở xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Đã qua hết tháng Giêng, ban ngày nắng chói chang phả hơi nóng gay gắt. Con đường nhựa mới từ Tham Đôn dẫn về xã Hòa Tú 1 hai bên đường nhiều ao tôm nằm phơi mình, trơ đáy. Cây cỏ ven bờ vuông tôm úa vàng, phơi mình chịu trận. Tuy vậy, thi thoảng vẫn có lác đác vài ba vuông tôm lót bạt bơm đầy nước, quạt tung trắng xóa.

TS Dương Văn Ni làm thực nghiệm về cách vận hành bơm Oxy vào nước của cây cỏ năn tượng Ảnh Hữu Đức
TS Dương Văn Ni làm thực nghiệm về cách vận hành bơm oxy vào nước của cây cỏ năn tượng. Ảnh: Hữu Đức.

Ở ấp Hòa Tân, Xã Hòa Tú 1 là vùng đất mặn - lợ nằm sâu trong nội đồng. Đầu năm nay chớm vào mùa khô hạn, đồng ruộng treo khô, chờ nước mặn vẫn chưa về. Nhiều hộ dân lân cận có người làm mô hình lúa - tôm, nhưng anh Thiện (Hồng Minh Thành) vẫn bơm nước đầy ao, bật quạt, thả tôm nuôi. Anh nói nước mặn vào không đủ độ, chừng 1 - 2‰ xem gần như nuôi nước ngọt, có người còn chờ mặn, nhưng anh cứ thả đại, chỉ lo tôm chậm lớn thôi.

Ở vùng mặn - lợ, một số địa phương tuy có một số công trình thủy lợi nhưng do cuộc tranh chấp mặn - ngọt nên để tìm mô hình sản xuất tương thích gia nhằm gia tăng giá trị nông sản dường như vẫn còn lấn cấn. Anh Thiện cho biết có nghĩ tới nuôi cá đồng, nhưng bây giờ loài cá nào tiêu thụ tốt, lời lãi được bao nhiêu để chọn nước đi bền vững thì vẫn còn băn khoăn...

TS Dương Văn Ni muốn tìm, đưa ra giải pháp thoát khỏi xung đột mặn - ngọt và tăng thu nhập bền vững. Trong đó, cỏ năn tượng - giống cỏ mọc đầy ở Cà Mau hiện đã có nông dân ở Sóc Trăng đưa về trồng. Cỏ vượt lên xanh tươi, môi trường nước ruộng trong veo, chim về chuyền nhảy, líu lo.

Vừa cho thu nhập cao, vừa tạo việc làm

TS Dương Văn Ni hiện là Chủ tịch kiêm Giám đốc Quỹ MCF (Mekong Conservancy Foundation). MCF cùng với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đã và đang tìm sự đồng thuận trong cộng đồng để ứng dụng mô hình cải thiện sinh kế từ cây năn tượng.

Chị Trần Hồng Ni, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mỹ Xuyên là người đã tiên phong đưa cây năn tượng về trồng 1ha tại ruộng nhà. Ông Hai Mật (Trần Văn Mật) – cha của chị Ni ủng hộ cách thực hiện mô hình canh tác mới của con gái. Bà con chòm xóm còn gọi là năn tượng Hai Mật, dù lúc đầu có người nghi ngại loài cỏ này trước kia diệt không xuể sao còn đem về trồng?

Đồng cỏ năn tượng trong ruộng tôm ở vùng Bán đảo Cà Mau Ảnh HT
Đồng cỏ năn tượng tự nhiên trong ruộng tôm ở vùng bán đảo Cà Mau. Ảnh: HT.

Ông Hai Mật bày tỏ: Qua nhiều năm chuyển dịch cơ cấu sản xuất, đất ruộng nhà trồng lúa và nuôi tôm. Cũng có năm thắt ngặt chờ nước mặn lên trễ giống như đầu năm nay khiến khó thả tôm. Chuyện mới khởi đầu nan, một khi đưa cây trồng vật nuôi mới có thể rủi ro phải chấp nhận. Còn đưa cỏ năn tượng trồng trở lại là một câu chuyện khác.

Loài cỏ này dễ tìm, dễ trồng, thích nghi tốt trên vùng đất ngập nước dù mặn hay lợ. Sác nhà khoa học cho biết cỏ năn tượng có thể chịu mặn 8‰ như cây bồn bồn, thậm chí độ mặn tới 15 - 20‰ vẫn không chết. Chỉ cần cấy găm 3 tép cỏ xuống đất bùn mặt ruộng, khoảng cách 7 - 8 tấc (70 - 80cm) chỉ trong thời gian ngắn cây sẽ tự nở bụi.

So với một vụ lúa trước đây tốn chi phí nhân công, máy cày xới, phân thuốc trừ sâu…, nếu được mùa tính ra còn lời khoảng 2 - 2,5 triệu đồng/công. Trong khi trồng năn tượng không tốn phân bón, thuốc trừ sâu, chỉ cần canh nước không ngập đọt ngọn cỏ, thu 2 tấn tươi/công (1.000m2), phơi khô còn 1 tấn. Mỗi vụ năng tượng trồng sau 4 tháng sẽ cho thu hoạch, được Công ty Cổ phần MCF Việt Nam (do Quỹ MCF hỗ trợ, tư vấn) thu mua sử dụng làm nguyên liệu đan giỏ (sản phẩm thủ công mỹ nghệ) xuất khẩu.

Trung bình 7 - 8kg năn tươi sau khi phơi thu 1 kg năn khô. Giá năn tượng tươi khoảng 600 - 700 đồng/kg, sau khi phơi khô là 8.000 - 10.000 đồng/kg (tùy vị trí xa hay gần điểm thu mua). Tính bình quân cho thu nhập 6 - 8 triệu đồng/công, tính gộp chung thu 3 đợt là 18 - 24 triệu đồng/công/năm. Tính ra, nông dân đỡ cực công hơn gấp nhiều lần trồng lúa. Đó là chưa kể nguồn lợi rất lớn về mặt môi trường nhờ năn tượng làm sạch nước, rong tảo, đất…, từ đó có thể thả nuôi tôm, cua hoặc cá.

Hiện nay, Hội Phụ nữ huyện Mỹ Xuyên đã tổ chức được 27 tổ hợp tác đan đác, với 15 - 20 thợ đan/tổ. Nguyên liệu từ cỏ năn tượng đan giỏ thành phẩm cung cấp khoảng 700 sản phẩm/tuần cho Công ty MCF. Tùy theo mẫu sản phẩm, giá gia công đan giỏ từ 14.000 - 31.000 đồng/giỏ. Mỗi lao động đan giỏ có thu nhập mỗi tuần 400 - 500.000 đồng.

Phụ nữ nông thôn học nghề đan đác giỏ từ cỏ năn tượng khô tại HTX MCF Mỹ Quới Ảnh Hữu Đức
Phụ nữ nông thôn học nghề đan giỏ từ cỏ năn tượng khô tại HTX MCF Mỹ Quới. Ảnh: Hữu Đức.

Bên cạnh đó, HTX Mỹ Quới, Thị xã Ngã Năm thành lập vào cuối năm 2021 với 9 thành viên, hiện hình thành được mạng lưới hơn 400 lao động nông thôn ở xã Mỹ Quới và Mỹ Bình làm gia công đan đác. Thông qua Hội Phụ nữ xã, HTX Mỹ Quới tiếp tục tập huấn dạy nghề đan (miễn phí), nâng tổng số lên 700 lao động gia công.

Năm 2022, HTX đã cung ứng 30.000 sản phẩm. Năm 2023, HTX có kế hoạch triển khai gia công sản phẩm mỹ nghệ từ năn tượng, cung ứng 10.000 sản phẩm/tháng. HTX thu gom nguyên liệu từ vùng trồng và giao bán thành phẩm về Trung tâm điều phối của Công ty MCF. Trung tâm MCF chi nhánh tại Sóc Trăng là nơi thu nhận sản phẩm đan đác từ các HTX, tổ hợp tác, sau đó đóng hàng thành phẩm cung ứng từ 30.000 đến 40.000 sản phẩm/tháng về Công ty Housewares (Bình Dương) để xuất khẩu 100% sang Mỹ, Úc, Nhật Bản.

Theo nguồn tin mới từ Bộ Công Thương, cỏ năn tượng là mặt hàng mới được một số công ty kinh doanh xuất nhập khẩu thuộc khu vực phía Nam tìm được thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc. Cỏ năn tượng phơi khô dùng làm nguyên liệu sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ như các loại giỏ xách, đồ trang trí nội thất, thảm trải nền nhà… với giá xuất khẩu trung bình 2.100 - 2.800 nhân dân tệ/tấn. Ở Quảng Đông và Phúc Kiến đang có nhu cầu lớn về loại nguyên liệu này.

Theo HỮU ĐỨC/ NNVN 

Các tin khác