Nuôi vịt chuồng lạnh công nghệ cao, nông dân đất mỏ 'thu nóng' được tiền tỷ

Mô hình chăn nuôi vịt công nghệ cao của ông Đồng Quang Cường (TX Quảng Yên, Quảng Ninh). Ảnh: Nguyễn Thành.
Mô hình chăn nuôi vịt công nghệ cao của ông Đồng Quang Cường (TX Quảng Yên, Quảng Ninh). Ảnh: Nguyễn Thành.

Hiện, trên địa bàn TX Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) xuất hiện nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện chuyển đổi số, mang lại thu nhập cao cho nông dân. Nổi bật là mô hình nuôi vịt khép kín của ông Đồng Quang Cường tại xã Cẩm La (TX.Quảng Yên).

Chia sẻ với phóng viên, ông Cường cho biết, trước đây, nuôi vịt trên ao thường gặp nhiều dịch bệnh, tốn chi phí, chất lượng vịt thương phẩm không cao.

Nhận thấy phương thức nuôi thả truyền thống không còn thích hợp, ông đã tìm tòi, học hỏi, ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất để giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận, hạn chế rủi ro trong quá trình chăn nuôi.

Cũng theo ông Cường, thả nuôi số lượng vịt lớn sẽ gặp khó khăn trong quản lý và nhiều rủi ro lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

Năm 2022, ông đã mạnh dạn dốc vốn liếng và vay mượn thêm để đầu tư gần 5 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp 2 hệ thống chuồng khép kín (diện tích khoảng 3,5 ha) được thiết kế thoáng khí, sàn chuồng có mặt lưới cao cách nền bê tông khoảng 50cm, trần lợp tôn cách nhiệt và lắp hệ thống quạt làm mát, hệ thống cho ăn tự động, máng uống tự động.

"Chăn ở ngoài, người nông dân mất từ 2,7 - 2,9kg thức ăn mới thu được 1 kg vịt hơi. Nếu chăn trong chuồng lạnh sẽ chỉ mất từ 2,1 - 2,2 kg. Nuôi 10.000 con vịt ở ngoài phải mất đến 8 nhân công thì hiện nay chỉ mất 1 nhân công thôi", ông Cường cho biết.

Quy trình nuôi vịt trong chuồng lạnh ứng dụng công nghệ cao đã mang lại nhiều lợi ích.

Đầu tiên phải kể đến là việc đàn vịt thích ứng tốt với khí hậu, sinh trưởng đồng đều, cho chất lượng thịt cao; người nuôi hoàn toàn chủ động trong việc quản lý, theo dõi các chỉ số phát triển của đàn vịt để có kế hoạch cung cấp thức ăn, nước uống và cả thuốc chữa bệnh cho vịt từ xa.

Hiện trang trại của ông Cường có gần 15.000 con vịt, gồm 7.000 con vịt siêu trứng và 7.500 con vịt siêu thịt.

Quy trình chăn nuôi khép kín, tiêm vacxin đầy đủ nên đàn vịt thịt khỏe mạnh, trọng lượng trung bình đạt khoảng 3,6kg sau khoảng 1 tháng rưỡi.

Mỗi tháng, trang trại của ông xuất bán hơn 15 tấn vịt thương phẩm với giá từ 42.000 - 45.000 đồng/kg tùy từng thời điểm.

Trang trại cũng được đầu tư 4 máy ấp trứng tự động để sản xuất trứng vịt lộn (từ 18 - 19 ngày ấp) và con giống (28 ngày ấp), mỗi máy có công suất ấp gần 20.000 quả trứng.

Đặc biệt, chất thải từ chăn nuôi được tận dụng tối đa nhờ mô hình vườn - ao - chuồng (VAC) với 4 ao nuôi các loại cá nước ngọt và khu vườn trồng 100 cây bưởi da xanh, 100 cây vải chín sớm...

Ngoài ra, ông Cường còn là đại lý chuyên phân phối và cung cấp thức ăn chăn nuôi ở địa phương. Trung bình, doanh thu từ mô hình VAC của gia đình cho thu nhập từ 800 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng mỗi tháng.

Mô hình của ông Cường cho doanh thu khoảng 1 tỷ đồng mỗi tháng. Ảnh: Nguyễn Thành.
Mô hình của ông Cường cho doanh thu khoảng 1 tỷ đồng mỗi tháng. Ảnh: Nguyễn Thành.

Không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi, ông Đồng Quang Cường là thành viên tích cực của Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi địa phương với mong muốn kết nối, lan tỏa phương pháp chăn nuôi mới, hiệu quả tới đông đảo bà con nông dân.

Ông Đồng Quang Cường chia sẻ, khi địa phương khác mua vịt về sơ chế qua và chuyển lại Quảng Ninh thì giá tăng lên từ 65 nghìn đến 70 nghìn đồng/kg thịt vịt.

Nhận thấy khâu trung gian quá lớn và không bền vững, ông muốn đẩy mạnh vào xu hướng sơ chế, tìm đầu ra cho sản phẩm vịt để làm sao phát triển bền vững, hiệu quả.

Ông Nguyễn Thái Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Cẩm La cho biết, số lượng đàn thủy cầm trên địa bàn xã Cẩm La là khoảng 170.000 con.

Mô hình nuôi vịt của ông Đồng Quang Cường là mô hình tiêu biểu của xã Cẩm La. Sản phẩm trứng vịt của ông Cường đã được đăng ký sản phẩm OCOP chất lượng 3 sao của xã.

Với cương vị là Chi Hội trưởng Chi Hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi vịt xã Cẩm La, ông Cường đã hỗ trợ cho hơn 100 hộ dân trên địa bàn cùng lĩnh vực chăn nuôi có thể tham gia vào chuỗi sản xuất các sản phẩm từ con vịt. Từ đó góp phần phát triển nông thôn mới của địa phương.

Mô hình chăn nuôi vịt trong chuồng lạnh của ông Đồng Quang Cường đang được nhiều hộ chăn nuôi ở Quảng Yên áp dụng.

Vịt thương phẩm với chất lượng tốt, được nuôi theo mô hình ứng dụng khoa học công nghệ cao hiện không chỉ được tiêu thị tại tỉnh Quảng Ninh cùng các tỉnh, thành phố lân cận như Hải Phòng, Hải Dương mà còn xuất ra thị trường các tỉnh miền Trung, miền Nam.

Việc hỗ trợ nông dân xã Cẩm La vay vốn chăn nuôi vịt thương phẩm thông qua nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân sẽ giúp mở rộng quy mô sản xuất, mua vịt giống, thức ăn chăn nuôi phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động, xây dựng các mô hình kinh tế liên kết chuỗi sản phẩm nông sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo NGUYỄN THÀNH - VIẾT CƯỜNG/ NNVN 

Các tin khác