Vỗ béo bò BBB kết hợp nuôi dê thương phẩm lãi 300 triệu đồng/năm

Vỗ béo bò BBB nhanh hoàn vốn

Từ trước đến nay, anh Nguyễn Thành Tạ ở thôn Thượng Giang 2, xã Tây Giang (huyện Tây Sơn, Bình Định) lấy chăn nuôi làm nguồn thu nhập chính của gia đình, nhưng trước đây anh chỉ nuôi giống bò cỏ (giống bò địa phương). Giống bò này có tầm vóc nhỏ thó, trọng lượng thấp, có giá trị kinh tế thấp, cho thu nhập chẳng là bao.

Anh Tạ tận dụng 6 sào đất đồi trồng cỏ để làm thức ăn vỗ béo bò BBB. Ảnh: V.Đ.T.
Anh Tạ tận dụng 6 sào đất đồi trồng cỏ để làm thức ăn vỗ béo bò BBB. Ảnh: V.Đ.T.

Nghe ngóng qua thông tin báo chí, anh Tạ biết hiện nay nhiều nông dân ở xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn) và xã Ân Phong (huyện Hoài Ân) đang ăn nên làm ra nhờ nuôi bò vỗ béo, nhất là nuôi giống bò ngoại BBB (Blanc Bleu Belge).

Bê lai giống BBB khoảng 5-6 tháng tuổi được nuôi trong thời gian 18 tháng sẽ đạt bình quân 450kg/con. Giống bò này khoái ăn các giống cỏ trồng, phụ phẩm nông nghiệp và thức ăn tinh sẵn có tại địa phương. Nuôi vỗ béo bò BBB không khó, lại ít xảy ra dịch bệnh nên mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Những thông tin trên đã thôi thúc anh Tạ đi khắp nơi học hỏi các mô hình nuôi bò vỗ béo. Năm 2010, anh Tạ quyết định bán hết đàn bò sẻ chuyển sang nuôi vỗ béo bò BBB.

“Tôi đi khắp nơi mua những con bò giống BBB gầy về nuôi vỗ béo. Nuôi bò vỗ béo không khó, nhưng người nuôi phải siêng năng, chịu khó. Để đạt hiệu quả, sau khi mua bò gầy về phải tiêm thuốc xổ giun và tích cực bồi dưỡng.

Ngoài cỏ, rơm, tôi pha thêm nước cám và muối cho bò uống. Giống bò BBB hấp thụ thức ăn tốt nên nhanh tăng trọng, sau 3 tháng nuôi vỗ béo, khi xuất chuồng mỗi con bò cho lãi ít nhất 3 triệu đồng. Từ khi nuôi vỗ béo bò BBB, bình quân mỗi tháng gia đình tôi có thu nhập trên 30 triệu đồng từ nuôi bò”, anh Tạ chia sẻ.

Hiện trong khu chăn nuôi của anh Tạ thường xuyên có mặt hơn 30 con bò BBB, cứ thấy trong đàn bò của mình có bao nhiêu con sắp xuất chuồng là anh lại rong ruổi khắp các miền quê, mua chừng ấy con bò gầy để thay vào những con bò sắp bán nhằm giữ ổn định đàn. Những con bò được nuôi vỗ béo khoảng 3 tháng là xuất chuồng, cứ thế quay vòng.

Nuôi dê thương phẩm đầu ra ổn định

Nhận thấy việc chăm 30 còn bò BBB thường xuyên có trong chuồng vẫn chưa lấy hết quỹ thời gian của mình, qua những lớp tập huấn về chăn nuôi do Hội Nông dân xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tây Sơn tổ chức, anh Tạ tiếp tục quan tâm đến nuôi dê thương phẩm.

Bởi, nuôi dê vốn đầu tư ít, quay vòng nhanh, thức ăn chủ yếu là cây cỏ có sẵn, đặc biệt là giá bán ổn định và khá cao so với các loại vật nuôi khác. Thế là anh Tạ dựng thêm dãy chuồng nuôi dê thương phẩm bên cạnh dãy chuồng anh đang nuôi vỗ béo bò trên 300m2 đất phía sau nhà.

Ban đầu anh Tạ chỉ mua 3 cặp dê giống về nuôi. Sau 6 tháng, 3 cặp dê giống bắt đầu sinh sản. Cứ thế mỗi năm dê mẹ đẻ 2 lứa, mỗi lứa 2-3 con. Đến năm 2020, anh Tạ đã có dê thịt để bán.

Riêng dê giống từ 2-3 tháng tuổi có trọng lượng 15 kg/con anh Tạ bán được 160.000 -180.000 đồng/kg. Còn dê thịt nuôi từ 6 đến 7 tháng, đạt trọng lượng từ 30-35kg/con anh Tạ bán được từ 100.000 - 140.000 đồng/kg.

Ngoài cho bò ăn cỏ, rơm, anh Tạ pha thêm nước cám và muối cho bò uống. Ảnh: V.Đ.T.
Ngoài cho bò ăn cỏ, rơm, anh Tạ pha thêm nước cám và muối cho bò uống. Ảnh: V.Đ.T.

Theo anh Tạ, mỗi năm gia đình anh xuất bán được khoảng 30 con dê giống và dê thịt, đàn dê đem lại cho gia đình anh thu nhập trên 150 triệu đồng. Hiện trong khu chăn nuôi của anh Tạ có trên 30 con bò BBB và hơn 40 con dê bách thảo cùng dê bò đầu socola có tổng trị giá gần nửa tỷ đồng.

Nói về nguồn thức ăn nuôi vỗ béo bò BBB và đàn dê của mình, anh Tạ bộc bạch: “Không chỉ đàn bò, cả đàn dê của tôi cũng được nuôi nhốt chứ không nuôi thả như các hộ nuôi dê khác. Tôi tận dụng 6 sào đất đồi để trồng cỏ.

Ngoài ra, hàng ngày tôi còn long rong xe máy đi vớt lục bình ở các sông, suối, ao, hồ trên địa bàn về nấu chín làm thức ăn cho bò, dê. Tôi còn cho bò, dê ăn thêm 1 ít thức ăn tinh nhằm đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Hiện nay, gia đình tôi thu lãi từ mô hình nuôi bò vỗ béo và nuôi dê thương phẩm ổn định trên 300 triệu đồng/năm”.

Theo ông Huỳnh Thanh Danh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tây Sơn, mô hình chăn nuôi kết hợp bò vỗ béo và dê thương phẩm của anh Tạ cho thấy hiệu quả kinh tế mang lại rất cao.

Trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tổ chức cho nông dân trong huyện tham quan, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm để nhân rộng mô hình. Lợi thế của vùng đất trung du huyện Tây Sơn là có nhiều diện tích đất đồi, phù hợp với mô hình chăn nuôi bò - dê kết hợp.

Theo VŨ ĐÌNH THUNG/ NNVN 

Các tin khác