Dừa xiêm cho trái ngọt ở vùng đất mặn phèn

Nhiều năm qua, những đồng bị nhiễm phèn mặn ở xã Quảng Văn (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) vẫn loay hoay chuyển đổi cây trồng nhưng không thành công. Từ khi cây dừa xiêm được đưa vào trồng thử nghiệm trên vùng đất này, kết quả bước đầu đã mở ra kỳ vọng mới về cây trồng có thể thích ứng và giúp nâng cao thu nhập cho người dân.

Gia đình chị Trần Thị Thương ở thôn La Hà Nam (xã Quảng Văn) có vùng đất chủ yếu trồng các loại cây ngắn ngày như khoai, rau màu nhưng hiệu quả mang lại không đáng là bao. Nhiều lần chuyển đổi, nhưng vì đất bị chua phèn, nhiễm mặn nên khó có cây trồng nào có thể mang lại hiệu quả.

Cây dừa đã đứng vững trên vùng đất nhiễm phèn mặn xã Quảng Văn. Ảnh: T.Phùng.
Cây dừa đã đứng vững trên vùng đất nhiễm phèn mặn xã Quảng Văn. Ảnh: T.Phùng.

Năm 2020, được sự tư vấn và hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình, gia đình chị Thương đã đưa vào trồng 200 cây dừa xiêm lùn trên diện tích 0,5ha.

Đây là hộ đầu tiên trồng thử nghiệm cây dừa xiêm trên đất nhiễm mặn tại xã Quảng Văn. Quá trình đưa mô hình mới này vào trồng, gia đình đã được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ 50% giống và phân bón, cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc dừa.

Mặc dù mới là năm thứ 3, nhưng cây dừa đã cho quả bói. Dự kiến sang năm thứ 4 sẽ cho thu hoạch, trung bình mỗi cây nếu chăm sóc tốt dự kiến cho thể cho từ 100 - 150 trái.

Chị Trần Thị Thương cho hay: “Dù mới năm thứ 3, nhưng dừa cho ra bói rất nhiều quả. Gia đình đã thu hoạch, phần lớn là biếu tặng bà con dùng thử. Ai cũng khen nước dừa ngọt, mát. Chắc chắn sang năm gia đình sẽ có thu hoạch đáng kể từ dừa”.

Cũng như gia đình chị Thương, gia đình anh Phạm Hồng Thanh cũng đã đầu tư trồng 400 cây dừa xiêm lùn xen ghép nuôi tôm, cua trên diện tích 1,7ha đất hoang hóa.

Cây dừa xiêm cho lứa quả bói đầu tiên. Ảnh: T.Phùng.
Cây dừa xiêm cho lứa quả bói đầu tiên. Ảnh: T.Phùng.

Đến nay, vườn dừa của gia đình anh đã được 2 năm tuổi. Việc trồng dừa xiêm xung quanh ao nuôi tôm, cua quảng canh vừa tận dụng được nguồn nước tưới cho cây, vừa không ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của thủy sản.

Anh Thanh cũng hi vọng: “Đến khi vườn dừa vào thu hoạch sẽ cho gia đình nguồn thu đáng kể. Cây dừa cho thu hoạch dài, chi phí đầu tư thấp nên hiệu quả sẽ cao”.

Chỉ trong thời gian 3 năm trở lại đây, từ sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình, đã có 7 hộ gia đình trên địa bàn xã Quảng Văn chuyển đổi đất nhiễm mặn, chua phèn sang trồng dừa xiêm lùn với diện tích gần 5ha.

Theo ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình, quá trình sản xuất cho thấy trồng dừa không tốn nhiều công chăm sóc, đặc biệt trên đất nhiễm mặn cây dừa xiêm thể hiện được ưu thế thích nghi rất tốt.

“Từ khi trồng đến năm thứ 4 trở đi, dừa bắt đầu cho thu hoạch, với giá bình quân khoảng 20 ngàn đồng/quả thì mỗi gốc dừa có thể cho thu nhập từ 500 ngàn đến vài triệu đồng/năm”, ông Hải nhìn nhận.

Cây dừa xiêm hứa hẹn mang lại thu nhập tốt cho vùng đất phèn mặn ở Quảng Bình. Ảnh: T.Phùng.
Cây dừa xiêm hứa hẹn mang lại thu nhập tốt cho vùng đất phèn mặn ở Quảng Bình. Ảnh: T.Phùng.

Bước vào năm 2023, xã Quảng Văn dự định trồng thêm 3ha dừa xiêm để vừa chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vừa giải quyết vấn đề đất nhiễm mặn, kém hiệu quả tại địa phương.

Theo ông Trần Thanh Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Văn, ngoài kỳ vọng giải quyết được vấn đề đất bỏ hoang, chính quyền địa phương hướng tới mục tiêu xây dựng khu du lịch sinh thái tại địa phương với các mô hình trồng dừa.

“Những tín hiệu ban đầu khi triển khai mô hình trồng dừa xiêm trên đất nhiễm phèn mặn đã mở ra kỳ vọng mang lại thu nhập bền vững cho nông dân”, ông Nam nói.

Theo TÂM PHÙNG - THANH NGA/ NNVN 

Các tin khác