Giống lúa mới có gen kháng bạc cho năng suất cao vượt trội trên cánh đồng ở huyện miền núi của Thái Nguyên

Ngày 24/5, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Lương (Thái Nguyên) phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed tổ chức Hội nghị đầu bờ đánh giá kết quả việc triển khai mô hình trình diễn giống lúa thuần chất lượng cao TBR97 và TBR225 có gen kháng bạc lá tại xóm Thống Nhất, xã Động Đạt, huyện Phú Lương.

Vụ xuân năm 2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Lương đã phối hợp với công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, UBND xã Động Đạt triển khai mô hình trình diễn giống lúa thuần chất lượng cao TBR97 và TBR225 có gen kháng bạc lá tại xóm Thống Nhất, xã Động Đạt.

Việc triển khai mô hình nhằm đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển, năng suất, thời gian sinh trưởng của giống, khả năng chống chịu sâu bệnh hại và hiệu quả kinh tế đem lại của giống lúa TBR97 và TBR225 có gen kháng bạc lá trong điều kiện thâm canh trên địa bàn huyện Phú Lương. Từ kết quả đó sẽ đánh giá việc nhân rộng mô hình ở các vụ tiếp theo trên địa bàn huyện.

Địa điểm thực hiện mô hình tại xóm Thống Nhất, xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Với quy mô diện tích 2ha trên tổng số 15 hộ dân tham gia mô hình, trong đó diện tích giống lúa TBR97 là 1ha và giống lúa TBR225 được gieo trồng 1ha, giống đối chứng là Khang dân 18.

TBR97 là giống lúa thuần chất lượng cao do Viện cây lương thực và Cây thực phẩm chọn tạo. Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed là đơn vị độc quyền sản xuất và kinh doanh. Giống lúa TBR97 là giống lúa thuần chất lượng có thời gian sinh trưởng vụ xuân từ 120 - 125 ngày, vụ mùa từ 100 - 105 ngày.

Còn giống lúa TBR225 có gen kháng bạc lá đã được tạo ra bằng phương pháp lai, chuyển gen kháng bạc lá Xa7 vào giống TBR225, thuộc bản quyền của Tập đoàn ThaiBinh Seed, được Bộ NNPTNT công nhận giống quốc gia năm 2015. Giống đối chứng là giống lúa Khang Dân 18 đã được sử dụng nhiều vụ, nhiều năm tại địa bàn huyện Phú Lương.

Vụ xuân năm nay có điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, đầu vụ điều kiện thời tiết khô hạn kéo dài do không có mưa làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng phát triển của cây lúa. Giai đoạn sau cấy đến đẻ nhánh rộ, thời tiết bất thuận (lượng mưa thấp, nhiệt độ nhiều ngày thấp …), tuy nhiên, giống lúa thuần chất lượng cao TBR97 và TBR225 có gen kháng bạc lá vẫn sinh trưởng và phát triển tốt.

Giống lúa TBR225 có gen kháng bạc lá sinh trưởng phát triển tốt, đẻ nhánh sớm, số dảnh hữu hiệu cao hơn so với giống đối chứng Khang dân 18. Đặc biệt giai đoạn từ trỗ bông cho đến đỏ đuôi có mưa, bão lớn khiến nhiều diện tích lúa đại trà bị đổ, số hạt lép/bông cao nhưng những diện tích mô hình trình diễn lại không bị ảnh hưởng.

Qua quá trình theo dõi và đánh giá nhận thấy: ở cùng thời điểm gieo mạ và cùng một chế độ chăm bón như nhau nhưng giống lúa TBR97 có thời gian sinh trưởng ngắn hơn giống KD18 là 3 ngày, thời gian trỗ bông của giống lúa TBR97 dao động từ 3 - 4 ngày. Còn giống lúa TBR225 có gen kháng bạc lá có thời gian sinh trưởng 125 - 130 ngày do đó dài ngày hơn so với giống đối chứng từ 5 - 7 ngày.

Cùng với đó, qua đánh giá về tình hình sâu bệnh trên cây lúa cho thấy: 2 giống lúa thuần chất lượng cao TBR97 và TBR225 có gen bạc lá cũng bị một số đối tượng sâu, bệnh xuất hiện và gây hại nhưng đều ở mức độ nhẹ. Riêng bệnh bạc lá thì không bị nhiễm so với giống lúa đối chứng Khang dân 18, trong khi đó giống lúa đối ứng Khang dân 18 bị sâu, bệnh gây hại ở mức độ cao hơn.

Về năng suất, 2 giống lúa thuần TBR97 và TBR225 có gen kháng bạc lá có số bông/khóm, số hạt chắc/bông, trọng lượng 1.000 hạt cao hơn so với giống đối chứng KD18, do đó cả 2 giống lúa nói trên đều có năng suất cao hơn so với giống đối chứng.

Trong đó, giống lúa TBR225 có gen kháng bạc lá đạt năng suất cao nhất, cụ thể năng suất thực thu ước đạt 255kg/sào tương đương 70,6tạ /ha. Giống lúa TBR97 ước đạt 235kg/sào tương đương 65,1tạ/ha, cao hơn giống lúa đối chứng KD18 từ 35 - 55kg/sào.

Ở cùng điều kiện chăm sóc, bón phân như nhau nhưng 2 giống lúa này đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với giống lúa đối chứng Khang dân 18. Cụ thể giống lúa TBR97 cho lãi cao hơn KD18 là: 342.000đồng/sào tương đương 9.473.000 đồng/ha. Trong khi đó, giống TBR225 cho lãi cao hơn KD18 522.000đồng/sào tương đương 14.459.000 đồng/ha.

Giống lúa mới có gen kháng bạc cho năng suất cao vượt trội trên cánh đồng ở huyện miền núi của Thái Nguyên - Ảnh 6.
Bà Lê Thị Yên, Đại lí phân phối giống cây trồng tạo xóm Thống Nhất đánh giá về chất lượng của hai giống lúa TBR97 và TBR225 mà đơn vị phân phối cho bà con. Ảnh: Quang Minh

Từ những kết quả đối chứng trên cho thấy, giống lúa TBR97 và TBR225 có gen kháng bạc lá có thời gian sinh trưởng ngắn - trung bình, phù hợp với cơ cấu thời vụ, điều kiện canh tác tại địa phương. Giống lúa TBR97 và TBR225 có gen kháng bạc lá có năng suất chất lượng, hiệu quả đều cao hơn so với giống lúa đối chứng Khang dân 18.

Bên cạnh đó, giống lúa TBR97 và TBR225 có gen kháng bạc lá sinh trưởng phát triển tốt có khả năng chống chịu khá tốt với một số đối tượng sâu bệnh hại trên đồng ruộng, chống đổ tốt, không bị bệnh bạc lá.

Bà Chu Thị Thanh Khương, Chi Hội trưởng Chi hội Nông dân xóm Thống Nhất, xã Động Đạt cho biết: Gia đình bà cũng tham gia thực hiện mô hình trình diễn giống lúa TBR 97 và TBR225 có gen kháng bạc lá trong vụ xuân 2023 trên diện tích 6 sào. Qua quá trình thực hiện và theo dõi bà nhận thấy hai giống lúa này cho hiệu quả năng suất cao và khả năng chống chịu sâu bệnh tốt.

Với những kết quả đã đạt được thông qua mô hình trình diễn, Phòng NNPTNT huyện Phú Lương đề nghị Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed hỗ trợ, mở rộng sản xuất giống lúa TBR 97 và TBR225 có gen kháng bạc lá ở vụ mùa năm 2023. Đồng thời, tiếp tục khảo nghiệm, trình diễn các giống lúa có tiềm năng, năng suất cao để bổ sung vào bộ giống tốt trên địa bàn huyện Phú Lương.

Ngoài ra, đề nghị UBND huyện Phú Lương, Phòng NNPTNT huyện Phú Lương quan tâm tạo điều kiện triển khai các mô hình trình diễn và mở rộng sản xuất các giống lúa đã được khẳng định về năng suất chất lượng hiệu quả và khả năng thích ứng cao.

Theo KIỀI HẢI - QUANG MINH/ DÂN VIỆT 

Các tin khác