Nhờ 'trend' gỏi gà măng cụt: Người hái, cạo vỏ thuê kiếm nửa triệu mỗi ngày

Hái, gọt măng cụt xanh, việc nhẹ lương cao

Vài tuần trở lại đây, món gỏi gà măng cụt trở thành trào lưu ẩm thực trên các trang mạng xã hội, với hàng loạt clip triệu view. Lượng khách kéo về vùng trồng măng cụt ở Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương) tăng đột biến, nhất là vào cuối tuần. Hầu hết những vị khách này tìm đến tận nhà vườn để trải nghiệm hái măng cụt và nhất là trực tiếp tận hưởng món gỏi gà măng cụt xanh đang “hot” rần rần.

Nhiều nhà vườn trồng măng cụt tại đây đang tất bật thu hoạch. Bên cạnh việc thu mua những trái măng cụt vừa chín tới, nhiều thương lái cũng có nhu cầu mua số lượng lớn trái xanh do nhu cầu tăng cao. Nhờ đó, giá măng cụt xanh được đẩy lên cao chót vót tới khoảng 80.000 đồng/kg, trong khi đó giá măng cụt chín chỉ từ 50.000 - 60.000 đồng/kg.

Hái măng cụt thuê là công việc thời vụ đang được nhiều nhân công lựa chọn tại Bình Dương bởi việc không quá khó, lương cao. Ảnh: Lê Bình..
Hái măng cụt thuê là công việc thời vụ đang được nhiều nhân công lựa chọn tại Bình Dương bởi việc không quá khó, lương cao. Ảnh: Lê Bình.

Anh Ngôi Quốc Sài từng là công nhân tại Bình Dương, bị thất nghiệp từ làn sóng cắt giảm lao động lan rộng từ sau Tết Nguyên đán. Để có tiền trang trải cuộc sống, anh làm đủ nghề, kể cả nhặt ve chai, bốc vác. Từ khi được giới thiệu vào vườn măng cụt Lái Thiêu, anh rất phấn khởi vì công việc nhẹ nhàng mà lương lại cao.

“Nhìn chung công việc cũng không có khó khăn gì. Nhìn người ta chỉ khoảng 1 tiếng là có thể bắt đầu công việc được rồi. Việc làm thời vụ nhưng giúp mình trang trải cuộc sống được khá nhiều”, anh Sài chia sẻ.

Tương tự, ông Nguyễn Hoàng Sơn (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) cũng khá phấn khởi khi có được công việc ưng ý, việc không mấy khó khăn mà lương lại cao.

“Đi hái măng cụt thu nhập một ngày cao hơn cả đi làm công nhân luôn. Một ngày nếu siêng hái cũng được 500.000 - 600.000 đồng là bình thường. Chịu khó đến khi hết vụ cũng góp được tiền làm nhiều chuyện lắm chứ”, ông Sơn phấn khởi.

Tại TP.HCM, nhờ "trend măng cụt xanh", nghề gọt vỏ măng cụt đang trở thành việc làm thêm thu nhập cao cho nhiều bạn sinh viên.

Theo chị Thu Hà, chủ cơ sở cung cấp mối măng cụt xanh cho các hàng quán, khoảng 2 - 3 năm nay chị đều làm măng cụt xanh để bỏ sỉ cho các nhà hàng, nhưng năm nay thì số lượng hàng tăng đột biến. Nếu những năm trước chị chỉ cần thuê 5 người gọt vỏ thì năm nay tăng gấp 4 lần, mỗi ngày chị cần 20 người làm công việc này.

Nhờ 'trend măng cụt xanh', nhiều sinh viên dễ dàng kiếm thêm từ 500.000 - 600.000 đồng nhờ gọt vỏ măng cụt. Ảnh: Lê Bình.Nhờ "trend măng cụt xanh", nhiều sinh viên dễ dàng kiếm thêm từ 500.000 - 600.000 đồng nhờ gọt vỏ măng cụt. Ảnh: Lê Bình.

"Năm nay chắc do "trend" hay sao mà lượng hàng măng cụt xanh bán ra tăng vù vù, vì vậy tôi phải mướn người làm nhiều hơn so với năm ngoái. Công việc gọt măng cụt xanh thường làm theo cặp, một người gọt, một người tỉa, tiền công của một cặp có thể kiếm được 1,2 - 1,3 triệu đồng/ngày", chị Hoàng Thị Thu Hà chia sẻ.

Với sự linh hoạt về giờ giấc, không cần kinh nghiệm, công việc gọt vỏ măng cụt đang thu hút những lao động nhàn rỗi.

Em Nguyễn Thị Hiền hiện đang là sinh viên tại TP.HCM, mới vào vựa măng cụt của chị Thu Hà được vài ngày. Mới đầu, Hiền chỉ gọt được 3 - 4 kg/ngày, giờ đây em đã có thể gọt được 6 - 7 kg/ngày. Với tiền công mỗi kg là 80.000 đồng, trung bình mỗi ngày Hiền có thể kiếm được từ 400.000 - 500.000 đồng.

“So với đi làm thêm ở bên ngoài thì số tiền em kiếm được nhờ gọt vỏ măng cụt bằng cả tuần công. Em dùng tối đa thời gian của mình ngoài việc học để làm thêm công việc này. Nó giúp em trang trải cuộc sống, góp tiền học phí kỳ tới. Công việc này không quá vất vả mà thu nhập lại cao”, Nguyễn Thị Hiền chia sẻ.

Không chỉ những người trẻ, ngay cả những người già cũng tranh thủ đi gọt măng cụt để kiếm thêm thu nhập. Bà Trần Thị Kim Thoa (63 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) suốt 3 tuần nay đều đến lấy măng cụt về nhà gọt vỏ trang trải cuộc sống.

“Sáng khoảng 7h cô qua lấy măng cụt về bắt đầu làm, trưa cô nghỉ 1 tiếng, rồi làm tiếp khoảng 6 - 7h chiều mới xong. Ngồi lâu phải vô nghỉ chứ mỏi lưng. Cứ giao hàng là trả tiền, cân bao nhiêu là trả tiền thôi. Mấy hôm nay tiền đi gọt măng cụt toàn bỏ ống không à, nhiều lắm…(cười)”, bà Thoa mừng rỡ khoe.

Bà Kim Thoa đang gọt vỏ măng cụt tại nhà với nguồn thu nhập tốt, thời gian lại chủ động. Ảnh: Lê Bình.
Bà Kim Thoa đang gọt vỏ măng cụt tại nhà với nguồn thu nhập tốt, thời gian lại chủ động. Ảnh: Lê Bình.

Nhiều nhà vườn vẫn "nói không với trend"

"Trend măng cụt xanh" mang lại nhiều lợi nhuận là vậy nhưng tại Lái Thiêu, nhiều chủ vườn nhất quyết không hái măng cụt xanh mà chỉ bán khi bắt đầu ngả chín.

Chị Hồng (ấp Phú Hưng, xã An Sơn, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) là một trong những người phản đối kịch liệt trào lưu "trend măng cụt xanh". Thực tế, rất nhiều thương lái và khách du lịch đến hỏi mua măng cụt xanh nhưng chị đều từ chối.

Theo chị Hồng, tại phần cuống của trái măng cụt mỗi năm sẽ ra một cặp lá mới. Nếu hái trái măng cụt khi còn quá sớm thì cặp lá này buộc rụng theo, ảnh hưởng trực tiếp đến việc đậu trái và sản lượng trong năm tiếp theo.

Dù 'trend măng cụt xanh' giúp nhu cầu tiêu thụ măng cụt xanh tăng cao nhưng nhưng các nhà vườn nhất quyết 'nói không', chỉ hái trái khi đã chín, ngả màu. Ảnh: Trần Trung.
Dù "trend măng cụt xanh" giúp nhu cầu tiêu thụ măng cụt xanh tăng cao nhưng nhưng các nhà vườn nhất quyết "nói không", chỉ hái trái khi đã chín, ngả màu. Ảnh: Trần Trung.

“Thử tượng tượng, hái măng cụt xanh giống như 'mổ gà lấy trứng'. Vì lợi nhuận vụ này mà đánh đổi cho mùa vụ sau chắc chắn ít trái hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng cả vườn măng cụt. Chúng tôi sẽ không bán măng cụt xanh”, chị Hồng quả quyết.

Với diện tích vườn gần 2,5ha, chị Hồng ước tính gia đình sẽ thu hoạch được khoảng 8 - 9 tấn măng cụt chín, dự kiến thu về hơn 300 - 400 triệu đồng. Đây là số tiền khá ổn cho một vụ mùa măng cụt nên không nhất thiết phải chạy theo trào lưu bán măng cụt xanh.

Không riêng nhà chị Hồng, nhiều nhà vườn măng cụt ở Bình Dương cũng cùng quan điểm, quyết không bán trái xanh.

Anh Trần Văn Tài (xã An Sơn, TP Thuận An) có 1,4ha cây măng cụt trồng từ năm 1988 chia sẻ: “Tôi không phản đối việc hái bán trái măng cụt xanh của nhiều chủ vườn khác nhưng nó giống như việc ăn xổi. Măng xanh cuống rất khó bẻ nên phải giật rất mạnh thì mới rụng. Do đó, lá rụng, tét cành, cây chảy mủ, sức khỏe cây bị ảnh hưởng, năng suất mùa sau chắc chắn giảm”.

Nhiều nhà vườn nhất quyết bảo vệ thương hiệu, không hái và bán măng cụt xanh do lo ngại 'mổ gà lấy trứng', ảnh hưởng đến mùa vụ năm tới. Ảnh: Lê Bình.
Nhiều nhà vườn nhất quyết bảo vệ thương hiệu, không hái và bán măng cụt xanh do lo ngại "mổ gà lấy trứng", ảnh hưởng đến mùa vụ năm tới. Ảnh: Lê Bình.

Về vấn đề này, bà Phạm Đỗ Bích Quyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Dương cho biết: Hiện hầu hết các vườn măng ở Bình Dương thu hoạch trái chín là chủ yếu để giữ thương hiệu.

“Thu hoạch măng cụt xanh không quá ảnh hưởng đến cây và năng suất vụ mùa sau nếu hái đúng trái, đúng kĩ thuật. Theo đó, cần hái trái xanh có độ già, tránh ảnh hưởng đến cành thì không lo ảnh hưởng đến năng suất và làm lệch thời điểm thu hoạch của mùa vụ sau.

Chúng ta vẫn chưa đủ nghiên cứu về việc liệu hái trái xanh có ảnh hưởng đến chất lượng vụ sau hay không, cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá thêm”, bà Phạm Đỗ Bích Quyên phân tích.

Ăn măng cụt xanh có hại không?

"Hiện chưa có nghiên cứu nào chỉ ra việc ăn măng cụt xanh sẽ gây hại cho cơ thể. Do đó, chúng ta có thể thưởng thức măng cụt xanh như các loại rau quả khác, tùy theo mục đích sử dụng.

Tuy nhiên, ăn măng cụt chín thì vẫn là tốt nhất bởi khi trái cây chín sẽ tích lũy các chất dinh dưỡng ở mức độ cao nhất mà nó có được. Còn đối với măng cụt xanh thì hàm lượng dinh dưỡng sẽ thấp hơn một chút. Hoàn toàn có thể ăn măng cụt xanh mà không quá lo sợ về tác dụng phụ, miễn sao đừng ăn quá nhiều", bác sỹ chuyên khoa 2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Chủ tịch Liên chi hội Dinh dưỡng TP.HCM phân tích.

Theo LÊ BÌNH - TRẦN TRUNG/ NNVN 

Các tin khác