Loài cây mọc hoang thường làm hàng rào, toàn thân đều là vị thuốc quý, ăn kèm gỏi cá nhệch ngon bá cháy

Cây cúc tần còn gọi là cây từ bị, đại ngải, hoa mai não, cây đại bi, lức ấn, băng phiến ngải... Tên khoa học: Pluchea indica.

Ở quê tôi, cây cúc tần được biết đến là loài cây mọc hoang, người dân thường trồng làm hàng rào. Thi thoảng, gia đình tôi hái lá non, ngọn non cây cúc tần dùng làm rau sống, ăn kèm với các thứ rau thơm khác.

Thế nhưng ít người biết toàn thân cây cúc tần đều là vị thuốc quý. Theo Lương y Thích Tuệ Tâm, Giám đốc Tuệ Tĩnh Đường Liên Hoa (Huế), các bộ phận của cây cúc tần từ lá, rễ, và ngọn non... đều là những vị thuốc Nam rất quý, dùng hỗ trợ chữa được rất nhiều bệnh.

Cúc tần có tính mát và vị đắng, có thể dùng để chữa cảm mạo, sốt; tăng cường hệ tiêu hóa; điều trị thấp khớp, gai cột sống và đau nhức xương khớp; có tác dụng lợi tiểu giúp cải thiện chứng bí tiểu; giúp giảm căng thẳng...

Theo nghiên cứu, lá cây cúc tần chứa 2,9% protein. Toàn cây có acid chlorogenic, tinh dầu nên giúp ăn ngon miệng, tốt cho tiêu hoá.

Ngày bé, mỗi lần trong nhà có người bị cảm sốt, nhức đầu, tôi vẫn thấy mẹ tôi hay ra bờ rào hái một nắm lá cúc tần, ít lá tre, lá bưởi, vài cây sả, lá hương nhu rồi rửa sạch, cho vào nồi đổ đầy nước đun sôi. Mẹ tôi lấy nước đó cho người bị sốt uống, rồi cho thêm nước vào phần bã đun sôi dùng để xông. Cách này giúp cơ thể ra mồ hôi, có tác dụng giảm sốt, giải cảm.

Lá cúc tần còn có thể nấu cháo giúp chữa ho do viêm khí quản. Chỉ cần 1 nắm lá cúc tần già băm nhỏ, ít gừng tươi, thịt lợn nạc băm rồi cho vào nấu cùng với gạo tới khi chín nhừ. Món cháo cúc tần thịt nạc băm hơi có vị đắng, lại có vị ngọt của thịt nên rất dễ ăn.

Mẹ tôi bị đau khớp gối mãn tính, bà bảo cây cúc tần quả là vị thuốc quý, có tác dụng tuyệt vời trong việc chữa đau nhức khớp gối. Theo đó mỗi khi trái gió trở giời, bà lên cơn đau mỏi gối thì lại ra bờ sông, tìm hái mấy ngọn cúc tần mọc hoang đem về rửa sạch rồi bỏ vào chảo sao trên bếp với muối hạt. Sao đi sao lại tới lúc lá cúc tần săn lại thì đổ cả lá cúc tần và muối ra miếng vải sạch, rồi chườm lên chỗ đau.

Khi hỗn hợp lá cúc tần và muối nguội thì cho lên bếp sao lại lần nữa cho nóng. Chườm vài lần là hết đau.

Đặc biệt, lá và ngọn non cây cúc tần có vị đắng nhẹ, mùi thơm của tinh dầu nên khi ăn kèm với món gỏi nhệch rất hợp vị. Gỏi cá nhệch là món ăn dân dã đặc trưng của vùng đất Nga Sơn, Thanh Hóa và sau này lan sang huyện Kim Sơn (Ninh Bình).

Thịt cá nhệch rất bổ và có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Nhưng gỏi cá nhệch vẫn là món ngon nhất. Cách ăn gỏi cá nhệch đúng vị là ăn kèm với các loại rau thơm được trồng quanh vườn nhà cùng bánh đa, muối hạt, giềng, mắm tôm và chẻo (một loại nước chấm làm từ mẻ chưng cùng xương cá xay nhuyễn và các loại gia vị). Các loại rau ăn kèm gỏi cá nhệch không thể thiếu lá sung, lá mơ, lá đinh lăng, bạc hà, ngọn cúc tần, mùi tàu, sả, hành khô...

Cũng như lá cúc tần, những loại rau ăn kèm nói trên đều là những loài thảo dược quý, tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên, do dùng để ăn sống nên để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, trước khi ăn, cần phải rửa các loại lá này thật sạch cho hết bụi bẩn, ngâm nước muối pha loãng sau đó vớt ra để ráo nước.

Theo THIÊN TRANG / DÂN VIỆT 

Các tin khác