Trồng thứ cỏ tốt um, xanh rì, cắt đem đun ra thứ dầu thơm này, trai 8X ở Gia Lai sống khỏe

Khởi nghiệp từ trồng cây sả

Năm 2011, sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học - Nông nghiệp của Trường Đại học Bình Dương, anh Đào Duy Hiệp ở lại trường để tham gia công tác giảng dạy. Trong quá trình làm việc tại trường, anh tiếp tục học lên Thạc sĩ Khoa học cây trồng tại Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM để củng cố và nâng cao thêm kiến thức cho bản thân.

Khi chuẩn bị đề tài cho luận văn thạc sĩ của mình, anh Hiệp đã được một giảng viên tại Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM tư vấn về nghiên cứu cây sả tại mảnh đất Gia Lai.

"Quá trình khảo sát thực tế tại một chi nhánh của Binh đoàn 15 (đóng tại huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai-PV) cho đề tài thạc sĩ, tôi nhận thấy cây sả rất dễ trồng, không kén đất, chịu hạn tốt, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật chăm sóc và chỉ trồng 1 lần. Hơn nữa, lá sả sau khi thu hoạch sẽ được đem đi ép để chiết xuất lấy tinh dầu. Loại tinh dầu sả được nhiều khách hàng trong nước ưa chuộng và tin dung bởi nhiều lợi ích", anh Hiệp nói.

Đến năm 2016, anh thôi giảng dạy tại TP.HCM để trở về Gia Lai nhận công tác tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Phòng NNPTNT) huyện Chư Pưh. Khoảng 2 năm sau, anh Hiệp xin nghỉ việc và trở về nhà.

Kể từ đây, anh quyết định khởi nghiệp với công việc trồng sả và sản xuất tinh dầu. Với số vốn tích góp được kết hợp với vay mượn, anh đã bỏ ra 100 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng, mua hệ thống máy móc chiết xuất tinh dầu sả và cây giống. Anh Hiệp thường mua các giống sả như sả Java, sả chanh, sả cam, sả hoa hồng, sả sạ hương…rồi trao tặng cho các hộ dân nghèo tại huyện Chư Sê và Chư Pưh trồng và hướng dẫn kỹ thuật cho họ. Đến ngày thu hoạch, anh Hiệp sẽ thu mua của người dân với giá 2 ngàn đồng/kg lá sả, từ đó tạo thêm thu nhập cho bà con.

"Là một người con đi ra từ làng quê, thấu hiểu nỗi vất vả, nhọc nhằn của người dân suốt đời lam lũ nên bản thân tôi luôn tâm niệm phải tìm ra một hướng đi mới để có thể làm giàu trên quê hương, tạo thêm công ăn việc làm cho bà con. Chính vì vậy, tôi đã nghĩ đến cây sả. Đây là loại cây trồng giúp người nông dân tại địa phương thoát nghèo nhanh chóng và cho thu nhập cao hơn so với cây mì, cây ngô", anh Hiệp tâm sự.

Theo anh Hiệp, các giống sả này có đặc tính sinh trưởng, phát triển nhanh, cho hàm lượng tinh dầu cao, hương thơm dịu và bền lâu, có khả năng xua đuổi côn trùng, khử mùi. Kể từ lần trồng đầu tiên đến khi thu hoạch chỉ mất 3 tháng, mỗi lứa sả cho thu hoạch cách nhau khoảng 50 ngày. Đến nay, anh đã liên kết và trồng được hơn 7 ha sả trên địa bàn hai huyện Chư Sê và Chư Pưh.

Một điều đặc biệt nữa theo anh Hiệp đó là hệ thống máy móc chiết xuất tinh dầu sả được anh lên ý tưởng, thiết kế và nhờ các thầy cô tại Trường Đại học Bình Dương chế tạo.

"Sau khi tham quan, tìm hiểu những những hệ thống chiết xuất tinh dầu sả ở Binh đoàn 15 (đóng ở Gia Lai) và huyện Ea H'Leo (tỉnh Đắk Lắk) tôi thấy có nhiều hạn chế. Ví dụ như tại Binh đoàn 15, họ sản xuất bằng hệ thống bằng điện nên tiêu tốn nhiều chi phí, khoảng tầm 500-700 ngàn đồng/tấn sả ép. Còn tại huyện Ea HLeo, họ lại vận hàng bằng việc đốt củi trực tiếp khiến tinh dầu tạo ra bị đen, chất lượng về mùi hương không đảm bảo. Vì thế, tôi đã thiết kế lại hệ thống riêng của mình, cũng sử dụng củi nhưng tiết kiệm hơn nhưng vẫn đảm bảo được chất lương tinh dầu", người đàn ông này giải thích.

Thu nhập khá từ chiết xuất tinh dầu sả

Mẻ thử nghiệm đầu tiên, anh Hiệp thất bại vì lượng tinh dầu sau khi chiết ra không đạt yêu cầu. Tuy nhiên, anh vẫn không nản chí mà quyết tâm làm ra sản phẩm tinh dầu. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, anh đã đi nhiều nơi để tìm hiểu, học hỏi những chuyên gia trong ngành và cuối cùng cho ra thành công mẻ tinh dầu chất lượng.

Anh Hiệp chia sẻ, tùy theo giống sả mà khi chiết xuất sẽ cho ra lượng tinh dầu khác nhau. Ví dụ, trung bình 1 tấn lá sả Java sẽ chiết được 7 lít tinh dầu; 1 tấn lá sả cam và sả chanh thì cho ra 5 lít tinh dầu…Thời gian chiết xuất tinh dầu khoảng 8 giờ đồng hồ.

Ước tính mỗi năm, anh Hiệp chiết suất ra được khoảng 1.500 – 2.000 lít tinh dầu sả. Theo giá thị trường hiện nay, mỗi lít tinh dầu sả có giá dao động khoảng 1,4 triệu đồng/lít. Bên cạnh bán theo lít, anh Hiệp còn chiết tinh dầu sả vào những chai thủy tinh với dung tích từ 10-30 ml ở dạng chai serum, dạng xịt, bi lăn và treo, giá bán dao động từ 70 ngàn đồng đến 110 ngàn đồng/chai.

Thị trường tiêu thụ dầu sả cũng anh Hiệp rất lớn, không chỉ ở địa bàn huyện Chư Sê nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung còn mở rộng ra các tỉnh, thành khác, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… Song song với việc bán hàng truyền thống, anh Hiệp đẩy mạnh bán hàng qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo hay kênh Youtube…

Sản phẩm tinh dầu được khách hàng đánh giá rất cao, sử dụng trong các spa làm đẹp, khách sạn, treo xe...

Bà Bùi Thị Đào (trú tại thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) cho hay, bà đã sử dụng được tinh dầu sả của cơ sở anh Hiệp được 4 năm.

"Loại tinh dầu này có mùi khá thơm, khử mùi hiệu quả và xua đuổi côn trùng rất tốt. Ngoài ra, tôi thường sử dụng tinh dầu sả để xoa bóp lên cơ thể để giảm đau các bệnh về xương khớp và xông hơi để giải cảm. Nói chung, sản phẩm rất chất lượng, tôi dùng cảm thấy yên tâm", bà Đào nói.

Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, anh Hiệp cho biết, anh sẽ phát triển và mở rộng thêm vùng nguyên liệu sả để chủ động cho sản xuất. Đồng thời, anh sẽ xây dựng, mở rộng xưởng chiết xuất tinh dầu sả và đưa sản phẩm có mặt trên khắp toàn quốc.

Theo HOÀNG LỘC/ DÂN VIỆT 

Các tin khác