Cây sầu riêng ở Vĩnh Long nhiều người ví như cây tiền tỷ, cách chăm sóc cây sau hạn mặn thế nào?

Nhờ chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó hạn, mặn nên nhiều nông dân, nhà vườn, trong đó có nhà vườn trồng sầu riêng của tỉnh Vĩnh Long cho hay vẫn sản xuất an toàn khi hạn, mặn đến. Dù vậy, vẫn phải thực hiện nhiều giải pháp chăm sóc, phục hồi vườn cây ăn trái.

Theo ngành chức năng, sau giai đoạn dài bị ảnh hưởng của hạn, mặn, vào thời điểm bắt đầu chuyển sang mùa mưa, các biểu hiện tiêu cực về tình trạng sức khỏe cây trồng rất phổ biến.

Cây ăn trái, trong đó có cây sầu riêng dễ bị suy yếu, các loại sâu, bệnh xuất hiện nhiều, cùng với tình trạng rối loạn dinh dưỡng đồng thời xuất hiện. Chính vì vậy, việc nắm bắt bản chất sinh lý, khả năng thích ứng của các loại cây trồng và tác động gây hại của hạn, mặn đối với loại cây trồng để tìm ra các giải pháp chăm sóc một cách hiệu quả là vấn đề hết sức quan trọng và cấp thiết.

Có nhiều năm kinh nghiệm ứng phó với hạn, mặn để bảo vệ vườn sầu riêng, ông Phẩm Văn Tiếu- Tổ trưởng Tổ hợp tác Sầu riêng ấp Lăng (xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) cho biết: Sầu riêng là loại cây rất nhạy cảm với mặn, vùng này lại là một trong những nơi bị ảnh hưởng đầu tiên khi nước mặn xâm nhập vào địa bàn tỉnh. Khi nước mặn xâm nhập vào mương vườn sẽ tích tụ các muối hòa tan trong đất.

Cây sầu riêng ở Vĩnh Long nhiều người ví như cây tiền tỷ, cách chăm sóc cây sau hạn mặn thế nào? - Ảnh 1.
Nông dân, các nhà vườn tỉnh Vĩnh Long chủ động thực hiện các giải pháp để phục hồi vườn cây ăn trái, trong đó có phục hồi cây sầu riêng.

Đất bị nhiễm mặn gây trở ngại cho sinh trưởng và phát triển cây sầu riêng, gây xáo trộn và mất cân đối sự hấp thu nước và chất dinh dưỡng của cây trồng. Do đó, nông dân phải hết sức chú ý đến việc sinh trưởng, phát triển của cây trồng, trong đó có cây sầu riêng giai đoạn này.

Nhiều nông dân trồng cây ăn trái, trong đó có trồng sầu riêng cũng cho hay, những năm trước, ảnh hưởng của mặn đối với cây trồng biểu hiện qua các triệu chứng cháy lá, làm giảm sinh trưởng phát triển, ảnh hưởng đến năng suất.

Theo đó, tùy thuộc hàm lượng muối hòa tan trong nước tưới và khả năng chống chịu của từng loại cây trồng, mà xảy ra các trường hợp sau: cây bị sốc mặn và rụng lá hàng loạt, hoặc cây không bị rụng lá hàng loạt nhưng lá cây sẽ bị cháy từ chóp lá vào và sau đó lá cũng bị rụng.

Nếu tiếp tục tưới trong thời gian dài sẽ làm cho cây bị rụng lá, hoa, trái và cây suy kiệt dẫn đến chết cây.

Do đó, theo ngành nông nghiệp, sau hạn, mặn cần kiểm tra tình trạng, đánh giá thiệt hại trên vườn cây ăn trái, từ đó đề ra kế hoạch để phục hồi vườn cây.

Nếu vườn có nhiều cây bị thiệt hại nặng thì nên phá bỏ, trồng lại hay chuyển sang cây trồng khác. Nếu hạn, mặn chỉ làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển một số cây trong vườn, trong đó có cây sầu riêng và việc duy trì vườn cây vẫn còn hiệu quả thì tiến hành trồng giặm, hoặc chăm sóc để hồi phục vườn cây càng nhanh càng tốt.

Ông Phẩm Văn Tiếu cho hay: Việc khôi phục cây sầu riêng sau hạn, mặn có nhiều bước. Theo đó, trước hết cần rửa mặn cho đất bằng cách tưới ngọt liên tục từ 3-5 ngày để rửa trôi muối tích tụ trong đất. Kế đến là bón vôi cho cây sầu riêng và tưới nước sạch để vôi tan trong đất. Sau đó, phải phục hồi bộ rễ và bộ lá cây sầu riêng, đồng thời, hỗ trợ bộ lá phát triển, hỗ trợ bộ rễ và hoàn thiện bộ lá, tăng cường hấp thu dinh dưỡng và quang hợp.

Cây sầu riêng ở Vĩnh Long nhiều người ví như cây tiền tỷ, cách chăm sóc cây sau hạn mặn thế nào? - Ảnh 2.
Một vườn sầu riêng ở tỉnh Vĩnh Long đang được nông dân tích cực chăm sóc.

Ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng NNPTNT huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long), cho biết: Trong điều kiện hạn, mặn, một số giải pháp được khuyến cáo cho nông dân áp dụng để bảo vệ vườn cây ăn trái, trong đó có cây sầu riêng là không nên xử lý cây ra hoa trong giai đoạn này nếu nguồn nước tưới không đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cây khi đậu trái và phát triển trái. Tủ gốc giữ ẩm cho cây trồng bằng lá dừa nước, rơm rạ, lục bình, cỏ khô…

Người trồng sầu riêng cần tăng cường bón phân hữu cơ, lân và kali. Bên cạnh đó, cần thường xuyên cập nhật thông tin về dự báo tình hình xâm nhập mặn, nồng độ mặn trên các sông, rạch để có hướng xử lý kịp thời ngăn chặn nước mặn hoặc lấy nước ngọt vào vườn.

Song song đó, dự trữ nước ngọt trong mương để tưới cho cây ăn trái trong những tháng nước mặn, hạn chế tưới nước nhiễm mặn cho cây trồng khi nồng độ vượt quá mức cho phép. Để giảm bốc thoát hơi nước và nhu cầu cần nước của cây nên tiến hành tỉa cành, tạo tán, tỉa bớt hoa và trái sầu riêng trong giai đoạn này.

Về lâu dài, để hạn chế thiệt hại, người dân mong muốn ngành chức năng cần tiếp tục đầu tư các hệ thống đê bao, xây dựng hệ thống tưới tiêu (thủy lợi nội đồng) hợp lý nhằm ngăn chặn xâm nhập mặn, đối phó với hạn hán kéo dài.

Đồng thời, tăng cường năng lực cho hệ thống cảnh báo và dự báo thời tiết, khí hậu; phát triển các giống cây trồng chịu ảnh hưởng của hạn, mặn, biến đổi khí hậu; xây dựng các mô hình giống cây trồng thích ứng với điều kiện bất lợi của môi trường nhằm ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.

Theo NGUYÊN KHANG/ DÂN VIỆT 

Các tin khác