Thứ rau đã bơi giỏi còn đeo phao, ăn tốt cho huyết mạch, nông dân một nơi Tây Ninh hễ hái là bán hết

Mô hình trồng rau nhút đang được nông dân xã An Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh nhân rộng để bà con nông dân có thêm hướng sản xuất mới, góp phần ổn định đời sống.

Hơn 23 năm gắn bó với cây rau nhút, ông Trương Gia Bình (ngụ ấp Thanh An) cho biết, trước đây, gia đình sinh sống bằng nghề trồng lúa.

Tuy nhiên không hiệu quả như mong muốn nên ông quyết định chuyển sang trồng rau nhút.

“Rau nhút dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, lại ít bị rủi ro về giá cả hơn trồng lúa. Người trồng phải nắm vững quy trình kỹ thuật, nhất là khâu chọn giống, xử lý sâu bệnh, thời điểm bón phân sao cho an toàn, không ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng” - ông Trương Gia Bình nói.

Theo ông Bình, cách trồng rau nhút khá đơn giản. Trước khi trồng, người dân cần khử vôi, khử phèn, mục đích xử lý các mầm bệnh.

Khi mới trồng rau nhút nên giữ mực nước khoảng 50cm để tạo môi trường thuận lợi cho rau phát triển, nước càng sâu thì rau nhút càng tốt.

Vì tốc độ sinh trưởng rất nhanh nên mỗi khóm rau nhút nên giữ từ 2 ngọn giống khoẻ mạnh, không sâu bệnh, dài 20 - 25cm và cách nhau khoảng 1m. Sau 7 ngày trồng, rau nhút sẽ phát triển có thể thu hoạch.

.Bình quân 1.000m2 đất trồng rau nhút, ông Bình chỉ tốn khoảng 3 triệu đồng tiền vốn. Rau nhút thu hoạch hàng ngày và hiệu quả hơn hẳn cây lúa.

Mỗi vụ rau nhút có thể cho thu hoạch từ 4 - 6 tháng nếu trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật. Sau mỗi lần thu hoạch, tiếp tục bón phân để giúp cây hồi phục và ra nhánh, chồi mới.

Trên diện tích 5.000m2 trồng rau nhút, ông Trương Gia Bình chia làm nhiều khu vực để cắt xoay vòng theo từng ngày, bình quân cắt được hơn 100 - 150kg rau nhút/ngày.

Do được thương lái tìm đến tận ruộng thu mua rau nhút nên ông không phải lo về đầu ra. Giá rau nhút từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí, một ngày gia đình ông Bình thu nhập 1 - 1,5 triệu đồng.

Mạnh dạn chuyển 3.000m2 đất lúa sang trồng rau nhút, ông Công Bằng (ngụ ấp Thanh An, xã An Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) chia sẻ, trước khi trồng rau, ông đã dọn đất, khử khuẩn để hạn chế tối đa mầm bệnh, sau đó dẫn nước vào để xuống giống.

Sau khi trồng khoảng 7 ngày có thể thu hoạch rau, mỗi lần thu hoạch cách nhau từ 7 - 10 ngày. Trong quá trình chăm sóc, thu hoạch, nếu thấy mật độ thưa thì ngắt ngọn trồng giặm vào cho bảo đảm mật độ nhằm đạt được năng suất cao nhất.

Sau vài vụ rau nhút, ông đã tích luỹ được kinh nghiệm. “Trồng rau nhút chi phí đầu tư thấp, chủ yếu tốn công chăm sóc mà thu nhập lại cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Trung bình 1 tháng, gia đình tôi thu hoạch khoảng 1 tấn rau nhút”- ông Bằng nói.

Ông Dương Hoàng Châu- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã An Bình (huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) cho biết, mô hình trồng rau nhút chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả của gia đình ông Bình đã trở thành điển hình để nhân rộng tại địa phương. Hiện trên địa bàn xã có 15 hộ trồng rau nhút với diện tích 5ha.

Trồng rau nhút không chỉ cải thiện kinh tế hộ gia đình mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Thời gian qua, Hội Nông dân xã An Bình, huyện Châu Thành (tỉnh Tây Ninh) phối hợp với Trạm khuyến nông và Trạm Bảo vệ thực vật huyện hỗ trợ về kỹ thuật trồng trọt, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng để các hộ biết rõ và nắm kỹ thuật trồng rau nhút cơ bản, áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả cao.

Theo ĐÀO NHƯ/ BÁO TÂY NINH 

Các tin khác