Nấu chín thức ăn dư thừa, phòng dịch bệnh trong chăn nuôi lợn

Hiện, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh gặp nhiều khó khăn do giá thức ăn tăng cao. Ảnh: Nguyễn Thành.
Hiện, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh gặp nhiều khó khăn do giá thức ăn tăng cao. Ảnh: Nguyễn Thành.

Tỉnh Quảng Ninh hiện có gần 38.000 hộ chăn nuôi, gồm 403 trang trại (trong đó, có 312 trang trại quy mô nhỏ, 85 trang trại quy mô vừa, 6 trang trại chăn nuôi quy mô lớn).

Với đặc điểm chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm trên 95%, thêm vào đó, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều nhà hàng, khách sạn, quán ăn, nên hình thức sử dụng thức ăn dư thừa để làm thức ăn chăn nuôi là khá phổ biến, đặc biệt là trong chăn nuôi lợn.

Được biết, thức ăn dư thừa có thành phần chính là các chất tinh bột, đạm, chất xơ... đáp ứng đủ dinh dưỡng cho vật nuôi khi được tái sử dụng phù hợp, đảm bảo sinh trưởng và phát triển ổn định cho đàn vật nuôi.

Hiện nay, đối với nghề chăn nuôi lợn, nhất là trang trại quy mô nhỏ và nông hộ hiện đang gặp nhiều khó khăn. Do có thời điểm giá thức ăn tăng cao từ 15%, thậm chí có loại tăng tới 20%, giá con giống tăng nhưng giá sản phẩm đầu ra thấp, làm cho người chăn nuôi thua lỗ. Nếu sử dụng thức ăn dư thừa từ các nhà hàng, quán ăn sẽ giúp các hộ chăn nuôi tiết kiệm được khá nhiều chi phí thức ăn.

Tuy nhiên, theo bà Chu Thị Thu Thủy, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh, phương thức này có nguy cơ lây lan dịch rất cao, đa số người chăn nuôi vẫn có tâm lý chủ quan khi sử dụng loại thức ăn này.

"Nhiều hộ chăn nuôi nghĩ rằng mang về nấu chín là đảm bảo an toàn dịch bệnh mà không lường trước được rằng thức ăn chỉ cần mang về nhà là những vật chủ trung gian như ruồi, muỗi, gián và chuột đã kịp đưa mầm bệnh vào chuồng trại chăn nuôi. Đôi khi trong thùng thức ăn tận dụng có cả nước rửa từ quá trình sơ chế, chế biến thực phẩm có nhiễm mầm bệnh", bà Thủy nhấn mạnh.

Bà Đặng Thị Liên (phường Hải Yên, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) chia sẻ, trang trại chăn nuôi lợn Móng Cái của gia đình không sử dụng các nguồn thức ăn dư thừa từ nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố.

"Tôi chỉ cho lợn ăn các loại rau, củ được trồng trong vườn nhà, kết hợp với cá biển được chế biến sạch, giúp vật nuôi có nguồn thức ăn an toàn, đảm bảo vệ sinh. Từ đó, hạn chế được các mầm bệnh, nguồn bệnh bên ngoài", bà Liên chia sẻ.

Bà Chu Thị Thu Thủy cho biết, đối với các hộ dân sử dụng loại thức ăn từ nhà hàng, quán ăn để chăn nuôi lợn thì phải thực hiện các biện pháp an toàn sinh học.

Cụ thể, thùng lấy thức ăn phải kín, đảm bảo không rơi rớt trên đường. Sau khi lấy về phải tiêu độc, khử trùng cả xe và thùng thức ăn. Phải xử lý thức ăn thừa bằng nhiệt trước khi cho lợn ăn như nấu chín ở 100 độ C, sôi từ 20 - 30 phút để đảm bảo diệt virus, diệt hoàn toàn mầm bệnh. Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi nên định kỳ phun thuốc diệt ruồi, muỗi, côn trùng và diệt chuột nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Trong năm 2022-2023, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh đã triển khai dự án “Xây dựng kế hoạch tuần hoàn chất thải hữu cơ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng 2030”.

Trong đó, có nội dung đánh giá nhu cầu tái sử dụng chất thải thực phẩm trong ngành chăn nuôi và hiện trạng xử lý chất thải chăn nuôi ở các vùng chăn nuôi tập trung, thu gom và tái sử dụng chất thải thực phẩm ở bếp ăn ở công ty than Khe Chàm đến trang trại, hộ chăn nuôi tại TP Cẩm Phả. Đây là bài toán xử lý nguồn rác thải hữu cơ cần được tính đến và cần được xử lý đúng cách.

Theo NGUYỄN THÀNH/ NNVN 

Các tin khác