Nuôi thứ vịt đen trên sàn bập bênh nhún nhảy, cứ bán 1.000 con, nông dân Bình Phước lãi chắc 60 triệu
Mô hình nuôi vịt xiêm trên sàn lưới của anh Thắng có tiềm năng nhân rộng cho nhiều hộ dân để phát triển kinh tế gia đình. Sáng tạo trong làm kinh tế Mỗi sáng sớm, anh Hoàng Văn Thắng thường nấu từng nồi thức ăn và phân chia ra từng sàn lưới cho đàn vịt. Anh Thắng đã tìm hiểu và gắn bó với mô hình nuôi vịt xiêm trên sàn lưới dưới tán cây gần 3 năm nay. Từng nuôi vịt theo cách truyền thống như chăn thả trực tiếp trên nền đất hay hồ nước, qua theo dõi anh nhận thấy cách nuôi này không đạt hiệu quả vì đàn vịt thường xuyên bị bệnh, không kiểm soát được do vịt chăn thả tự do lây bệnh cho nhau, tỷ lệ hao hụt cao. Mặt khác, môi trường chăn nuôi và xung quanh thường xuyên bị ô nhiễm, hôi thối do phân vịt thải trực tiếp ra vườn, không có lối thoát nước. Từ đó, anh đã tìm hiểu những mô hình nuôi vịt trên sàn lưới từ mạng xã hội và sáng tạo ra hình thức chăn nuôi mới theo cách của riêng mình. Anh tận dụng diện tích khoảng 2 ha điều xen cà phê của gia đình làm sàn lưới dưới tán cây vừa tạo nhiệt độ phù hợp cho đàn vịt vừa tận dụng chất thải chăn nuôi để ủ phân bón hữu cơ cho cây trồng. Phương pháp này tạo ra lợi ích kép cho chăn nuôi và trồng trọt, tăng hiệu quả kinh tế.
Anh Thắng cho biết: Từ ý tưởng trên mạng và tham khảo các mô hình tương tự đã thành công, tôi suy nghĩ và lựa chọn hình thức, quy mô phù hợp điều kiện của gia đình cũng như khí hậu ở địa phương. Những mô hình lớn, họ nuôi từ 1.000-2.000 con vịt trên một sàn. Vì không có nhân công cũng như đặc thù xen kẽ từng sàn lưới dưới tán điều nên tôi làm mỗi sàn nuôi từ 80-100 con vịt. Bên cạnh đó, tôi cũng tìm hiểu và nghiên cứu cách chế biến thức ăn riêng cho đàn vịt để đảm bảo thịt thơm ngon như nuôi thả vườn. Đó là thức ăn bán công nghiệp, một nửa cám viên, một nửa từ bột có nguồn gốc từ bắp, đậu và phải được nấu chín. Tỷ lệ các loại cám, bột do tôi cân chỉnh phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đàn vịt. Có ý chí, ở đâu cũng thành công Với mô hình nuôi vịt xiêm trên sàn lưới, trung bình anh Thắng nuôi từ 3-4 lứa/năm. Sau mỗi lứa xuất bán, anh vệ sinh sàn lưới và không gian phía dưới sàn sạch sẽ; khoảng 15 ngày thì nuôi lứa mới. Việc chăm sóc kỹ đã giúp loại trừ các mầm bệnh trên đàn vịt. Đồng thời, tranh thủ thời gian anh còn chăm sóc được vườn điều, cà phê của gia đình. Anh Thắng chia sẻ: Quy mô hiện nay của mô hình khoảng 3.000 con/năm. Hiệu quả kinh tế mang lại khoảng 60 triệu đồng/1.000 con. Thời gian tới, tôi dự kiến mở rộng diện tích sàn lưới với quy mô 6.000 con/năm. Mỗi mô hình sản xuất, chăn nuôi, ngoài vốn, kỹ thuật chăm sóc, điều quan trọng nữa là đầu ra cho sản phẩm. Nắm bắt từ sớm, anh Thắng không chỉ chủ động về nguồn giống, thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi, việc kết nối tạo đầu ra cũng có đầu mối ổn định. “Tôi có những mối ở Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh nên đúng định kỳ xuất lứa vịt xiêm, họ về bắt một lần là hết đàn. Khi nhu cầu thị trường những nơi đó giảm, tôi lại tự ra chợ giao cho các tiểu thương ở địa phương” - anh Thắng cho hay. Trong thời buổi khó khăn, việc tìm ra mô hình kinh tế phù hợp, mang lại hiệu quả như của hộ anh Thắng được đánh giá cao. Ông Phan Hồng Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước cho biết: Mô hình nuôi vịt xiêm trên lưới đã khắc phục hầu hết các nhược điểm của phương pháp chăn nuôi truyền thống. Thực tế mô hình chăn nuôi trên sàn lưới, dưới tán cây của thanh niên Hoàng Văn Thắng đã mang lại hiệu quả cao. Thời gian tới, Hội Nông dân sẽ phối hợp Đoàn thanh niên xã triển khai nhân rộng mô hình này đến các hộ dân có nhu cầu để cải thiện kinh tế gia đình. Theo NGỌC BÍCH/ BÁO BÌNH PHƯỚC |
- Giống cá tra tốt quyết định năng suất và chất lượng
- Trồng thứ cây tốt um tùm chỉ để cho con vật này nhai, dân một xã ở Ninh Thuận có thu nhập tốt hẳn lên
- Trên làm chuồng nuôi "chim tiền tỷ", dưới đào hồ "nuôi tôm tiền tỷ", tỷ phú Tiền Giang lãi 2 tỷ/năm
- Trồng thứ cây trông xa như cỏ dại, lại gần như cây hành, hoa nở quanh năm, dân nơi này Trà Vinh rủng rỉnh tiền
- Nuôi dê bán chăn thả - hướng đi nhiều triển vọng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Bắc Kạn
- Bỏ túi nửa tỷ mỗi năm nhờ trồng nấm
- Thu lợi kép nhờ chăn nuôi gà an toàn sinh học
- Vô vườn tốt um ở xã này ở Nghệ An, bất ngờ biết nông dân trồng cây chè gì mà hoa bán "đắt như vàng"?
- Mô hình lý tưởng kiểm soát dịch bệnh cho ngành chăn nuôi heo
- Trồng nấm linh chi dưới tán rừng keo, lợi đủ đường