Nuôi giống thỏ lai cho hiệu quả kinh tế cao

Ông Long và chú thỏ Newzealand trưởng thành với bộ lông trắng muốt. Ảnh: Hồng Thủy.
Ông Long và chú thỏ Newzealand trưởng thành với bộ lông trắng muốt. Ảnh: Hồng Thủy.

Đó là lão nông Huỳnh Thanh Long, 68 tuổi, được coi là đi đầu nuôi thỏ ở ấp Lý Lịch 2, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai.

Không cần nhiều diện tích, trại thỏ của ông Long chỉ gói gọn trong khuôn viên khoảng 500m2, thiết kế 3 dãy chuồng dài, làm cách mặt đất khoảng 60cm, dưới đất lót bạt để hứng phân, nước tiểu và thức ăn rơi vãi, nhờ vậy, trại thỏ của ông Long rất khô ráo, sạch sẽ, không có mùi chất thải như trại heo hay gà.

Hiện đàn thỏ của ông Long bao gồm thỏ bố mẹ, thỏ con và thỏ thịt, khoảng hơn 800 con. Trong đó, 1 dãy dành cho thỏ con vừa dứt sữa mẹ. 2 dãy còn lại xen kẽ các chuồng thỏ sinh sản, thỏ lai và thuần Newzealand.

Ông Long cho biết, trong một lần lên nhà người bạn ở Đắk Lắk chơi, thấy bạn nuôi thỏ Newzealand thương phẩm. Sau khi tìm hiểu, ông thấy thỏ khá dễ nuôi, lại dễ tiêu thụ, nên mua 20 cặp thỏ giống về nuôi thử.

Mang thỏ giống về nuôi khoảng 6 tháng, những con thỏ cái bắt đầu sinh sản. Điều ông Long ngạc nhiên là đàn thỏ của người bạn nuôi thường chỉ đẻ 5-6 con, nhưng đàn thỏ của ông có những con đẻ lứa đầu đã 7-8 con. “Tôi nghĩ mình có duyên với thỏ, thấy dễ nuôi nên giữ thỏ con lại tăng đàn. Sau 2 năm tổng đàn đã đạt khoảng 400 con.

Ông Long cho biết, thỏ nuôi chừng 3 tháng có thể xuất chuồng, khi đó, thỏ Newzealand đạt trọng lượng từ 2,5-3kg, giá bán từ 80.000 - 100.000 đồng/kg tuỳ thời điểm, thỏ ta trọng lượng từ 2kg trở xuống, giá 120.000 đồng/kg. Còn thỏ lai giá bằng thỏ ta, trọng lượng đạt từ 2-2,5kg. Ngoài ra, ông còn bán thỏ giống, mỗi con giống 1 tháng tuổi giá 80.000 đồng.

Còn đây là con lai từ 2 giống thỏ Newzealand và thỏ ta. Ảnh: Hồng Thủy.
Còn đây là con lai từ 2 giống thỏ Newzealand và thỏ ta. Ảnh: Hồng Thủy.

Ông Long cho biết, thức ăn của thỏ ngoài một số loại lá, cỏ trồng trong vườn còn có thức ăn công nghiệp có nguồn gốc do doanh nghiệp lớn sản xuất. Nước uống của thỏ cần sạch, nên ông lấy nước sinh hoạt của gia đình cho thỏ uống.

Sau vài năm nuôi, ông Long tìm hiểu mới biết, khách hàng chuộng thịt thỏ rừng ta hơn, vì thịt thơm, dai, ngon hơn. Vậy là sau đó, ông tìm mua giống thỏ ta về nuôi thêm.

“Nuôi 2 loại thỏ cùng lúc được một thời gian, tôi thấy thỏ Newzealand lớn nhanh hơn, trọng lượng lớn hơn thỏ ta, nhưng thịt không ngon bằng. Còn thỏ ta ngược lại, trọng lượng nhẹ hơn, chậm lớn hơn, nhưng thịt ngon hơn, khách chuộng nên giá cũng nhỉnh hơn. Lúc đó tôi mới nghĩ, sao mình không cho lai 2 giống này với nhau? Vậy là sau đó, tôi tìm hiểu kỹ thuật lai giống, liên hệ hỏi mấy anh kỹ sư chăn nuôi ở phòng NN-PTNT huyện, mấy anh hướng dẫn sơ sơ rồi đưa mấy cuốn tài liệu. Tôi mang về nghiên cứu, rồi làm thử”, ông Long nói.

Kết quả, đến nay ông Long có tới 3 loại thỏ là Newzealand, thỏ ta và thỏ lai, mỗi loại có đặc điểm riêng. Trong đó, thỏ ta có màu lông nâu sậm, nhỏ con, trọng lượng khoảng 2kg, thịt thơm, chắc, và giá cao. Riêng thỏ lai có bộ lông màu vàng, pha nâu, trọng lượng không thấp hơn thỏ Newzealand nhiều, chất lượng thịt không thua kém thỏ ta bao nhiêu.

Thỏ giống 20 ngày tuổi của ông Long. Ảnh: HT.
Thỏ giống 20 ngày tuổi của ông Long. Ảnh: HT.

Nói về phòng trị bệnh cho thỏ, ông Long cho biết, thỏ chủ yếu bị bệnh ghẻ, điều trị không khó. “Không như heo hay gà, thỏ là loại động vật dễ nuôi, ít dịch bệnh. Nếu có cũng ở mức độ thấp, vì mỗi ô chuồng chỉ nhốt 1 con hay 1 cặp nên cũng hạn chế lây lan, vì thế, không thiệt hại lớn.

Nhưng không phải thỏ không có bệnh, thỏ thường bị 1 số bệnh như ghẻ, nấm, rối loạn tiêu hóa. Để phòng bệnh, chỉ cần làm chuồng thoáng mát, sạch sẽ, khử trùng thường xuyên là có thể giảm tối đa bệnh tật. Ngoài ra, tiêm phòng vacxin đầy đủ”, ông Long nói.

"Thỏ dễ nuôi, dễ phòng ngừa bệnh tật, chi phí không cao, rủi ro lại thấp hơn so với heo, gà, đầu ra khá ổn, nên tôi đang đầu tư mở rộng chuồng, dự kiến tăng đàn thỏ lên khoảng 3.000 - 4.000 con, nên tạm thời ngưng xuất bán. Có một doanh nghiệp muốn hợp tác bao tiêu đầu ra, nghe nói xuất đi Nhật. Nếu hợp tác, phải đầu tư nhiều, về quy mô chuồng trại, quy trình nuôi, chăm sóc, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm", lão nông Huỳnh Thanh Long.

Theo HỒNG THỦY/ NNVN 

Các tin khác