Ở Hà Giang đã nhân giống, nuôi thành công loài cá tiến vua, cá lạ này có trong sách Đỏ Việt Nam

Là một trong những loài cá đặc hữu sống ở sông, suối các tỉnh phía Bắc; với chất lượng thịt thơm, ngon và có giá trị kinh tế cao khoảng 500 – 1.500 nghìn đồng/kg và từng được mệnh danh là loài cá “Tiến vua”.

Nhưng do việc hình thành các đập ngăn dòng, sự tàn phá các cánh rừng đầu nguồn cùng sự đánh bắt quá mức..., đã làm thay đổi dòng chảy và môi trường sinh thái; đặc biệt là tập tính sinh sản của cá.

Bởi vậy, vào năm 1996, cá Anh Vũ, Dầm xanh được đưa vào Sách đỏ Việt Nam với mức độ đe dọa bậc V và danh sách các loài cá cần bảo vệ của ngành Thủy sản.

Để khôi phục và bảo tồn các loài các trên, Trung tâm Thủy sản tỉnh Hà Giang đã nghiên cứu, nhân giống 2 loài cá này và thu được kết quả như mong đợi.

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, 2 loài cá Anh vũ, Dầm xanh là những loài cá quý hiếm và trước đây sống phổ biến ở thượng lưu các sông Đà, sông Thao, sông Lô và sông Gâm.

Ở Hà Giang đã nhân giống, nuôi thành công loài cá tiến vua, cá lạ này có trong sách Đỏ Việt Nam- Ảnh 1.
Nghiệm thu Đề tài Nghiên cứu nhân giống loài cá đặc sản Dầm xanh, Anh vũ tại Trung tâm Thủy sản tỉnh Hà Giang.

Hiện nay, trữ lượng cá Dầm xanh, cá Anh vỹ trong tự nhiên còn rất ít; vùng phân bố bị thu hẹp khá nhiều. Tại Hà Giang các loài các trên có nhiều ở sông Gâm (Bắc Mê), sông Nho Quế (Mèo Vạc) và khu vực xã Du Già và Hữu Vinh (Yên Minh).

2 loài cá đều có đặc điểm sống ở vùng nước trong và hang đá ngầm; cá Dầm xanh sinh sản từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau và thường tập trung thành đàn lớn; cá Anh vũ sinh sản từ tháng 8 đến tháng 9 hàng năm.

Được xem là loài cá quý, lại khó nhân giống; đến nay, mới chỉ có hai nghiên cứu về bảo tồn nguồn gen trên cả nước. Bởi vậy, việc nghiên cứu và quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn.

Anh Đỗ Tuấn Anh - Người quản lý đề tài chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất trong quá trình nhân giống 2 loài cá này chính là việc tìm và chọn loài cá bố, mẹ.

Để tìm được giống tốt, nhóm đề tài đã dành rất nhiều thời gian để đến các nơi cá phân bổ; sau đó, tiến hành thử nghiệm các bước nhân giống.

Vì đây là những nội dung nghiên cứu hoàn toàn mới, nên phải thử nghiệm các phương pháp thụ tinh khác nhau; thụ tinh khô, thụ tinh ướt hay bán ướt để kiểm tra hiệu quả nhằm tìm ra phương pháp thụ tinh đạt cao nhất.

Ngoài tự nhiên, các bãi đẻ của cá ở trên sông, suối; do đó, việc thử nghiệm ấp trứng gồm cả môi trường nước tĩnh, chảy. Khi cá nở cần thử nghiệm các loại thức ăn và môi trường ươm, nuôi khác nhau nhằm tìm ra chế độ ăn và môi trường ươm, nuôi hiệu quả.

Sau 10 tháng nuôi thuần dưỡng, cá bố, mẹ và cá hậu bị đã quen với môi trường nước chảy và sử dụng thức ăn công nghiệp; tỷ lệ ươm cá Anh vũ giai đoạn từ hương lên giống đạt 58%, cá Dầm xanh là 28%....”

Ở Hà Giang đã nhân giống, nuôi thành công loài cá tiến vua, cá lạ này có trong sách Đỏ Việt Nam- Ảnh 2..
Hơn 2.000 cá giống Dầm xanh, Anh vũ được thả trên sông Gâm (lưu vực chảy qua huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang).

Đánh giá về thành công của việc nhân giống các loài cá đặc sản; đồng chí Đỗ Tấn Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: “Việc nhân giống thành công 2 loài cá đặc sản này của Trung tâm Thủy sản đã góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Thủy sản và hoàn thành xây dựng chuỗi cá đặc sản của tỉnh Hà Giang giai đoạn 2018 – 2020 với 6 loại cá (Dầm xanh, Anh vũ, Chầy đất, Mị, Chiên, Lăng chấm).

Cùng với đó, thực hiện tái tạo nguồn tài nguyên thủy sản; giúp bảo tồn được các loại cá đặc sản của tỉnh. Đây là một đề tài nghiên cứu tốt, đáp ứng được nhu cầu thực tế và giúp khôi phục chuỗi cá đặc sản của tỉnh Hà Giang.

Việc nghiên cứu thành công quy trình sản xuất cá giống khép kín, giúp chủ động sản xuất con giống, góp phần bảo vệ nguồn lợi và phát triển đa dạng sinh học; ngoài thành công của dự án sẽ giúp chủ động về nguồn con giống phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu và nuôi thương phẩm, mở rộng và phát triển nuôi đối tượng có giá trị kinh tế cao; góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm cho người dân...”.

Anh Nguyễn Anh Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Thủy sản tỉnh Hà Giang, Chủ nhiệm đề tài cho biết: “Từ tình hình thực tế, việc nghiên cứu thuần dưỡng và sinh sản nhân tạo cá quý hiếm là yêu cầu cấp thiết nhằm khôi phục nguồn lợi, duy trì đa dạng sinh học và phát triển các loài cá quý hiếm.

Việc nhân giống đã cho kết quả tốt sau quá trình nghiên cứu từ năm 2018 đến nay, nhóm nghiên cứu tại Trung tâm đã nhân giống thành công trên 8.000 con giống của 2 loài cá trên; để thực hiện việc bảo tồn và phát triển, Trung tâm sẽ tổ chức các lớp tập huấn và tiếp tục nghiên cứu; đồng thời bán ra thị trường cá giống để phục vụ người dân...”.

Phấn khởi, vui mừng vì là địa phương được đón nhận những chú cá giống đầu tiên; đồng chí Lê Mạnh Cường, Phó Bí thư Huyện ủy Bắc Mê (tỉnh Hà Giang) cho biết: “Được xem là địa phương khởi nguồn của 2 loại cá này, nhưng trên địa bàn hiện còn rất ít và khó có thể bắt gặp.
Tại Lễ thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản của Trung tâm Thủy sản, nhân dân trong huyện đã được chứng kiến và tận tay thả những chú cá giống Dầm xanh, Anh vũ đầu tiên trở lại với dòng sông Gâm; điều này, góp phần duy trì và tái tạo lại nguồn lợi thủy sản của địa phương. Huyện Bắc Mê mong muốn tiếp tục được nhận và phát triển 2 loài cá đặc sản trên để nuôi thương phẩm và xây dựng thương hiệu cá Bắc Mê...”.

Theo HOÀNG YẾN/ BÁO HÀ GIANG 

Các tin khác