Bí kíp bắt ổi lê Đài Loan ra quả vào vụ thu đông

Năm nào cũng vậy, cứ đến vụ thu đông, ông Nguyễn Văn Quát ở làng Hoà Mục, xã Hoàn Long (Yên Mỹ, Hưng Yên) lại có được món tiền lớn từ ổi lê Đài Loan. Theo đó, trên diện tích thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) 0,54ha cây ổi này, vụ thu hoạch cuối năm 2023, ông Quát đã hái được 25 tấn quả, thu về 250 triệu đồng, trừ chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tiền thuê ruộng, vẫn còn lãi được hơn 150 triệu đồng, ứng với lợi nhuận đạt hơn 10 triệu đồng/năm/sào 360m2 trồng ổi. Đáng chú ý, đạt được nguồn thu này, chỉ cần hơn 1 lao động là ông Quát và vợ ông phụ giúp bao quả vào thời điểm trái ra rộ.

Ông Nguyễn Văn Quát (ngoài cùng bên trái) chia sẻ bí kíp trồng ổi VietGAP với các nhà khoa học. Ảnh: Hải Tiến.
Ông Nguyễn Văn Quát (ngoài cùng bên trái) chia sẻ bí kíp trồng ổi VietGAP với các nhà khoa học. Ảnh: Hải Tiến.

Ông Quát đánh giá, so với các cây ăn quả như nhãn, vải, chuối, bưởi..., cây ổi lê Đài Loan cho thu nhập cao và ổn định nhất, đồng thời cũng dễ thâm canh theo VietGAP nhất vì đây là giống ổi quả to, cho phép bao kín trái ngay từ khi quả còn nhỏ bằng đầu ngón tay cái cho tới khi thu hái quả lớn như miệng bát nước chấm. Vì vậy đối tượng khó phòng trừ như ruồi vàng hại quả cũng không thể xâm hại, do vậy mọi trái ổi sản xuất ra từ xã Hoàn Long đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó có ổi của vườn nhà ông Quát.

Chia sẻ lý do chỉ tập trung cho lứa ổi thu hoạch vào vụ thu đông, ông Quát phân tích: Cây ổi nói chung đều có khả năng ra hoa và thu hoạch quả quanh năm, nhưng chỉ từ sau Tiết Lập Thu tới Lập Xuân, cây mới cho trái ăn ngọt, thơm hơn ổi thu hoạch ở các mùa vụ khác nên luôn bán được giá cao vượt trội. Ổi trồng ở đây thu hoạch các tháng 5, 6 và 7 chỉ bán được 7.000 – 8.000 đồng/kg, nhưng bước sang tháng 8 đã tăng cao lên 10.000 - 15.000 đồng/kg, đỉnh điểm vào tháng 12, giá ổi lên tới gần 20.000 đồng/kg vẫn không đủ sản lượng xuất cho các đơn hàng của thương lái.

Do có kinh nghiệm trồng ổi lâu năm, ông Quát chẳng những rất thuần thục kỹ thuật thâm canh ổi với sự hướng dẫn từ khuyến nông Hưng Yên mà còn cải tiến một số cách làm mới giúp tăng cao hiệu quả sản xuất. Để có quả cho thu hoạch vào vụ thu đông, ông Quát phải đốn đau (cắt tỉa sâu) cây ổi từ tháng 3 – 4. Trong đó, cắt hết các cành mọc chỏng (cành đứng) tới sát thân chính của cây và cắt hớt 10cm ngọn của những cành ngang, cành gầm. Cắt tỉa tháng 6 - 7 và 9 - 10 chỉ cần ngắt bỏ 5 – 10cm các đầu cành trên cây, kết hợp cắt bỏ những cành khô, cành sâu bệnh, cành còi cọc và cành phát triển quá dày trong tán.

Trái ổi được bao quả phòng sâu bệnh từ khi quả còn nhỏ tới thu hoạch. Ảnh: Hải Tiến.
Trái ổi được bao quả phòng sâu bệnh từ khi quả còn nhỏ tới thu hoạch. Ảnh: Hải Tiến.

Cách cắt tỉa nêu trên nhằm giúp cây ổi tập trung nuôi các cành ngang, cành gầm để điều khiển cây ra hoa, đậu quả chủ yếu ở những cành này, vì chất lượng quả bao giờ cũng ngon hơn quả thu hái từ các cành khác, ngoài ra còn tạo thuận lợi cho công tác bao trái, thu hoạch.

Kinh nghiệm của ông Quát cũng cho thấy, từ khi cây ra hoa đến quả chín cần 3 - 5 tháng (tuỳ theo thời tiết ấm hay lạnh), căn cứ mốc thời gian này để nhà vườn đề ra các biện pháp chăm bón và điều chỉnh cây cho thu hoạch quả theo ý muốn.

Về kỹ thuật bón phân, ông Quát bón cho mỗi sào ổi (360m2) gồm 70kg phân hữu cơ vi sinh, chia bón 2 lần vào tháng 6 - 7 và tháng 11 - 12 âm lịch; tro bếp (thay kali) bón tháng 5 - 6 và tháng 10 âm lịch, mỗi lần bón 15kg; hạt đậu tương nghiền 20kg, bón 1 lần vào tháng 6 hoặc 7; đạm Con Cò bón định kỳ 10kg/tháng. Được biết, để đủ lượng tro bếp và hạt đậu tương bón cây, ông Quát phải đặt mua qua các thương lái.

Phòng trừ sâu bệnh hại chính trên cây ổi, cần ưu tiên sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, như bọ xít dùng thuốc Metarhizium Anisopliae, sâu róm dùng Nấm xanh Metarthrium, ruồi đục quả sử dụng Neem Nim Green, rệp mềm dùng Bio Meta hoặc Bio Azadi 0,3SL, bệnh thối quả phòng trừ trước khi tiến hành bao quả bằng thuốc Biobac 50WP hoặc Mataxyl 500WP. Khi mật độ sâu hại xuất hiện quá cao mới sử dụng các thuốc hoá học phun trừ sâu bệnh, nhưng chỉ chọn mua những thuốc có đường vạch vàng trên vỏ bao gói (ký hiệu thuốc có độ độc thấp).

Các nhà khoa học chia sẻ kinh nghiệm trồng ổi lê Đài Loan với ông Quát. Ảnh: Hải Tiến.
Các nhà khoa học chia sẻ kinh nghiệm trồng ổi lê Đài Loan với ông Quát. Ảnh: Hải Tiến.

Ông Quát mong ngày càng có nhiều người mở rộng diện tích trồng ổi lê Đài Loan vì nhu cầu loại quả này trên thị trường còn rất lớn, ngay như xã Hoàn Long quê ông trồng 120ha ổi, cho sản lượng gần 5.500 tấn quả/năm nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu tiêu dùng của thị trường.

"Trồng ổi lê Đài Loan nên dùng cây giống ghép mắt ổi lê Đài Loan trên gốc giống ổi bản địa gieo thực sinh. Không sử dụng cành chiết làm giống vì nhanh già cỗi, hay nhiễm bệnh khô cành, không thể chữa trị. Và chỉ khai thác quả kinh doanh 5 - 6 năm phải đốn đi trồng mới", ông Quát bật mí thêm.

Nhờ tâm huyết với nghề thâm canh cây ổi, mới đây, GS.TS Trần Văn Hâu, cựu giảng viên cao cấp trường Đại học Cần Thơ và PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đã đến thăm quan, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng ổi và khích lệ ông Quát.

Theo NGUYỄN HẢI TIẾN/ NNVN 

Các tin khác