Lợi ích lớn từ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên “4 cây, 2 con”
Để thực hiện Chương trình này, ngành nông nghiệp tỉnh Long An tập trung phối hợp các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền; xây dựng vùng sản xuất ƯDCNC, mô hình điểm, mô hình nhân rộng ƯDCNC trên 4 cây trồng, gồm: Lúa, thanh long, chanh, rau) và 2 con, gồm: Bò thịt và tôm nước lợ; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản hàng hóa. Hiệu quả ứng dụng công nghệ cao với "4 cây, 2 con" Những năm gần đây, cây chanh nổi lên mang lại giá trị cao thay thế cho cây thanh long đang thất thế. Ông Lưu Chí Cường (xã Lương Hòa, huyện Bến Lức) cho biết, hiện ông đang trồng hơn 2ha chanh không hạt ứng dụng công nghệ cao và bán cho Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ để xuất khẩu. "Nhìn chung, giá chanh những năm qua khá tốt. Bà con trồng chanh rất yên tâm trồng loại nông sản này", ông Cường thổ lộ. Nói về việc ƯDCNC cho cây chanh, ông Cường cho rằng sẽ giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng giá trị sản phẩm và góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Theo Sở NNPTNT tỉnh Long An, hiện tỉnh có diện tích chanh ƯDCNC tại vùng Đề án là 3.738 ha/3.000 ha, đạt 125% so với kế hoạch giai đoạn 2021- 2025. Trong đó, có 41 mã số chanh được phê duyệt duy trì và cấp mới với diện tích 1.203 ha xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Anh, Newzealand và diện tích được cấp chứng nhận GAP, lũy kế đến nay có 664,3 ha (trong đó, VietGAP 200,5 ha, GlobalGAP 463,8 ha). Trên cây rau, toàn tỉnh có hơn 2.000 ha ƯDCNC. Nông dân trồng rau từng bước giảm lượng phân bón vô cơ 10 - 40kg/ha, thay vào đó là sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học. Qua đó, giúp năng suất rau tăng 5 - 20%, lợi nhuận cao hơn 2 - 5 triệu đồng/0,1 ha so với cách trồng truyền thống… Với vùng trồng thanh long ƯDCNC, thực hiện kế hoạch năm 2024, tỉnh đã triển khai đến các địa phương, tiếp tục thực hiện 7 mô hình, trong đó có 6 mô hình điểm sản xuất thanh long theo GAP. Hiện, tỉnh Long An có hơn 5.700 ha thanh long ƯDCNC. Riêng với cây lúa, một trong những cây chủ lực của Long An, tính đến nay toàn tỉnh có 59.672 ha/60.000 ha diện tích lúa ứng dụng công nghệ cao vùng Đề án. Sở NNPTNT tỉnh đánh giá, việc triển khai Chương trình nông nghiệp ƯDCNC vào sản xuất lúa đã góp phần rất quan trọng trong việc khắc phục thiếu lao động trong sản xuất nông nghiệp. So với trước khi tham gia mô hình thuộc vùng Đề án, nông dân đã mạnh dạn ứng dụng giống xác nhận để gieo sạ, qua đó giúp giảm mật độ gieo sạ 10 - 30 kg/ha, đã biết ứng dụng phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh qua đó giúp giảm lượng phân hóa học 10 - 30%… Ngoài ra, tỉnh cũng triển khai xây dựng các mô hình điểm chăn nuôi bò thịt tại các huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Thủ Thừa,... nhằm hỗ trợ nông dân chuyển đổi bò giống, nâng cao chất lượng giống bò thịt. Kết quả nội dung hỗ trợ chuyển đổi giống đến thời điểm hiện tại đạt 95 % so với kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025. Theo đánh giá của Sở NNPTNT tỉnh Long An, Chương trình công nghệ cao đã tạo sự chuyển biến rõ rệt đối với bà con chăn nuôi bò trong vùng. Đặc biệt, bước đầu hiệu quả hoạt động của một số mô hình điểm, chuyển đổi giống, làm chủ kỹ thuật thiết kế khẩu phần, kỹ thuật ủ chua thức ăn để dự trữ, làm đá khoáng, xử lý chất thải... đã nâng hiệu quả kinh tế và đáp ứng theo yêu cầu của chương trình là chủ động được nguồn bò giống, nâng cao giá trị đàn bê con... Đối với tôm nước lợ, tỉnh đã triển khai nhiều mô hình điểm, mô hình nhân rộng nuôi tôm ƯDCNC tại các huyện: Châu Thành, Tân Trụ, Cần Đước,... Cụ thể, đang nhân rộng các mô hình trình diễn nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao; ứng dụng và phát triển công nghệ xử lý môi trường bằng chế phẩm vi sinh trong nuôi tôm; ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát môi trường ao nuôi và quản lý sức khỏe tôm nuôi. Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh sẽ nhân rộng 100 ha tại 3 huyện: Cần Đước (50 ha), Châu Thành (30 ha), Tân Trụ (20 ha). Đến nay, đã thực hiện tổng diện tích là 61,61 ha. Chủ động triển khai chương trình "Nhìn chung, huyện Bến Lức đã chủ động phát triển Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung đầu tư bước đầu đạt được kết quả khả quan, đã làm thay đổi tập quán sản xuất của các một bộ phận nông dân theo hướng ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản phẩm đạt chuẩn GAP hoặc theo hướng GAP. Nhờ vậy, giá chanh của bà con luôn cao hơn giá thị trường 3.000 - 5.000đồng/kg, mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân. Nhiều mô hình cho hiệu quả tích cực đã tạo sức lan tỏa và ủng hộ của người dân, như hệ thống tưới tiết kiệm, giống chanh tốt, sử dụng phân hữu cơ….", ông Lê Văn Nam, Trưởng Phòng NNPTNT huyện Bến Lức chia sẻ. Theo Sở NNPTNT tỉnh Long An, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh tập trung triển khai, thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu của Chương trình phát triển nông nghiệp ƯDCNC, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, ngành tập trung phối hợp các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền; xây dựng vùng sản xuất ƯDCNC, mô hình điểm, mô hình nhân rộng ƯDCNC; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản hàng hóa… Theo TRẦN CỬU LONG/ DÂN VIỆT
|
- Giống cá tra tốt quyết định năng suất và chất lượng
- Trồng thứ cây tốt um tùm chỉ để cho con vật này nhai, dân một xã ở Ninh Thuận có thu nhập tốt hẳn lên
- Trên làm chuồng nuôi "chim tiền tỷ", dưới đào hồ "nuôi tôm tiền tỷ", tỷ phú Tiền Giang lãi 2 tỷ/năm
- Trồng thứ cây trông xa như cỏ dại, lại gần như cây hành, hoa nở quanh năm, dân nơi này Trà Vinh rủng rỉnh tiền
- Nuôi dê bán chăn thả - hướng đi nhiều triển vọng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Bắc Kạn
- Bỏ túi nửa tỷ mỗi năm nhờ trồng nấm
- Thu lợi kép nhờ chăn nuôi gà an toàn sinh học
- Vô vườn tốt um ở xã này ở Nghệ An, bất ngờ biết nông dân trồng cây chè gì mà hoa bán "đắt như vàng"?
- Mô hình lý tưởng kiểm soát dịch bệnh cho ngành chăn nuôi heo
- Trồng nấm linh chi dưới tán rừng keo, lợi đủ đường