Nấm linh chi

Thế nhưng, phải đến khi mô hình của ông Lê Văn Hạnh ở xã Sơn Thành thành công, thì bà con mới thực sự tìm được chỗ dựa vững chắc. Ngoài việc tự nhân các giống nấm sò, mộc nhĩ để cung ứng cho các hộ dân, ông Hạnh là người đầu tiên đã tự nhân giống và trồng thành công nấm linh chi, một loại nấm khó trồng tại Nghệ An.

Có gan làm giàu

Năm 2013, khi nhiều hộ trồng nấm tại huyện Yên Thành thất bại thì ông Lê Văn Hạnh (xóm 12, xã Sơn Thành) vẫn nuôi ý định làm giàu từ cây nấm. Đến năm 2014 ông Hạnh bắt tay vào thực hiện ước mơ của mình. “Khi nghe tin tôi bắt tay vào việc trồng nấm, thằng con trai tôi, một kỹ sư nông nghiệp chuyên nhân giống các loại nấm tại miền Nam đã lập tức gọi điện ra ngăn.

Theo nó, đây là nghề không hề dễ, nhất là với những người đã lớn tuổi như tôi. Sau bao đêm gác tay qua trán, tôi vẫn quyết tâm thực hiện bằng được ước mơ của mình”, ông Hạnh tâm sự. “Để chắc ăn, trước khi làm thủ tục mượn đất của địa phương và vay vốn ngân hàng, tôi phải đi tham quan một số mô hình thành công tại một số tỉnh phía Nam.

Về nhà, tôi vay ngân hàng 1,5 tỉ đồng, thuê máy san ủi, xây dựng khu nuôi trồng trên diện tích 3.000 m2, thuê chuyên gia từ miền Nam ra thiết kế hệ thống nồi sấy, lò hơi, dàn treo nấm… Đến tháng 5/2014, mẻ giống nấm mộc nhĩ đầu tiên bị thất bại nhưng tôi vẫn không nản chí.

Nhờ những cuộc điện thoại tư vấn của con trai từ miền Nam nên tôi đã tìm ra nguyên nhân để khắc phục. Tháng 8/2014, tôi mạnh dạn trồng đại trà giống nấm sò và mộc nhĩ. Điều đáng mừng là mẻ thứ 2, tôi đã thành công”, ông Hạnh nhớ lại.

Cứ thế, hai tháng ông lại làm thêm mẻ mới và thu hoạch theo hình thức cuốn chiếu. Điều làm vợ con ông phấn khởi là nấm hái được bao nhiêu, tư thương đến tận nhà thu mua đến đó. Tính đến hết năm 2014, ông Hạnh bán ra thị trường trong tỉnh được trên 30 tấn nấm sò, 50 tấn mộc nhĩ, hàng chục vạn bịch giống, lãi ròng trên 300 triệu đồng. Trang trại trồng nấm của ông Hạnh đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức thu nhập trên 3 triệu đồng/người/ tháng.

Từ SX thành công giống nấm sò và nấm mộc nhĩ, đến tháng 11/2014, ông Hạnh đã mạnh dạn thử nghiệm nhân giống và trồng nấm linh chi. Suốt thời gian làm thử, ông đã mất ăn, mất ngủ, hồi hộp chờ đợi. Điều khiến ông bất ngờ, không dám tin ở mắt mình là mẻ đầu tiên thử nghiệm đã thành công ngoài mong đợi.

Đây cũng là điều mà nhiều người làm giống nấm tại Nghệ An đang mơ ước. Thắng lợi đó giúp ông Hạnh có nấm linh chi xuất ra thị trường ngay từ đầu năm 2015.


Ông Hạnh thành công với mô hình SX nấm linh chi

Thành công nhờ kinh nghiệm

So với những người SX và trồng nấm tại huyện Yên Thành, ông Hạnh là người đi sau. Nhưng nhờ biết tích lũy kinh nghiệm, chịu khó học hỏi, cần cù và táo bạo nên ông Hạnh trở thành người SX giống và trồng nấm thành công nhất tại huyện Yên Thành hiện nay.

“Nhân giống, SX nấm không khó nhưng nó bắt buộc phải tỉ mẩn, chịu khó tuân thủ quy trình kỹ thuật và nhất là phải thực sự đam mê. Tôi luôn thực hiện các quy trình nhân giống nấm trước ngọn đèn cồn; sinh khối phải được hấp trong nồi hơi, đảm bảo đã được thanh trùng tốt nhất.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Yên Thành, tính đến năm 2014, toàn huyện có 105 hộ tham gia trồng nấm, SX được gần 400 tấn nấm các loại, đạt trị giá trên 6,6 tỉ đồng. Để tìm đầu ra ổn định cho cây nấm, huyện đang chỉ đạo người dân từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng thương hiệu để cây nấm chen chân vào các siêu thị, các chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh và các tỉnh bạn.

Theo kinh nghiệm của tôi, nguyên liệu thích hợp nhất để làm sinh khối nuôi nấm là mùn cưa gỗ cao su. Nó cho năng suất cao, chất lượng nấm lại thơm ngon”, ông Hạnh chia sẻ. Theo ông Hạnh, trang trại làm nấm cần phải được lát bằng nền xi măng vừa đảm bảo vệ sinh vừa giữ được độ ẩm nhất định trên nền và tránh được các mầm bệnh. Mái nên thiết kế gồm 2 mái chồng lên nhau vừa chống được gió thổi trực tiếp vào nhà xưởng, vừa tạo độ thông thoáng, xung quanh được che kín bằng bạt…

Trao đổi kinh nghiệm về SX giống và trồng nấm linh chi, ông Hạnh cho rằng: “Nấm linh chi là loại nấm rất khó trồng, nhất là trong điều kiện khí hậu ở Nghệ An. Tháng 11/2014, khi bắt tay vào làm, Hội Nông dân huyện Yên Thành đã khuyến cáo tôi nên thận trọng. Họ khẳng định, tại Nghệ An, chưa một nhà SX nào thành công qua việc nhân giống và trồng nấm linh chi nên tôi cũng hơi run. May mắn là tôi vẫn quyết tâm nên đã thành công.

Cuối năm 2014, tôi quyết định đầu tư đóng 20 kệ gỗ để trồng 6.000 bịch sinh khối nấm linh chi. Gần 90% số bịch sinh khối nhân giống đã thành công. Đến thời điểm này, tôi có 5 tạ nấm linh chi tươi (khoảng gần 1,5 tạ khô) sắp thu hoạch.

Với giá 600 nghìn đồng/kg nấm khô, tôi có thể thu về gần 90 triệu đồng/4 tháng. Trừ các khoản chi phí, tôi có lãi ròng gần 40 triệu đồng, gấp 3 lần những loại nấm khác. Thời gian tới, tôi sẽ xúc tiến tìm đầu ra ổn định cho nấm linh chi của mình đồng thời khảo sát, ký hợp đồng với các DN lớn để giúp họ đưa ra trồng đại trà. Dự tính, nếu điều kiện thời tiết cho phép, năm 2015, tôi sẽ thu về gần 1 tỉ đồng lãi ròng từ việc nhân giống và SX nấm các loại”.

Được biết, cuối năm 2014, HTX Dịch vụ SX nấm Đoàn Kết được thành lập với 26 hội viên tham gia. Trong đó, riêng hội viên Lê Văn Hạnh đóng góp 1/2 lượng sản phẩm, đóng gói bán ra thị trường. Trang trại của ông Hạnh đã được công nhận là mô hình SX nấm an toàn theo hướng VietGAP. Hiện ông đang tích cực tìm đầu ra cho nấm linh chi để tiến hành trồng đại trà tại các địa phương.

Theo NNVN

Các tin khác