Đệ nhất trồng bưởi miền Đông

Trước khi gặp lão nông Lầu Mộc Sáng (dân tộc Nùng), tôi hỏi chị Nguyễn Thị Tứ - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trảng Bom, lão nông này giàu cỡ nào? Chị Tứ nói vui: “Thôi, chạy không kịp lão đâu, lão có xe con tiền tỷ đó”. Lại hỏi ông Chu Văn Cang – Chủ tịch Hội Nông dân xã Bàu Hàm, ông nhún vai: “Nhiều lắm, mỗi năm ông Sáng thu hơn trăm tấn”.

Tỷ phú dân tộc Nùng giữa miền Đông Nam Bộ

Sau một hồi loanh quanh trong ấp Tân Việt, ông Cang cũng đưa tôi đến nhà lão nông Lầu Mộc Sáng. Mùa này, về miền Đông chẳng khác nào bị ném vào lò hấp, nóng đến rạc người, thế mà đứng trước khu vườn bưởi da xanh 5ha xanh ươm của lão nông Lầu Mộc Sáng, cảm giác như đang tắm vòi sen, mát rười rượi. Dưới những tán cây bưởi, hệ thống tưới tự động đang phun nước làm mát những gốc cây trĩu quả đang cho thu hoạch.


Lão nông Lầu Mộc Sáng trò chuyện với ông Chu Văn Cang- Chủ tịch Hội Nông dân xã Bàu Hàm về xây dựng thương hiệu bưởi Bàu Hàm. Ảnh: Trần Đáng

Tiếp khách tại bàn đá dưới tán cây bưởi, cùng một đĩa bưởi hồng nhạt đẹp mắt, với chất giọng lơ lớ lão nông Lầu Mộc Sáng cho biết, để có được ngày hôm nay gia đình ông đã phải đổ mồ hôi sôi nước mắt với vùng đất đá lẫn lộn này. Đầu thập niên 60 (thế kỷ trước), ông dắt díu mấy đứa con từ Buôn Ma Thuột về đây khai hoang. “Thời đó, ở đây dân thưa thớt, toàn rừng, cải tạo đất đến đâu là tỉa bắp, trồng khoai đến đó, ăn sống qua ngày”- ông Sáng kể.

Sau ngày đất nước thống nhất, người dân Bàu Hàm bắt đầu “điệp khúc làm nông” theo kiểu trồng – chặt, rồi lại trồng – chặt... Đầu tiên là bắp, mì, chôm chôm (1985), rồi đến cà phê (1987), tiêu, điều (1990) và gần đây là phong trào bưởi da xanh.

Cũng như hầu hết nông dân Bàu Hàm, Lầu Mộc Sáng không phải là ngoại lệ khi chạy theo các phong trào trồng trọt này. Tất nhiên, lúc ấy chẳng ai biết Lầu Mộc Sáng là ai khi làm cho lắm, mà miếng ăn cứ thiếu trước hụt sau. “Có thời kỳ thấy người ta trồng tiêu trúng, mình cũng về nhà mua giống trồng tiêu. Mất hơn chục năm trồng tiêu mình chẳng được gì ngoài mớ cột tiêu chết rũ”- ông Sáng kể. Nản lòng với cây tiêu, ông nhổ bỏ hết cột rồi đào hố trồng điều. Những năm tháng ấp ủ xây mộng làm giàu với cây điều rồi cũng vỡ tan, ông về Bến Tre mua vài chục gốc bưởi da xanh về trồng dưới tán điều và hy vọng một ngày mai tươi sáng.

Mỗi ha bưởi thu 1 tỷ đồng

De nhat trong buoi mien Dong “Giờ mình trồng bưởi chỉ 3 năm là có thu hoạch, nhưng khi thử trồng phải mất đến 6 năm. Lúc đó có biết kỹ thuật trồng gì đâu, cứ đào hố rồi cho cây giống xuống, lại bị tán điều che khuất nên cây bưởi cứ èo uột vươn lên”- nhớ lại ngày bén duyên với bưởi da xanh, ông Sáng cười như có lỗi. Thấy bưởi da xanh còi cọc dưới tán lá điều, lão nông Lầu Mộc Sáng ngậm ngùi chặt hết vườn điều để lấy sáng với hy vọng những cây bười da xanh sẽ là cứu tinh cho cả gia đình.

Rồi ông đã thành công mỹ mãn, hiện vườn rộng 5ha của ông có hơn 1.000 gốc bưởi da xanh. Có cây thâm niên lên đến 12 năm và một số cây vừa trồng dặm. Theo ông Sáng, đất Bàu Hàm rất thích hợp để trồng bưởi. “Năng suất khá cao và chất lượng không chê vào đâu được. Bưởi Tân Triều không ăn thua gì”- ông Sáng khẳng định, bằng chứng là nhiều người từ vùng khác đã đến mua đất Bàu Hàm trồng bưởi da xanh. “Một cây có thể cho 250kg trái/mùa. Nếu được đầu tư nghiêm túc và đúng kỹ thuật, mỗi ha bưởi da xanh cho doanh thu khoảng 1 tỷ đồng/năm”- ông Sáng khoe.

Ấp ủ gây dựng thương hiệu bưởi Bàu Hàm

Hôm chúng tôi đến, lão nông Lầu Mộc Sáng kể vừa rồi có một thương gia người Canada đến lấy mẫu bưởi đi chào giá ở các nước Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Canada… Theo vị thương gia này, chất lượng bưởi của lão nông Lầu Mộc Sáng được đánh giá khá cao tại các thị trường này. Ông hoàn toàn sẵn lòng sẽ đưa bưởi da xanh của ông Sáng tiếp cận thị trường thế giới. Tuy nhiên, theo lão nông Lầu Mộc Sáng, hiện ông chưa đủ khả năng để đáp ứng điều kiện của thương gia Canada. “Ổng bảo mình phải hạ giá bán. Theo ổng, bưởi da xanh ở thị trường các nước từ 4–5 USD/kg, trong khi đó bưởi da xanh trong nước cũng khoảng 40.000 đồng/kg. Mình nghĩ, giá bưởi da xanh xuống 25.000 đồng cũng có lời nên điều kiện này có thể chấp nhận. Tuy nhiên, ổng bảo mỗi lần xuất đi mình phải có 40 - 50 tấn bưởi đúng tiêu chuẩn, trong khi đó vườn mình lấy đâu ra số lượng nhiều như vậy. Mình tính mỗi mùa vườn cho được 20% trái đúng chuẩn xuất khẩu mà thôi”- ông Sáng kể về “phi vụ” làm ăn với thương gia kia.

Bưởi của ông Sáng chủ yếu bán tại thị trường Hà Nội, một số ít được bán ở TP.HCM, Vũng Tàu. Theo ông Sáng, thị trường bưởi da xanh trong nước còn lớn lắm, bằng chứng là bưởi ông trồng không đủ bán. Mùa Tết Ất Mùi vừa qua bưởi da xanh của lão nông Lầu Mộc Sáng… “cháy hàng”.

Hôm ngồi tiếp chuyện với lão nông Lầu Mộc Sáng, chúng tôi được ông tiết lộ về ý định xây dựng thương hiệu cho bưởi Bàu Hàm và đang cố đóng góp thành lập những tổ hợp tác bưởi da xanh để đẩy mạnh, đưa bưởi Bàu Hàm tiếp cận, mở rộng thị tường. Ông bảo, giờ bà con Bàu Hàm đang lao vào trồng bưởi da xanh khi nhận thấy tiềm năng. Diện tích bưởi da xanh đang tăng lên từng ngày ở xã. Sắp tới, Bàu Hàm sẽ trở thành vùng chuyên canh bưởi da xanh. Vì thế, phải tìm đầu ra cho bà con. Ông sợ bà con nông dân lại rơi vào cái cảnh khốn đốn giống như “phong trào mít Thái” trước đây. Chiều xuống, thấy thằng cháu nội đi học về, ông Sáng khoe luôn: “Thằng bé sắp đi du học rồi, tiền từ bưởi da xanh mà ra đó”... 

Theo Dân Việt

Các tin khác