Cây “trăm tỷ” ở Tràng Định

Tân Tiến là xã trồng nhiều thạch đen nhất huyện Tràng Định. Cả xã có 7 thôn thì thôn nào cũng trồng thạch đen. Sau khi thu hoạch cây màu vụ đông, cày xới ruộng nương xong là bà con xuống giống thạch đen luôn. Anh Nguyễn Văn Đức, người Tày ở thôn Bản Châu (xã Tân Tiến) cho hay: “Gia đình mình trồng thạch cách đây mười mấy năm rồi. Mấy năm nay được giá thì mình cũng tranh thủ trồng, chủ yếu là trồng ở ruộng. Nhà mình có 1 mẫu ruộng thì mỗi năm tranh thủ trồng lấy một vụ thạch, chỉ làm lúa vụ mùa thôi. Như năm trước, trồng khoảng 1ha, nhà mình thu được hơn 2 tấn, bán được 90 triệu đồng”.


Cây thạch đen được xem là cây xoá đói giảm nghèo của gia đình ông Tô Xuân Táy. Ảnh: H.M

Giống như anh Đức, gia đình ông Tô Xuân Táy, ở thôn Pác Pàu, xã Trung Thành năm nay cũng dành hết quỹ đất để trồng thạch đen. Theo ông Táy, cây thạch đen rất hợp với thổ nhưỡng ở Tràng Định, không phải chăm bón nhiều mà vẫn sinh trưởng tốt. Đến kỳ thu hoạch là có thương lái đến tận nhà mua, bà con không phải vận chuyển ra chợ thị trấn. “Đến vụ mình thu hoạch thì chủ yếu thương lái đến tận nhà, có lúc được giá, họ tranh nhau mua. Sáng nay mới đi nhổ, đến chiều hôm sau hơi hơi khô một tí là thương lái đến cân luôn” – ông Táy cho hay.

Hiện nay, Tràng Định là địa phương có diện tích trồng thạch đen lớn nhất tỉnh Lạng Sơn, đạt hơn 1.100ha. Theo ông Nông Văn Thoại - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tràng Định, cây thạch đen chủ yếu được tư thương xuất bán sang Trung Quốc hoặc buôn về Hà Nội, Hải Phòng hay qua cửa khẩu Nghệ An, Hà Tĩnh sang Campuchia, Thái Lan. Vài năm gần đây, giá thạch đen lên cao nên bà con rất phấn khởi.

Cá biệt, có những năm tại thị trấn Thất Khê, giá thạch đen lên đến 60.000 đồng/kg. Hiện, cây thạch đen được xem là cây mũi nhọn xóa đói giảm nghèo của Tràng Định. “Hiện nay, cây thạch đen, mà chúng tôi hay nói đùa là cây “trăm tỷ” của huyện, đã được xác định là cây xóa đói giảm nghèo cho bà con Tràng Định. Giá bán thạch đen bình quân là từ 20.000 – 25.000 đồng/kg. Lúc khan hàng, bà con có thể bán được tới 30.000-35.000 đồng/kg. Hai ba năm vừa rồi, huyện thu từ 250 tỷ cho đến 280 tỷ đồng từ cây thạch đen này đấy” – ông Thoại cho hay. 

Theo Dân Việt

Các tin khác