Giá nông sản 3/3: Cà phê vừa tăng rực rỡ đã giảm, hồ tiêu chết 1 dân trồng lại 10?


Giá nông sản hôm nay 3/3, thị trường cà phê lại giảm giá sau 1 phiên tăng rực rỡ. Ảnh minh hoạ

Giá cà phê hôm nay quay đầu giảm

Theo khảo sát, trên thị trường nông sản hôm nay (3/3), giá cà phê nguyên liệu tại Tây Nguyên quay đầu giảm ngay sau khi tăng mạnh trong ngày hôm qua.

Cụ thể, giá cà phê nguyên liệu thu mua tại Tây Nguyên đã quay đầu giảm ngay sau khi tăng tới 900 đồng/kg trong ngày hôm qua. Tại Bảo Lộc, Buôn Hồ và Gia Lai các đại lý thu mua báo giá giảm 200 đồng/kg xuống lần lượt 36.500 đồng, 36.800 đồng và 37.000 đồng/kg. Các tỉnh Cư M'gar, Ea H'leo, Đắk Nông và Kon Tom đồng loạt giảm 300 đồng/kg.

Chỉ có tỉnh Gia Lai, giá cà phê vẫn giữ mức 37.000 đồng/kg.

Giá cà phê robusta xuất khẩu giao tại cảng TP HCM cũng ghi nhận giảm 200 đồng xuống còn 38.700 đồng/kg. Xu hướng giảm giá của cà phê trong nước là do ảnh hưởng bởi giá giảm của sàn robusta London. Chốt phiên giao dịch đêm qua, giá cà phê robusta giao kì hạn tháng 5 đã giảm 17 USD/tấn, xuống còn 1.751 USD/tấn.

Đáng lưu ý, giá cà phê arabica trên sàn New York chốt phiên hôm qua cũng giảm sâu. Cụ thể, giá giao kì hạn tháng 5 giảm 1,75 cent/lb, xuống mức 122,2 cent/lb. Giá giao ngay trong tháng 3 giảm tới 2,10 cent/lb, xuống còn 120,35 cent/lb.

Giá tiêu hôm nay vẫn chưa tìm thấy động lực tăng giá; hồ tiêu chết 1 cây dân trồng lại 10 cây?

Theo ghi nhận, giá tiêu hôm nay tại các vùng nguyên liệu lớn vẫn ở mức thấp, giao dịch phổ biến từ 61.000 - 63.000 đồng/kg và không đổi so với hôm qua.


Giá tiêu hôm nay tại một số vùng nguyên liệu không đổi so với hôm qua. Nguồn: tintaynguyen

Duy nhất giá tiêu tại địa bàn tỉnh Gia Lai tăng thêm 500 đồng/kg, đạt 62.000 đồng/kg.

Tình trạng giá tiêu ở mức thấp và liên tục bấp bênh đang khiến nông dân trồng tiêu không khỏi lo ngại khi áp lực mùa vụ thu hoạch rộ sắp tới gần, thậm chí có hộ không dám thuê người hái vì sợ thu vào không bù nổi chi phí.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, nguyên nhân giá hồ tiêu trong nước giảm sâu là do cung vượt cầu, diện tích hồ tiêu cả nước tăng mạnh và sản lượng tiêu cũng đạt mức kỷ lục. Đây cũng là tín hiệu bão hòa khi Việt Nam là nước chiếm trên 50% sản lượng tiêu thế giới, diện tích và sản lượng tăng liên tục trong những năm gần đây.


Giá tiêu giảm sâu do sản lượng tiêu của Việt Nam liên tục tăng nhanh, nhất là từ giữa năm 2017 đến nay. Ảnh minh hoạ

Cụ thể, diện tích hồ tiêu năm 2017 đạt 152.000 ha, tăng 17,6% tương đương 22.700 ha so với năm 2016. Sản lượng đạt 241.500 tấn, tăng 11,6% tương đương 25.100 tấn. Trong khi đó theo quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu của Bộ NN&PTNT ký ban hành vào năm 2014, mục tiêu đến 2020 tầm nhìn 2030 của cả nước diện tích trồng hồ tiêu chỉ ở mức 50.000 ha, diện tích cho sản phẩm là 47.000 ha, như vậy diện tích trồng tiêu hiện đã gấp gần 5 lần quy hoạch ban đầu.

Không chỉ chịu áp lực giá tiêu giảm sâu, những người trồng tiêu ở Gia Lai còn bị thiệt hại nặng do nhiều vườn tiêu chết rũ hàng loạt. Nhiều người cho rằng, tình trạng tiêu chết nhiều sẽ khiến sản lượng giảm, giá tiêu sẽ sớm hồi phục, tuy nhiên thực tế cho thấy tình hình ngược lại.

Ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu huyện Chư Sê cho biết: "Tình trạng tiêu chết năm nào cũng diễn ra. Chủ yếu là do dịch bệnh và yếu tố thời tiết. Năm nay người nông dân bị 2 nỗi "buồn" là "mất mùa" và "mất giá. Tuy nhiên tiêu chết, giá tiêu vẫn giảm là do tiêu chết 1, người dân trồng lại 10, thậm chí còn hơn 10 nên sản lượng vẫn tăng". 

Theo THIÊN NGÂN/ DÂN VIỆT

Các tin khác