Nhãn chín muộn giá gần 30 nghìn đồng/kg vẫn 'cháy hàng'

Những ngày đầu tháng 9, chúng tôi về xã biên giới Lóng Phiêng (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) đúng thời điểm bà con đang khẩn trương thu hoạch nhãn chín muộn. Trên những khúc đường quanh co, vút hết tầm mắt là những đồi nhãn đang vào độ thu hoạch, phần thì cành đã nhú chồi non hứa hẹn cho vụ mùa năm sau.

Giống nhãn chín muộn Miền Thiết được nông dân huyện Yên Châu trồng từ nhiều năm nay. Ảnh: Hùng Khang.
Giống nhãn chín muộn Miền Thiết được nông dân huyện Yên Châu trồng từ nhiều năm nay. Ảnh: Hùng Khang.

Nhãn muộn là những trái chín sau giai đoạn thu hoạch chính vụ. Trong thời gian này, trái nhãn được chăm sóc, chờ đợi để đạt độ ngọt và chất lượng tốt nhất trước khi thu hoạch. Nhờ trồng nhãn trái vụ, nhiều hộ dân nơi đây đã có kinh tế khá giả. Theo nhiều hộ dân, năm nay tuy năng suất không cao nhưng người trồng nhãn lại bán được giá gấp đôi so với năm ngoái.

Hơn chục ngày nay, gia đình anh Lê Văn Quyết ở bản Pha Cúng (xã Lóng Phiêng) đã huy động người thân trong bản đến thu hoạch nhãn chín muộn, đóng hàng chuyển cho các thương lái ở các chợ đầu mối tại Thanh Hóa, Quảng Ninh.

Đôi tay thoăn thoắt chuẩn bị hàng để gửi cho khách, anh Quyết chia sẻ: “Gia đình có 150 cây nhãn Miền Thiết tuổi đời lên đến 30 năm. Sau khi thu hoạch, tôi bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh; định cành ra quả và khoanh gốc để cây ra hoa đồng đều hơn. Năm nay, sản lượng nhãn của gia đình tôi khoảng 10 tấn, giảm 50% so với năm 2023 nhưng sản phẩm có mẫu mã đẹp, vỏ mỏng, cùi dày, giá bán cao gấp đôi so với mọi năm, dự kiến sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 200 triệu đồng”.

Nhờ thực hiện nghiêm quy trình chăm sóc, cùng với kinh nghiệm sản xuất lâu năm nên chất lượng, mẫu mã sản phẩm nhãn của gia đình anh Quyết được nâng lên, nhiều thương lái đến đặt hàng với giá 28.000 đồng/kg.

Nông dân xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu thu hoạch nhãn chín muộn. Ảnh: Hùng Khang.
Nông dân xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu thu hoạch nhãn chín muộn. Ảnh: Hùng Khang.

Trong quá trình trồng và chăm sóc nhãn, anh Quyết luôn tự tìm tòi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới. Vườn nhãn của gia đình anh đã chủ động được nguồn nước với hệ thống tưới ẩm tự động, áp dụng kỹ thuật khoanh tỉa để quả nhãn chín muộn hơn so với mọi năm. Anh cũng áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chủ động liên kết, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Hiện nay, xã Lóng Phiêng có 676ha nhãn, trong đó 600ha cho thu hoạch, tập trung tại các bản Pha Cúng, Yên Thi, Nong Đúc và Mỏ Than. Năm nay, thời điểm nhãn ra hoa bị nắng hạn khiến nhiều diện tích giảm sản lượng. Đối với những diện tích nhãn đậu quả, xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn bà con đầu tư, chăm sóc theo quy trình kỹ thuật. Đồng thời tăng cường kết nối tiêu thụ, quảng bá sản phẩm. Tổng sản lượng nhãn của xã năm nay ước đạt khoảng 3.000 tấn.

Ông Vì Văn Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã Lóng Phiêng cho biết: “Vào vụ thu hoạch, mỗi ngày trên địa bàn xã có 10 - 12 điểm thu mua nhãn tại các bản Pha Cúng, Nong Đúc, Yên Thi, Mỏ Than, trung bình mỗi điểm thu mua 1 - 2 tấn quả tươi, sản phẩm tiêu thụ tại các chợ đầu mối của tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ninh, TP Hà Nội”.

Từ đầu vụ đến nay trên địa bàn xã Lóng Phiêng đã tiêu thụ khoảng 650 tấn quả nhãn, dự kiến đến hết tháng 9 xã sẽ hoàn thành thu hoạch vụ nhãn chín muộn. Năm nay, sản lượng quả nhãn tươi giảm nên sản phẩm chỉ tiêu thụ trong nước, không đủ sản lượng để xuất khẩu.

Nhãn được đóng vào các thùng xốp trước khi vận chuyển đi các tỉnh tiêu thụ. Ảnh: Hùng Khang.
Nhãn được đóng vào các thùng xốp trước khi vận chuyển đi các tỉnh tiêu thụ. Ảnh: Hùng Khang.

Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế từ nhãn chín muộn, xã Lóng Phiêng khuyến khích các HTX và hộ trồng nhãn đẩy mạnh ghép cải tạo giống nhãn chín muộn trên giống nhãn cũ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăm sóc. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý dịch hại, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, chủ động tuyên truyền, quảng bá, kết nối thị trường tiêu thụ, xuất khẩu và nghiên cứu các biện pháp bảo quản quả nhãn chín muộn đáp ứng yêu cầu rải vụ, nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Thời gian thu hoạch nhãn chính vụ trên địa bàn huyện Yên Châu năm nay bắt đầu từ giữa tháng 7 đến hết tháng 9. Để thuận tiện cho việc tiêu thụ, huyện Yên Châu đã chủ động mời các doanh nghiệp đã có mối liên hệ từ các năm trước, các đơn vị đầu mối, hệ thống các siêu thị tại Hà Nội và các tỉnh khảo sát nguyên liệu và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Nhãn là trái cây quan trọng của huyện Yên Châu, việc thu hoạch nhãn chín muộn đã mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân và đóng góp quan trọng cho ngành nông nghiệp địa phương.

Theo HÙNG KHANG/ NNVN 

Các tin khác