Vị thế riêng biệt của vịt bầu Quỳ Châu
Bấy lâu, ông Lê Mỹ Trang, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quỳ Châu (Nghệ An) được biết đến là người có công khôi phục và phát triển giống vịt bầu đặc sản, vốn là thương hiệu trứ danh của đất Quỳ Châu. Hành trình tìm lại bản sắc mất nhiều thời gian, công sức, nếu không có đủ tâm huyết chắc chắn sẽ thất bại. Ông Trang là dân chuyên ngành chăn nuôi, trước khi đến với công việc hiện tại đã trải qua nhiều năm công tác tại Trạm Thú y, với vốn liếng kinh nghiệm thực tiễn đủ đầy, trên hết là khát khao khôi phục vốn quý, năm 2021 ông chính thức xắn tay vào làm. “Nhìn nhận khách quan thú thực trên địa bàn huyện không có nhiều cây, con đặc sản, nhắc đến Quỳ Châu nổi tiếng nhất, giá trị vẫn là con vịt bầu. Mình sinh ra lớn lên trên đất này không đành lòng nhìn vốn quý trên đà suy thoái, nếu chậm trễ nguy cơ cao sẽ biến mất hoàn toàn. Thời điểm đó giống thuần chủng cơ bản đã thất truyền rồi, loanh quanh khu vực trung tâm tìm mỏi mắt không có cá thể nào cả. Thấy không ổn tôi quyết tâm chuyển hướng, cất công lăn lội khắp ngang cùng ngõ hẻm của đất Quỳ Châu, rồi rong ruổi lên những nơi xa xôi khác của dải đất miền Tây xứ Nghệ, tìm đến những hộ dân bản địa vẫn giữ thói quen nuôi truyền thống, họ dựng lán, trại sống tít trong rừng sâu, họ chuyên chăn thả gia cầm tại môi trường tự nhiên, nơi có khe suối và không gian trải rộng. Công đoạn này mất rất nhiều thời gian và công sức, trải qua quá trình đằng đẵng như thế mới tìm được điều mình cần”, ông Trang chia sẻ.
Qua nắm bắt, tìm hiểu gốc gác của dòng vịt quý biết rằng vịt bầu Quỳ Châu có từ thời xa xưa, vốn là sản phẩm thượng hạng, chuyên phục vụ những thực khách hạng sang. Về sau để đáp ứng thị hiếu của số đông, người nuôi chủ động lai tạp với các giống vịt khác nhằm tăng nhanh tổng đàn. Được cái này sẽ mất cái kia, chạy đua về mặt số lượng khiến chất lượng đi xuống thảm hại, nguy nan hơn cả là suy giảm nghiêm trọng tính thuần chủng vốn có. Muốn khôi phục phải chọn lọc bộ giống phù hợp, không lai tạp. Thời gian ươm giống, theo dõi, đánh giá, chọn lọc kéo dài nhiều năm, bởi thế ngoài lưng vốn đầy đặn, nhất thiết phải có đam mê thực sự mới mong tháo gỡ được bài toán khó. Với niềm tin không mảy may xê dịch, rốt cuộc ông Lê Mỹ Trang cùng các cộng sự cũng được hưởng trọn vẹn thành quả ngọt ngào. Vịt bầu có nhiều điểm khác biệt so với giống vịt thông thường, vốn là dòng hướng thịt, có sức chống chịu bệnh rất cao, thích ứng với nhiều loại thời tiết. Vịt bầu chân ngắn, đầu to, có vết khoang đặc trưng ở cổ. Điểm đặc trưng dễ nhận biết khác là tính “tạp ăn”, bởi thể nuôi vịt bầu khá tốn kém, tính ra chi phí thức ăn cho một đàn 500 con “ngốn” trên nửa triệu đồng/ngày. Ăn nhiều nhưng đẻ khá hạn chế, bình quân mỗi con chỉ sinh sản từ 70 - 100 trứng/năm, sản lượng tương đối nhưng bù lại giá trị cao ngất ngưỡng, chung quy nếu biết cách khai phá thì mô hình này rất tiềm năng. Nhờ công ông Trang đặc sản quý của đất Quỳ Châu được bảo tồn, gìn giữ, dù chưa thể khôi phục 100% như nguyên bản nhưng đạt đến 80% đã là thành công ngoài mong đợi. Để thỏa đam mê, đồng thời đảm bảo hiệu quả kinh tế từ dòng sản phẩm đặc trưng ông Trang không ngần ngại đầu tư, sắm sang trang thiết bị để nhân rộng tổng đàn và nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm. Tiếng lành đồn xa tức tạo nên khác biệt, lúc này không một đơn vị cung ứng nào trên địa bàn Nghệ An cung cấp ra thị trường giống vịt bầu Quỳ Châu với số lượng “khủng” như cơ sở của ông Trang. “Khi tôi xắn tay vào làm, tâm niệm lớn nhất là khôi phục bằng được giống quý của quê hương, chứ không chú tâm giữ khư khư ý tưởng cho riêng mình. Bởi thế khi đã kết tinh thành quả tôi đã hướng dẫn cho nhiều người cùng chung chí hướng, đam mê, đến nay dòng vịt bầu trứ danh đang hiện diện khắp miền tây Nghệ An, như Con Cuông, Quỳ Hợp, Quế Phong…, mô hình càng lan rộng giá trị mang lại càng lớn, càng củng cố vững chắc thương hiệu vịt bầu Quỳ Châu”, ông Trang thẳng thắn chia sẻ. Với riêng huyện Quỳ Châu, địa phương này thực tâm “nâng niu” và đặt nhiều tham vọng vào giống vịt thượng hạng. Xuyên suốt quá trình triển khai các chương trình, chính sách phát triển của Nhà nước (Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, phát triển KT-XH cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững…), huyện chủ động đưa mô hình nuôi vịt bầu vào kế hoạch trọng tâm, qua đó cùng lúc đảm bảo thu nhập cho người nuôi, lại gìn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống.
Nói đi đôi với làm, lý thuyết song hành cùng thực tiễn đã tạo nên bước chuyển căn cơ, toàn diện. Từ chỗ xuất hiện lác đác hiện vịt bầu được người dân trên địa bàn huyện Quỳ Châu nuôi rất phổ biến, nhiều điểm du lịch lấy vịt bầu làm điểm nhấn để hút khách tham quan, trải nghiệm. Ông Trần Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Châu Tiến chia sẻ: “Châu Tiến có lợi thế về danh lam thắng cảnh, văn hóa, ẩm thực để phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Được sự quan tâm, định hướng của cấp trên, những năm qua xã Châu Tiến đã ưu tiên nguồn lực chỉnh trang, nâng cấp khá đồng bộ khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, chúng tôi chủ động xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh, sạch, an toàn nhằm tạo ấn tượng tốt khi thực khách tìm về, trong đó xác định vịt bầu là sản phẩm chủ lực”. Theo VIỆT KHÁNH/ NNVN |
- Giống sắn xua tan nỗi ám ảnh bệnh khảm lá
- Chọn tạo được giống sắn có thể đạt năng suất 60 - 70 tấn/ha
- ản xuất VietGAP, cây ăn quả phục hồi tốt sau mưa lũ, cho năng suất cao
- Vì sao chuyên gia khuyến cáo nông dân nên sử dụng hài hòa giữa thuốc BVTV hóa học và sinh học?
- Nuôi vịt, chăm lợn bằng điện thoại thông minh
- Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha
- Nông dân phải thấy được lợi ích từ sản xuất hữu cơ
- Các bước sản xuất giống cây có múi sạch bệnh
- Hài lòng với giống lúa TBR97 ở vùng đất khó
- Chủ động phòng dịch, cung ứng đủ con giống để tái đàn