Loại cây mọc hoang ở nước ta, hạt mùi sả, lá chanh, hồ tiêu, ướp cá ngon "nuốt lưỡi", tác dụng như "thần dược"

Cây màng tang mọc hoang ở nhiều nơi của nước ta, chủ yếu ở các vùng rừng núi cao như Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Lâm Ðồng, Kon Tum.

Loài cây này thuộc họ Nguyệt quế, còn được gọi là sơn kê tiêu và đã được trồng ở một số nơi để làm bóng mát, có nơi dùng lấy quả để cất tinh dầu.


Cây màng tang là một loại cây mọc hoang ở nhiều vùng núi ở nước ta. Ảnh: raurungnhietdoi

Gia vị từ hạt màng tang giã nhỏ có thể pha chế nước chấm với vị cay nồng, thanh thanh, không cay xé như ớt xanh nhưng cái vị nồng sực của tiêu núi màng tang tác động rất mạnh đến khứu giác, khiến người thưởng thức có cảm giác các món ăn ngon hơn rất nhiều. Do vậy, nhiều người dùng hạt màng tang để ướp tất cả các loại thịt, đặc biệt là cá.

Hoa màng tang khá nhỏ, có màu vàng nhạt, mọc thành chùm ở nách lá nhưng khác gốc. Quả màng tang mọng có hình tròn hoặc hình trứng khi chín có màu đen, mùi rất thơm. Cây màng tang ra hoa từ tháng 1-3, và ra quả vào tháng 4-9 hàng năm.

Không chỉ được dùng làm gia vị chế biến các món ăn, hạt màng tang còn có nhiều giá trị về dược liệu.

Theo đó, phần rễ, cành, lá và cả quả của cây màng tang đều có chứa tinh dầu, có thể dùng làm thuốc chữa bệnh. Phần rễ và lá cây màng tang được thu hái quanh năm. Quả màng tang thường được thu hoạch vào khoảng thời gian chuyển từ hè sang thu.

Phần rễ, lá, cành của cây màng tang sau khi thu hoạch sẽ được rửa sạch để loại bỏ bụi bẩn và tạp chất, sau đó thái thành từng đoạn nhỏ rồi phơi hoặc sấy khô. Quả màng tang còn có thể đem chưng cất để lấy tinh dầu.

Một loại hạt mọc hoang trên rừng, có mùi sả, lá chanh, vị cay giống hạt tiêu, ướp thịt cá ngon "nuốt lưỡi" - Ảnh 4.
Ở Việt Nam, cây màng tang này mọc hoang dại, quả màng tang được dùng để điều trị chứng đau dạ dày, ăn không tiêu. Ảnh: raurungnhietdoi.

Theo một số tài liệu, quả màng tang chứa 3-5% tinh dầu. Tinh dầu màng tang chủ yếu là citral, chiếm 70-85%. Ở Việt Nam, việc chế biến tinh dầu từ hạt màng tang không phổ biến, nhưng ở Trung Quốc, người dân sản xuất tinh dầu từ hạt màng tang với sản lượng ước tính 500 - 1.500 tấn mỗi năm.

Loại tinh dầu này được dùng làm chất thơm, ví dụ trong xà phòng bánh. Đây cũng là một nguồn nguyên liệu trong công nghiệp hóa chất để tổng hợp vitamin A và một số chất khác.

Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Thu, màng tang là vị thuốc có vị cay, đắng, tính ấm, có mùi thơm của sả; có tác dụng tán phong hàn, ôn trung hạ khí, trừ thấp giảm đau; thường dùng trị ngoại cảm, nhức đầu, phong thấp, đau nhức xương, đầy hơi, ăn uống không tiêu, mụn nhọt...

Đặc biệt, lá màng tang còn có tác dụng phòng muỗi đốt rất hiệu quả.

Một loại hạt mọc hoang trên rừng, có mùi sả, lá chanh, vị cay giống hạt tiêu, ướp thịt cá ngon "nuốt lưỡi" - Ảnh 3.
Quả Màng tang xanh sẽ chuyển sang màu nâu đen khi được phơi hoặc sấy, nhìn không khác gì hạt tiêu. Ứng dụng đơn giản và phổ biến nhất của Màng tang là phơi khô quả rồi nghiền nát để làm gia vị như hạt tiêu. Ảnh: raurungnhietdoi

Theo nghiên cứu của y học hiện đại, tinh dầu cây màng tang có tác dụng ức chế và loại bỏ các vi khuẩn gây hại cho sức khỏe; tác dụng an thần; tác dụng chống loạn nhịp tim, chống thiếu máu cơ tim; tác dụng chống viêm loét dạ dày do axit chlohydric gây nên.

Tại Công ty TNHH Huchaco, hạt màng tang (hạt tiêu rừng) được bán với giá từ 250.000 - 300.000 đồng/túi 500gram.

Theo tìm hiểu của PV, hiện nay một số đơn vị đang triển khai trồng cây màng tang và sản xuất tinh dầu như HTX Cát Cát (Thị trấn Sa Pa, Lào Cai).

Ngoài ra còn có HTX Mường Kim (huyện Bát Xát, Lào Cai) cũng chưng cất các loại tinh dầu có nguồn gốc địa phương như hạt màng tang, qua đó giúp đồng bào có thêm thu nhập.

Màng tang được bà con thu hái khi sắp chín, lúc có tinh dầu cao nhất, mang về cung cấp cho HTX để sản xuất và cung ứng sản phẩm ra thị trường được người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng.

Theo THIÊN NGÂN/ DÂN VIỆT 

Các tin khác