'Quy tắc vàng' giúp nông dân trồng rau ít sâu bệnh, an toàn
Cây khỏe sẽ ít sâu bệnh Vùng rau chuyên canh của tỉnh Lào Cai hiện không còn cảnh phun thuốc trừ sâu, vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật lăn lóc ngoài đồng. Từ ngày bà con trồng, chăm sóc rau theo hướng an toàn sinh học, rau ít sâu bệnh, lãi hơn. Mỗi ha rau màu cho thu nhập tới 180 triệu đồng, cao gấp 4 lần lúa, ngô... Từ ngày con đường ven sông Hồng mở ra, có lẽ bà con ở thôn Báu, xã Thái Niên của huyện Bảo Thắng (Lào Cai) không nghĩ có ngày ngồi nhà vẫn bán được rau, thương lái còn phải gọi điện đặt hàng trước. Tất bật hái đậu cô ve, bà Lỳ Thị Hiền ở thôn Báu chia sẻ, muốn cây khỏe, quả ngon thì từ khâu làm đất phải loại sạch cỏ dại, sau đó rải vôi bột, cày phơi ải từ 7 - 10 ngày cho đất tơi xốp, diệt mầm bệnh. Phải chọn giống phù hợp, có xuất xứ để gieo trồng. Khi cây đậu cô ve có hoa thì tỉa dần lá già, lá bệnh, tạo sự thông thoáng và tăng khả năng ra quả cho cây... "Cơ bản khi cây khỏe sẽ ít sâu bệnh, nếu phun thì có thể sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học theo chỉ dẫn của cán bộ khuyến nông. Vườn nhà tôi trồng bán nhưng gia đình tôi cũng ăn hằng ngày", bà Lỳ Thị Hiền nói. Sau mùa đậu cô ve, bà con thôn Báu tiếp tục luân canh trồng dưa hấu, dưa bở, dưa lê, dưa chuột, cà chua, bắp cải, bầu bí... Các loại rau màu được canh tác quanh năm, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Đang tranh thủ tưới nước cho hơn 1 sào su hào, bắp cải, ông Nguyễn Văn Đoàn (thôn Báu) cho biết sau mỗi vụ sản xuất, ông lại đúc rút ra những kinh nghiệm riêng. "Tôi mua giống ở nơi uy tín, đã được xử lý nấm nên khi gieo trồng ít bị bệnh. Su hào, bắp cải hay bị sâu cuốn lá, rầy rệp nhưng mình phòng trước bằng thuốc sinh học có thời gian cách ly ngắn, sau 7 ngày là có thể thu hoạch. Phải theo dõi sát đồng ruộng để phòng sâu bệnh từ sớm, bởi khi rau đã bị sâu bệnh tấn công thì phải phun thuốc nhiều, vừa tốn chi phí, ảnh hưởng tới sức khỏe và môi trường, vừa có nguy cơ mất an toàn trên sản phẩm", ông Đoàn chia sẻ. Thực hiện Nghị quyết 10 ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa của tỉnh đến năm 2030 và các chương trình, kế hoạch của huyện Bảo Thắng, xã Thái Niên định hướng trở thành vùng rau chuyên canh, chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Theo ông Vũ Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Niên, thời gian qua, xã tập trung hướng dẫn bà con lựa chọn các sản phẩm vật tư nông nghiệp được cấp phép, phổ biến, nhân rộng các quy trình, kinh nghiệm có hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sinh thái, bền vững như thực hiện biện pháp ủ phân hữu cơ bằng chế phẩm sinh học; ủ hạt đậu, bột ngô để tưới cho cây; dùng bồ hóng, tỏi, ớt để diệt côn trùng gây hại... đảm bảo cây trồng phát triển thuận lợi nhất, giữ được môi trường sinh thái. Chuyển hướng sang sản xuất hữu cơ Xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) hiện có khoảng 25ha rau an toàn, tập trung chủ yếu ở các thôn Soi Tiến, Soi Cờ, Chính Tiến. Xã này dự kiến mở rộng lên 30ha rau đạt tiêu chuẩn VietGAP. Theo ông Lê Khánh Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Phú, những năm qua, bà con trong xã luôn gieo trồng rau theo đúng khung thời vụ, tuân thủ quy trình trồng, chăm sóc theo hướng dẫn của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện. Việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đều được ghi sổ theo dõi, đảm bảo rau an toàn từ trồng, thu hái tới bàn ăn. Ngoài ra, xã khuyến khích bà con mở diện tích rau màu tại thôn Nậm Trà và Nậm Phảng. Đây là 2 thôn có độ cao khoảng 800m so mực nước biển, quanh năm mát mẻ. Nghề trồng rau màu được kỳ vọng giúp nâng cao thu nhập cho bà con dân tộc thiểu số tại 2 thôn khó khăn nhất của huyện Bảo Thắng... Men theo ruộng bắp cải mới trồng tại thôn Nậm Trà, ông Nguyễn Văn Tuất cho hay, vụ xuân này gia đình ông trồng 1 vạn cây bắp cải và hơn 1 tạ hành mới xuống giống, khoảng 2 tháng nữa sẽ cho thu hoạch. "Bắp cải mỗi cây khi thu hoạch đạt khoảng 2kg, mỗi vụ gia đình tôi thu được khoảng 6 tấn. Với giá bán trung bình khoảng 4 nghìn đồng/kg sẽ thu về khoảng 24 triệu đồng", ông Tuất phấn khởi. Cũng theo ông Tuất, trước đây bà con trong xã hay dùng thuốc Trung Quốc không rõ nguồn gốc, thuốc hóa học để trừ sâu bệnh. Tuy nhiên những năm gần đây, bà con đã "nói không" với thuốc BVTV trôi nổi, thuốc ngoài danh mục hoặc thuốc hóa học để chuyển sang thuốc sinh học dùng phòng bệnh là chính, đồng thời chủ yếu bón phân hữu cơ cho rau thay cho phân hóa học. "Bắp cải hay bị bệnh nấm thối nhũn, sâu xanh. Để phòng giai đoạn đầu có thể phun 1 - 2 lượt thuốc bảo vệ thực vật sinh học và bổ sung thêm phân hữu cơ. Các loại phân hữu cơ sinh học của nhà máy đã qua xử lý không còn mầm bệnh như phân chuồng tự ủ. Các thành phần trong phân hữu cơ rất tốt cho đất và cây trồng", ông Nguyễn Văn Tuất chia sẻ. Để duy trì những vùng rau an toàn, cán bộ ngành nông nghiệp và môi trường địa phương thường xuyên bám sát đồng ruộng, điều tra, theo dõi sự phát sinh của sinh vật gây hại trên rau và đảm bảo bà con tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc BVTV (đúng thuốc; đúng liều lượng, nồng độ; đúng lúc và đúng cách.). Theo HẢI ĐĂNG/ NNVN |
Cho tằm ăn bèo hoa dâu
TBR97 - giống lúa chinh phục đất khó
Lúa xuân dự kiến trổ đúng thời tiết bất thuận, lo đạo ôn cổ bông
Những giống lúa của Vinaseed ‘đốn tim’ nông dân Bình Định
Công nghệ tự động đo khí nhà kính phát thải trên ruộng lúa
Giống dừa xiêm xanh Tam Quan, lựa chọn số 1 cho vùng Nam Trung bộ
Hưng Long 555- ‘lựa chọn vàng’ cho nông dân ĐBSCL và Đông Nam bộ
Kỹ thuật rải vụ thu hoạch quả trên cây nhãn Hưng Yên
Trồng lúa Nhật theo quy trình giảm phát thải, đẻ bông nặng trĩu, nông dân một xã ở Kiên Giang thu "tiền tươi"
Phòng, chống bệnh dại mùa nắng nóng