Liên kết nuôi gà dưới mái điện mặt trời, anh kỹ sư viễn thông Đắk Lắk "nhặt" tiền tỷ
Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Văn Đức, sinh năm 1979, chủ trang trại ở thôn Tân Thành, xã Ea Tul (tỉnh Đắk Lắk), sau gần 5 năm hợp tác nuôi gà gia công với Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam). Bỏ nghề viễn thông, liên kết chăn nuôi gà với doanh nghiệp Từ đường nhựa phẳng lì, xe của chúng tôi chạy xuyên qua một con đường nhỏ rải đá dăm, hai bên là bạt ngàn những vườn sầu riêng, chanh leo, cà phê chi chít quả non. Đang mải chuyện, trang trại của anh Nguyễn Văn Đức đã hiện ra trước mắt với những bụi hoa vàng anh màu tím, màu vàng nở rực rỡ. Trời vừa mưa xong, mặt đất còn hơi ẩm, ánh nắng đã chan hoà trên những tấm pin năng lượng mặt trời màu xanh trên mái nhà và trên các trại nuôi gà. Khoảng đầu năm 2020, anh Đức tiếp cận được thông tin Chính phủ đang khuyến khích các địa phương phát triển điện mặt trời mái nhà, từ đó anh nung nấu ý tưởng mua đất làm điện bán cho nhà nước, kết hợp trang trại chăn nuôi ở phía dưới. “Khi đi khắp nơi tìm mô hình phù hợp, tham khảo nhiều trang trại đi trước thì tôi nhận thấy, nuôi gà rất phù hợp với điều kiện gia đình, quay vòng vốn nhanh, mức đầu tư cho con gà cũng nhỏ hơn so với lợn, trâu bò và có thể tận dụng tốt nguồn điện từ hệ thống năng lượng mặt trời. Tình cờ tôi gặp một cán bộ của Công ty Japfa và sau đó, tôi chính thức bén duyên với con gà”, anh Đức nói. Được Japfa tư vấn, anh Đức thiết kế trang trại nuôi gà thịt theo mô hình chuồng kín. Ban đầu, anh Đức cũng khá hoang mang vì chưa bao giờ chăn nuôi, không biết có nên “cơm cháo” gì không nên chỉ nuôi 1 chuồng với công suất 14.000 con gà lông màu. Quá trình nuôi, anh Đức thường xuyên được cán bộ kỹ thuật, bác sĩ thú y của Japfa hướng dẫn cặn kẽ, giúp anh nắm rõ quy trình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, nhờ đó đàn gà phát triển thuận lợi. Mỗi lứa gà, anh Đức được Japfa trả thù lao gia công với mức 8.000 đồng/kg, công ty cấp con giống khoẻ mạnh, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, hỗ trợ kỹ thuật và thu mua, anh Đức chỉ việc bỏ công sức chăm sóc đàn gà, vận hành trang trại. Nhận thấy lợi nhuận bền chắc, anh Đức quyết định mở rộng quy mô chăn nuôi. Theo đó, trên khu đất hơn 8ha, anh Đức dành 2,5ha để xây dựng thêm 3 chuồng nuôi gà thịt, khu nhà ở công nhân, nhà kho, còn lại là diện tích trồng cây bóng mát và hơn 1.000 cây sầu riêng đang cho quả. Tại các chuồng nuôi gà, anh Đức đầu tư hệ thống quạt làm mát khổng lồ cùng những dãy máng ăn, máng uống hoàn toàn tự động. Do đó, mỗi chuồng chỉ cần 1 công nhân vận hành từ A-Z, người bên ngoài muốn vào thăm phải đi qua 2-3 lần cửa để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gà. “Trang trại của tôi nằm lọt thỏm giữa vườn cây ăn trái, dưới nền chuồng là đệm lót sinh học dày 15cm bằng trấu sạch trộn với men vi sinh, hàng tuần đều phun thuốc khử trùng, xung quanh trại đều rải vôi bột nên không hề có mùi hôi, chuột bọ. Sau mỗi lứa gà, lớp trấu đã qua sử dụng được thu gom bán cho đơn vị sản xuất phân bón rồi cọ rửa chuồng bằng vòi nước công suất cao, tiếp tục xử lí bằng formol, thuốc tím, xông chuồng trong 3 ngày để tiêu diệt hết côn trùng, vi khuẩn rồi mới thả lứa gà mới. Nếu không vệ sinh sạch sẽ, gà dễ bị nhiễm bệnh, ăn kém, chậm lớn”, anh Đức chia sẻ. Dẫn chúng tôi đi thăm khu chuồng nuôi số 1, anh Đức cho biết đang nuôi 2 giống gà được thị trường rất ưa chuộng là Japfa Mía và Japfa Chọi. Mỗi lứa anh thả nuôi 18.000 con/chuồng, với 4 chuồng, tổng đàn là 72.000 con. Sau khoảng thời gian chăm sóc từ 90-100 ngày, gà đạt trọng lượng trung bình 2 – 2,5kg/con là anh xuất bán toàn bộ cho Công ty Japfa. “Với giá chăn nuôi gia công 8.000 đồng/kg, bình quân mỗi chuồng gà tôi đạt doanh thu khoảng 300 triệu đồng/lứa. Cộng cả 4 chuồng thì doanh thu đạt khoảng 1,2 tỷ đồng/lứa”, anh Đức nhẩm tính. Thấy chúng tôi trầm trồ bày tỏ sự ngưỡng mộ, anh Đức nói: “Nghe có vẻ thuận buồm xuôi gió, nhưng trang trại cũng từng lâm cảnh điêu đứng khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hồi đó gà quá lứa rồi mà mãi không bán được, cám thì vẫn phải cho ăn, thậm chí gà còn đẻ trứng luôn trong chuồng. Rất may Japfa đã hỗ trợ chúng tôi kịp thời, nếu chăn nuôi một mình, nhỏ lẻ thì chắc chắn chúng tôi khó trụ vững. Đó là cái hay của mô hình chăn nuôi gia công, liên kết với doanh nghiệp lớn”. Để vận hành trang trại trơn tru, anh Đức cho biết đang thuê 5 nhân công và 1 quản lý, với mức lương bình quân từ 9 - 20 triệu đồng/người/tháng tuỳ vị trí. Ngoài ra, anh Đức còn có cơ chế thưởng nếu công nhân quản lí trại gà đạt sản lượng đề ra. Bên cạnh rủi ro về thị trường thì nỗi sợ lớn nhất của người chăn nuôi chính là dịch bệnh. Nhờ quản lí trang trại chặt chẽ, kiểm soát tốt đầu ra - đầu vào nên sau nhiều năm chăn nuôi, duy nhất 1 lần anh Nguyễn Văn Đức gặp tình trạng gà bị sưng phù đầu. “Đó cũng là năm đầu tiên tôi bập vào con gà. Cứ mỗi ngày vào chuồng nhặt mấy trăm con gà chết mà không hiểu vì sao chúng bị sưng phù đầu hàng loạt. Về sau tìm hiểu mới biết đó là bệnh viêm xoang, sổ mũi truyền nhiễm ở gà, chủ yếu lây qua đường hô hấp và đường tiêu hóa thông qua thức ăn, nước uống bị ô nhiễm. Lần đó tôi ước tính thiệt hại 400 triệu đồng, nhưng đã được Japfa hỗ trợ kịp thời nên có động lực nuôi lại từ đầu”, anh Đức kể lại. Rủi ro lớn nữa là điện. Do chăn nuôi theo công nghệ chuồng lạnh nên nếu bị mất điện, gà sẽ chết ngạt. Mặc dù khắp trang trại của anh Đức đều đã phủ kín các tấm pin năng lượng mặt trời, nhưng do điện mặt trời kết nối với điện lưới, nên chỉ cần điện lưới bị ngắt thì hệ thống điện năng lượng mặt trời cũng không thể vận hành. “Tôi đã trang bị thêm một số máy phát điện công suất lớn nhằm đề phòng rủi ro bất ngờ. Còn bình thường, trang trại thừa điện, giúp giảm tới 50% chi phí chăn nuôi”, anh Đức tiết lộ. Nhìn đàn gà lông màu sắp đến ngày xuất bán, con nào cũng chắc thịt, anh Đức đúc kết: “Để nuôi gà không khó, thậm chí với diện tích này tôi có thể nuôi nhiều hơn nữa, song khó nhất vẫn là đầu ra bền vững. Nhờ liên kết với Japfa – đơn vị có chuỗi khép kín lớn khắp cả nước nên chúng tôi có thể tính toán mỗi lứa nuôi bao nhiêu con. Điều quan trọng là người chăn nuôi phải tìm hiểu, nhanh nhạy nắm bắt thông tin thị trường; tận tâm với trang trại, chăm lo toàn diện cho con gà từ bé tới lớn, làm ra sản phẩm chất lượng thì lợi nhuận sẽ bền”. Ngoài nguồn thu nhập từ nuôi gà, bán điện mặt trời, sắp tới trang trại của anh Nguyễn Văn Đức còn có thêm nguồn tiền từ vườn sầu riêng 5 năm tuổi. Với hơn 1.000 cây đã cho quả từ năm ngoái, năm nay anh Đức ước tính sản lượng đạt khoảng 80 tấn. Theo MINH HUỆ/ DÂN VIỆT |
Mận xanh đường 'hồi sinh', nhà vườn miền Tây thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm
Nông dân đổi đời nhờ trồng củ cải và hành tím trên đất giồng cát
Con vật "đoản thọ", hiền khô này tối ngày nhai lá, nuôi thành công ở An Giang, bán 90.000 đồng/kg
Trang trại chăn nuôi an toàn sinh học của chủ đại lý cám tại Phú Thọ
Nuôi con vật khó nhìn rõ mắt, một nông dân Hậu Giang hễ bán là dễ như nhai kẹo
Đây là loại vật nuôi đang tăng giá tốt ở các tỉnh ĐBSCL, ở Cần Thơ nhà nào xúc bán là hút hàng
Nuôi tôm trong nhà màng luân canh nhiều loài giảm rủi ro
Nuôi thứ chim có lông đuôi dài nhất trong các loài chim, anh nông dân Hải Phòng "bỏ túi" nửa tỷ/năm
Nuôi gà an toàn sinh học, tạo môi trường tự nhiên để phòng chống dịch bệnh
An Giang - ‘kho báu’ dược liệu của Tây Nam Bộ