Mận xanh đường 'hồi sinh', nhà vườn miền Tây thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm
Mận xanh đường "soán ngôi" mận An Phước Khoảng một thập kỷ trước, mận An Phước chiếm lĩnh thị trường miền Tây nhờ kích cỡ lớn, mọng nước và vị ngọt thanh. Tuy nhiên, từ năm 2014, giống mận này dần đánh mất ưu thế khi giá cả bấp bênh, sản lượng thiếu ổn định. Trong bối cảnh đó, mận xanh đường, một giống mận từng bị lãng quên nhiều năm bất ngờ được nhà vườn "hồi sinh".
Hiện, mận xanh đường không chỉ chiếm lĩnh thị trường Sóc Trăng mà còn tiêu thụ mạnh tại các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội và qua các kênh bán hàng trực tuyến. Một trong những người tiên phong trồng mận xanh đường tại Sóc Trăng là ông Huỳnh Việt Thống (65 tuổi, ngụ P.8, TP.Sóc Trăng). Ông hiện sở hữu vườn mận rộng 8.000 m2 với hơn 260 gốc, trong đó có trên 150 gốc từ 30 đến hơn 40 năm tuổi vẫn cho trái sai, chất lượng vượt trội so với cây ít tuổi.
Ông Thống cho biết, năm 1981, ông mang giống mận xanh đường từ Cần Thơ về trồng xen trong vườn, bên cạnh các giống mận hồng đào đá. Qua thời gian, ông nhận thấy mận xanh đường có năng suất cao, vị ngọt, giòn và rất được thị trường ưa chuộng. Từ đó, ông chuyển sang chuyên canh giống này. Để bảo vệ vườn mận khỏi côn trùng gây hại, ông Thống đầu tư hơn 300 triệu đồng làm giàn sắt và lưới phủ toàn bộ, gọi nôm na là cho cây "ngủ mùng". Giải pháp này không chỉ giúp hạn chế sâu bệnh, đặc biệt là ruồi vàng đục trái, mà còn giảm đáng kể lượng thuốc bảo vệ thực vật, tăng năng suất và chất lượng trái.
Theo ông Thống, mận xanh đường có khả năng chịu mặn lên đến 2‰, trái to (trung bình 10 trái/kg), ruột đặc và ngọt đậm. Mỗi vụ mận kéo dài 6 tháng (từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau), có thể thu 4 - 5 đợt trái, mỗi đợt từ 5 - 7 ngày. Giá bán hiện dao động từ 80.000 - 90.000 đồng/kg, cao gấp 3 - 4 lần so với các giống mận khác. Ông Thống trồng mận theo hướng hữu cơ nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Mỗi năm, ông thu lãi hơn 600 triệu đồng. Ngoài bán trái, ông còn chiết khoảng 1.000 cây giống mỗi năm, giá bán từ 150.000 - 200.000 đồng/cây.
Trồng mận xen cau Không xa vườn ông Thống là mô hình trồng mận xanh đường xen cau của bà Nguyễn Thị Lùng (69 tuổi, ngụ P.8, TP.Sóc Trăng). Với hơn 500 gốc mận trên diện tích hơn 1 ha, bà Lùng trồng thêm hơn 100 cây cau, tạo nên mô hình canh tác hiệu quả kép.
Bà Lùng cho biết, năm 2000, vợ chồng bà mạnh dạn chặt bỏ toàn bộ cây dừa và mận hồng đào đá để chuyển sang trồng mận xanh đường. Quyết định liều năm ấy đã giúp gia đình bà đổi đời.
Cây cau trong vườn mỗi tháng cho thu nhập 2 - 3 triệu đồng/cây. Nhờ kết hợp mận và cau, bà Lùng thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm. Vườn mận của bà Lùng cũng là sản phẩm trái cây đầu tiên của TP.Sóc Trăng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao và đang được định hướng phát triển thành điểm du lịch sinh thái.
Ngoài vườn mận của ông Thống và bà Lùng, TP.Sóc Trăng còn có nhiều vườn khác áp dụng sản xuất theo hướng VietGAP, sử dụng chế phẩm sinh học và khai thác du lịch sinh thái. Đến nay, toàn thành phố có 34 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, trong đó có mận đường da xanh đạt chuẩn OCOP 3 sao. Theo DUY TÂN/ THANH NIÊN |
Nông dân đổi đời nhờ trồng củ cải và hành tím trên đất giồng cát
Con vật "đoản thọ", hiền khô này tối ngày nhai lá, nuôi thành công ở An Giang, bán 90.000 đồng/kg
Liên kết nuôi gà dưới mái điện mặt trời, anh kỹ sư viễn thông Đắk Lắk "nhặt" tiền tỷ
Trang trại chăn nuôi an toàn sinh học của chủ đại lý cám tại Phú Thọ
Nuôi con vật khó nhìn rõ mắt, một nông dân Hậu Giang hễ bán là dễ như nhai kẹo
Đây là loại vật nuôi đang tăng giá tốt ở các tỉnh ĐBSCL, ở Cần Thơ nhà nào xúc bán là hút hàng
Nuôi tôm trong nhà màng luân canh nhiều loài giảm rủi ro
Nuôi thứ chim có lông đuôi dài nhất trong các loài chim, anh nông dân Hải Phòng "bỏ túi" nửa tỷ/năm
Nuôi gà an toàn sinh học, tạo môi trường tự nhiên để phòng chống dịch bệnh
An Giang - ‘kho báu’ dược liệu của Tây Nam Bộ