Làm giàu từ bèo tây và cỏ

Những cây bèo tây và cỏ tế tưởng chừng như vô dụng, vậy mà qua bàn tay khéo léo của những nghệ nhân làng Lưu Thượng bỗng chốc trở thành những sản phẩm mỹ nghệ vô cùng tinh xảo và có giá trị.

Theo câu chuyện của những người đã từng đi kể lại, chúng tôi tìm về làng Lưu Thượng (Phú Xuyên, Hà Nội). Đây là làng nghề truyền thống với nghề đan lát. Theo ông Trần Văn Bình, một người có thâm niên trong nghề thì tên làng trước kia là làng Dầu Tế.

Bèo và cỏ thành tác phẩm nghệ thuật

Cái tên này gắn bó với nghề truyền thống của làng là chuyên dùng cây cỏ tế để đan các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Xa xưa, người dân trong làng chỉ lên rừng cắt cây cỏ tế (một loại cây thân dây leo) mang về phơi khô rồi tước thành sợi bán cho các làng làm nón dùng trong khâu nón.

 

Ngày nay, người dân Lưu Thượng kết hợp sợi cây cỏ tế với tre nứa tạo nên rất nhiều sản phẩm mỹ nghệ, từ lẵng hoa cho tới những chiếc nôi cho trẻ con. Để tạo nên một sản phẩm từ cây cỏ tế phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau.

Đầu tiên là lấy cỏ tế từ trên rừng về, rồi phơi cho khô, sau đó tước ra thành các sợi. Thường thì mỗi một thân cây người ta tước làm 3 mảnh. Các mảnh này sẽ dùng làm sợi để đan, còn khung của sản phẩm thì dùng tre, nứa. Công đoạn cuối cùng là phun dầu bóng vào sản phẩm để tăng thêm tính thẩm mỹ.

Chúng tôi quan sát thấy sản phẩm chủ yếu ở đây là những chiếc thùng đề đựng đồ chơi hoặc đồ lặt vặt trong gia đình, lẵng hoa, nôi trẻ em. Những sản phẩm này rất ít thấy bán trong nước nhưng người nước ngoài lại ưa chuộng.

Những người dân Lưu Thượng nói rằng chủ yếu làng làm theo đơn đặt hàng của nước ngoài. Giờ đây sản phẩm mỹ nghệ của Lưu Thượng đã gây được thương hiệu tại một số thị trường như: Nhật Bản, Đài Loan, Singapo, Canada…Người dân nói rằng có lẽ bên tây thích đồ mỹ nghệ vì sau khi dùng xong không làm ảnh hưởng đến môi trường nhiều như những túi nylon hay đồ nhựa.

Không dừng ở nguồn nguyên liệu truyền thống là cây cỏ tế. Hơn 10 năm trước, những nghệ nhân làng Lưu Thượng đã thử nghiệm loại nguyên liệu mới. Đó là cây bèo tây, nam bộ quen gọi là lục bình.

Làng Lưu Thượng gần sông Nhuệ. Có những khi trên mặt sông Nhuệ phủ kín một màu xanh do bèo tây nở ra làm cản trở dòng chảy. Sẵn nguyên liệu, người dân vớt bèo cắt bỏ gốc rồi đem phơi. Đến khi thân cây bèo khô đi thành một sợi dây thì họ dùng nó làm sợi để đan các sản phẩm mỹ nghệ giống như sợi cỏ tế. Những sản phẩm như thế sau khi hoàn thiện, phun dầu bóng vào cũng đẹp và hấp dẫn khách nước ngoài không kém gì so với làm từ cỏ tế.

Sinh tử với nghề truyền thống

Nghệ nhân Trần Văn BìnhTại xưởng sản xuất của gia đình ông Trần Văn Thượng, ông Trần Văn Bình, làm công việc vót nứa cho xưởng, miệng nói chuyện, tay vẫn thoăn thoắt vót những nan nứa làm quai cho những giỏ cắm hoa. Dưới bàn tay của ông, mỗi thanh nứa chỉ cần 4 đến 5 nhát vót là đầy đủ cả độ nhọn, đọ nhẵn đạt yêu cầu.

Ông cho biết: “Tôi làm nghề này đã 10 năm, mỗi ngày cũng vót được trên dưới 500 thanh. Mỗi thanh là 100đ, trung bình ngày cũng kiếm được mấy chục ngàn”.

Không riêng ông Bình, những người làm các phần việc khác cũng có thu nhập ở mức tương tự. Tại xưởng của ông Thượng, số người làm không nhiều vì phần lớn họ nhận hàng về nhà làm để còn làm được cả việc nhà và huy động thêm các lao động phụ.

Theo ông Bình nhẩm tính thì trong làng có khoảng 10 xưởng sản xuất mây tre đan. Mỗi xưởng, ít cũng có chục nhân công, còn nhiều thì vài chục hoặc trăm người. Tuy vậy số nhân công làm trực tiếp tại xưởng lại nhỏ hơn rất nhiều so với số lượng người nhận hàng về nhà làm. Bởi thế làng Lưu Thượng có đến 70% các gia đình làm nghề mây tre đan với mức thu nhập phổ biến từ 1 triệu đến 1,2 triệu/ người/ tháng.

Đáng chú ý là có rất đông thanh niên làm nghề. Trong số đó có chị Lê Thị Hảo(SN1990) công nhân đan lát, Hảo cho biết: mỗi tháng bạn cũng thu nhập được 1,2 đến 1,5 triệu nếu làm đều. Các bạn cùng trang lứa với Hảo ở trong làng cũng làm nghề này khá đông. Những người không thi đỗ đại học hoặc cấp 3 phần lớn ở lại làng làm nghề vì họ đã biết nghề từ nhỏ.

Ông Bình cũng chứng thực: “Nhờ có nghề truyền thống cho nên thanh niên của làng ít phải đi phu hồ hoặc ra thành phố làm lao động phổ thông.”

Trong khi nhiều làng nghề đang dần suy thoái hoặc bị tàn lụi thì làng Lưu Thượng chẳng những sống được với nghề mà còn giàu lên nhờ nghề truyền thống. Đặc biệt với việc sử dụng bèo tây để tạo nên các sản phẩm xuất khẩu, người dân Lưu Thượng vừa phát triển được sản phẩm tạo thu nhập lại vừa khơi thông dòng chảy phục vụ nông nghiệp. Thật là lợi cả đôi đường.

Theo Tamnhin.net

Các tin khác