Trồng sơri theo kỹ thuật Nhật

Ông Dương Văn Hoanh, xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông, cho biết trước đây ông trồng sơri theo kỹ thuật truyền thống. Nhưng sau khi nghe nhà máy chế biến sơri của công ty Nhật bắt đầu đi vào hoạt động và mua sơri của người dân, ông rất phấn khởi và đăng ký chuyển qua trồng theo kỹ thuật này.


Nông dân Gò Công Đông thu hoạch sơri trồng theo kỹ thuật canh tác của Nhật - Ảnh: Trường Giang

“Trồng theo kỹ thuật canh tác của Nhật thì sơri sẽ cho trái đồng đều hơn, chất lượng hơn và đặc biệt đảm bảo an toàn cho sức khỏe người sử dụng” - ông Hoanh nói.

Cụ thể, hộ dân nào đồng ý bán sơri cho công ty Nhật sẽ được Công ty Nichirei Suco cho nhân viên kỹ thuật đến hướng dẫn cách trồng và chăm sóc. Mỗi tuần, nhân viên kỹ thuật của công ty sẽ đến vườn ghi chép thông tin về việc chăm sóc, bón phân và phun thuốc rất chi tiết và tỉ mỉ. Vườn trồng sơri cũng phải được cắt tỉa đảm bảo thông thoáng. Xung quanh vườn phải đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn sinh học.

Ông Phạm Ngọc Liễu, cố vấn kỹ thuật tại Trung tâm nghiên cứu cây sơri Gò Công (thuộc Công ty TNHH Nichirei Suco VN), cho biết trồng sơri theo kỹ thuật canh tác của Nhật cũng có những công đoạn, quy trình canh tác giống như canh tác theo quy trình VietGAP. Từ giai đoạn hoa nở đến khi ra trái thì nông dân được khuyến khích phun các loại thuốc có độc tố từ nhóm ba trở đi.

Hiện tại, diện tích trồng sơri theo kỹ thuật canh tác của Nhật khoảng 70ha với 410 hộ dân, tập trung chủ yếu tại hai xã Bình Ân và Tân Đông của huyện Gò Công Đông. Riêng nhà máy của Nichirei Suco có công suất 3 tấn/ngày đặt tại xã Bình Nghị với tổng vốn đầu tư khoảng 90 tỉ đồng, do Nhật đầu tư 100% vốn.

Theo Tuổi Trẻ

Các tin khác