Nắm bắt được kỹ thuật, nuôi lợn rừng lai nhàn hơn nuôi lợn trắng

Con lợn nái duy nhất còn lại sau thất bại của những năm đầu khởi nghiệp của bà Thu. Ảnh: Huy Bình. 
Con lợn nái duy nhất còn lại sau thất bại của những năm đầu khởi nghiệp của bà Thu. Ảnh: Huy Bình.

Gian nan khởi nghiệp

Hiện, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi theo hướng hữu cơ của người dân ngày càng tăng cao, đặc biệt là các loại thịt đặc sản quý hiếm trong đó là lợn rừng. Thời gian gần đây, nhiều trang trại và các cơ sở chăn nuôi đã thành công trong việc thuần hóa, lai tạo heo rừng với heo nhà và trở thành sinh kế, giúp thoát nghèo của bà con vùng cao.

Một trong những cơ sở điển hình trong việc lai tạo và chăn nuôi lợn rừng lai là gia đình bà Trần Thị Thu, tại xã An Bình, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái với đàn lợn rừng lai gần 200 con, cho hiệu quả kinh tế cao, thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.

Với xuất thân nông dân, bà Thu nhận thấy việc chăn nuôi lợn nhà theo cách truyền thống không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong khi đó, với đặc thù là vùng cao, diện tích đất đồi lớn nên việc đầu tư chuồng trại để chăn nuôi lợn nhà vô cùng tốn kém lại khó có thể đảm bảo vệ sinh môi trường.

Hơn nữa, vùng núi, khí hậu khắc nghiệt nên lợn nhà cũng tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh và về mùa rét nếu lơ là có thể mất trắng đàn gia súc. Qua báo đài, bà nhận thấy việc chăn nuôi lợn rừng lai có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao khi đây là loại thực phẩm đặc sản.

Đàn lợn rừng lai con của gia đình bà Thu. Ảnh: Huy Bình. 
Đàn lợn rừng lai con của gia đình bà Thu. Ảnh: Huy Bình.

Lợn rừng lai là con lai giữa heo rừng đực với heo nái là heo địa phương thả rông của người đồng bào dân tộc thường nuôi (giống heo gần như hoang dã) tạo ra con lai với ưu thế lai cao của cả bố và mẹ: Có sức đề kháng mạnh, khả năng chịu đựng kham khổ với môi trường sống tự nhiên cao, ít dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt rất thấp…

Nghĩ là làm, bà Thu đã đi tìm mua những con giống đầu tiên tại các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ về để nhân đàn. Nhưng do chưa có kinh nghiệm lại thiếu kiến thức nên thời điểm ban đầu bà Thu đã nếm quả đắng. "Mình không có kinh nghiệm nên có lúc cả đàn lớn có bốn chết ba con, cứ mua được lợn về là lại ngã nước, không hợp khí hậu, môi trường", bà Thu nhớ lại.

Thế nhưng, không lùi bước trước thất bại, bà Thu luôn đặt câu hỏi tại sao môi trường, điều kiện tự nhiên đều tương tự mà người ta nuôi được còn mình thì không. Vậy là, bà Thu lại mang giấy bút đi khắp các mô hình chăn nuôi lợn rừng lai hiệu quả để học tập, tìm hiểu, nghiên cứu thông tin qua sách, báo, ti vi, internet. Sau thời gian dài, bà Thu đã đúc kết cho mình nhiều kinh nghiệm trong việc lai tạo và chăm sóc con giống.

Thức ăn của lợn rừng lai chủ yếu từ tự nhiên, chuồng trại đơn giản nên mức đầu tư thấp hơn so với nuôi lợn nhà thông thường. Ảnh: Huy Bình. 
Thức ăn của lợn rừng lai chủ yếu từ tự nhiên, chuồng trại đơn giản nên mức đầu tư thấp hơn so với nuôi lợn nhà thông thường. Ảnh: Huy Bình.

Nuôi lợn rừng lai chủ yếu theo hướng hữu cơ

Theo bà Thu, do lợn rừng lai là loài có nguồn gốc từ hoang dã nên thức ăn chủ yếu là từ thực vật có nguồn gốc tự nhiên. Cụ thể, thức ăn của lợn rừng lai gồm thức ăn xanh (cỏ, cây các loại), thức ăn tinh (ngũ cốc, củ quả, mầm cây, rễ cây các loại).

Khẩu phần thức ăn cho heo rừng lai thông thường: 50% rau, củ, quả các loại (có thể sản xuất tại trang trại), 50% cám, gạo, ngũ cốc các loại, hèm bia, bã đậu… Mỗi ngày cho ăn 2 lần (sáng, chiều), một con heo lai trưởng thành tiêu thụ hết khoảng 2,0 - 3,0kg thức ăn các loại.

"Tháng đầu mình cho ăn cám gạo, mình xát gạo ra xong cho ăn, rồi sang tháng thứ hai mình cho ăn cỏ, ngô toàn bộ thức ăn đều ăn sống hết chứ không phải đun nấu cái gì. Nếu so với lợn nhà thì kinh phí hết ít toàn bộ là cái đồ tự nhiên, cỏ cây, mình tự đi chặt được. Còn ngô, khoai mình cho ăn bao nhiêu hết bấy nhiêu thôi chứ cũng không cần cho ăn nhiều", bà Thu nói.

Bà Thu cũng cho biết thêm, thức ăn của lợn rừng lai chủ yếu là thực vật. Do đó, không nên lạm dụng thức ăn giàu dinh dưỡng để nuôi lợn rừng lai vì nó sẽ làm cho phẩm chất thịt của lợn rừng lai bị biến đổi và nhiều khi làm cho heo bị bệnh tiêu chảy...

Do khẩu phần của lợn rừng lai là thức ăn xanh tươi nên ít uống nước nhưng cũng cần cung cấp đủ nước sạch và cho lợn uống tự do, nhất là vào thời điểm nắng nóng cần phải bổ sung nước liên tục.

Ngoài ra, do lợn rừng lai có nguồn gốc và tập tính hoang dã nên không cần phải đầu tư quá nhiều về chuồng trại, bởi chỉ cần có diện tích đất vườn và đất đồi lớn để thả, khi hiểu được tập tính ăn ở và sinh sản rất dễ chăm sóc. Khi đã quen với việc chăn nuôi lợn rừng lai dễ dàng hơn cả chăn nuôi lợn nhà.

Lợn rừng lai với ưu thế lai cao của cả bố và mẹ, có sức đề kháng mạnh, khả năng chịu đựng kham khổ với môi trường sống tự nhiên cao, ít dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt rất thấp… Ảnh: Huy Bình. 
Lợn rừng lai với ưu thế lai cao của cả bố và mẹ, có sức đề kháng mạnh, khả năng chịu đựng kham khổ với môi trường sống tự nhiên cao, ít dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt rất thấp… Ảnh: Huy Bình.

Theo bà Thu, mặc dù chuồng trại đơn giản nhưng vẫn phải nắm vững kiến thức về tập tính của lợn rừng lai để bố trí chuồng trại hợp lý. Cụ thể, nên chọn khu đất cao, thoát nước tốt, có nguồn nước sạch để cung cấp đủ nước cho heo uống hơn nữa có thể duy trì được hệ thực vật phong phú tại nơi nuôi và giữ được độ ẩm thích hợp.

Chuồng trại cần bố trí cách xa khu dân cư và đường giao thông, do bản năng hoang dã nên lợn rừng lai vào trạng thái cảnh giác và bỏ chạy khi có tiếng động lạ. Lợn rừng lai có thể nuôi theo kiểu nhốt trong chuồng hoặc nuôi theo kiểu thả rông trong những khu vực có cây xanh, có rào che chắn xung quanh, hàng rào phải.

Chuồng nuôi phải có mái che mưa, che nắng, cao trên 2,5m, nền đất tự nhiên, có độ dốc 2 - 3%… đảm bảo độ thông thoáng, sạch sẽ, mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông, tránh mưa tạt, gió lùa. Hàng ngày, phải vệ sinh chuồng trại, dọn bỏ thức ăn dư thừa, rửa sạch máng ăn, máng uống…

Sau 4 năm đầu tư chăn nuôi lợn rừng lai, giờ đây bà Thu đã chủ động trong việc nhân giống với 10 con lợn nái. Từ chỗ chỉ có vài ba con lợn rừng lai được đầu tư ban đầu bà Thu đến nay đã rất thành công với mô hình chăn nuôi với gần 200 con lợn rừng lai có những lúc lên đến gần 250 con.

Người dân quanh vùng ai có nhu cầu về con giống cũng được bà Thu cung cấp hỗ trợ. Không chỉ là hộ có mô hình chăn nuôi tiêu biểu, gia đình bà Trần Thị Thu còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, có nhiều đóng góp đi đầu trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Bà Nguyễn Thị Yến, Bí thư Chi bộ Thôn Tân Hoa, xã An Bình, huyện Văn Yên cho biết: Gia đình bà Thu là hộ chăn nuôi giỏi, tiêu biểu của xã năm 2023, có kế hoạch làm ăn và mục tiêu rõ ràng. Các anh cứ nhìn đàn gia súc của người ta đấy, ngoài lợn rừng lai đến nay bà Thu còn có 18 con trâu là mô hình tiêu biểu để người dân học tập và có hướng đi sản xuất, chăn nuôi bền vững từ đó thoát nghèo.

Những năm gần đây, lợn rừng lai là món ăn đặc sản bởi chất lượng thịt thơm ngon, tỷ lệ nạc cao và có hương vị đặc trưng rất được thị trường ưa chuộng nên lợn rừng lai của gia đình bà Thu có những lúc còn không đủ bán.

Theo HUY BÌNH/ NNVN 

Các tin khác