Chủ vườn Tây Hồ hé lộ bí quyết uốn tỉa, tạo dáng, phục hồi các loại cây cảnh độc, lạ sau Tết

Kỳ công chăm quất cảnh dáng độc, lạ sau Tết

Vừa luôn tay cắt tỉa quả chín trên cây được khách gửi lại vườn, anh Hoàng Văn Đức chủ vườn quất Đức bonsai thuộc làng quất cảnh Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) vừa nhẹ nhàng chia sẻ với chúng tôi.

Năm nay vườn nhà anh nhận chăm lại quất cảnh sau Tết với số lượng khá ít, chỉ khoảng hơn 20 khách. Do công việc này cần sự kỳ công và có thể gặp nhiều rủi ro nên vườn thường nhận chăm sóc quất của những khách hàng thân thiết chứ không nhận thêm.

"Khách quen và phải tin tưởng nhà vườn tôi mới dám nhận. Vì cây gửi lại chăm kỳ công mà chưa chắc năm sau cây tạo đúng thế, quả ra đúng lúc, nhiều khi cây còn có thể bị chết. Như vậy vừa không có quất cho khách chơi Tết vừa giảm uy tín của vườn." Anh Đức chia sẻ.

Từ mùng 7 Tết đã có nhiều nhà mang quất đến vườn gửi, thời gian đông nhất là khoảng từ mùng 9 cho đến hết rằm tháng Giêng.

Những cây quất khi nhận trở lại vườn thường đã có quả sẵn, lá xum xuê. Theo anh Đức, những cây này phải làm lại hết từ đầu. Cắt bỏ hết quả, tỉa bớt lượng lá để giảm bớt nhu cầu dinh dưỡng và hấp thụ nước của cây.

Bê chậu cây cảnh khách vừa chuyển đến từ trên xe xuống, anh Đức cười: "Những cây cảnh như này, chăm cho cây ra rễ mới, khỏe, rồi trồng. Đến lúc ấy cắt cành, tỉa lá cho cây ra chồi mới rồi chăm sóc như những cây quất trồng mới."

Giá để nhận chăm sóc quất cảnh sau Tết như vậy được biết còn tùy thuộc vào tình trạng của cây khi được khách mang đến. Thường những cây còn khỏe và đẹp nhà vườn của anh Đức nhận công từ vài trăm đến 1 triệu trên 1 tháng.

Tất bật cho quất cảnh, cây cảnh mới lên chậu

Bắt đầu từ mùng 8 Tết, bên cạnh việc nhận chăm sóc phục hồi quất cảnh sau Tết, người dân làng quất cảnh Tứ Liên cũng tất bật lên chậu thêm nhiều dáng cây độc lạ phục vụ bà con vào Tết năm sau.

Giữa tiết trời se lạnh của Hà Nội, không khí tại vườn quất của anh Hoàng Văn Đức (Tây Hồ, Hà Nội) vẫn rất nhộn nhịp. Người chở đất, người lên chậu, người tạo thế, người cắt cành cho cây.

"Cành chiết sẽ được làm phôi rồi tạo dáng cây từ bé. Sau độ 3 - 4 năm, cây mới được đánh lên rồi cho lên chậu. Những cây nổi rễ về sau phải bỏ các cái rễ tôm, chỉ để lại rễ chính với các dáng độc lạ. Như vậy cây bán mới cho giá trị cao." Anh Đức chia sẻ.

Quất cảnh lên chậu không được sử dụng loại đất trồng lúc đầu. Đất khi lên chậu phải dùng đất tơi xốp, thoáng hơn so với đất trồng cây giống. Đất được lựa chọn thường là đất phù sa sông Hồng.

Tay trái xới đất trong chậu, tay phải nhấc cây cảnh, anh Đức cười nói: "Đất này là đất phù sa sông Hồng, khi mới cho cây lên chậu như này chưa cần bón gì cả. Sau này khi cây nuôi nhiều quả thì lượng đất này không đủ chất dinh dưỡng nuôi cây, lúc ấy sẽ phải bón phân vi sinh. Nên là quất này vẫn có thể ăn chứ nói quất cảnh không ăn được là không đúng".

Được biết, với 2 vườn, mỗi vườn khoảng 800 mét vuông, anh Đức đang chăm sóc khoảng 400 gốc quất cảnh với đủ loại khác nhau.

Ngoài những cây quất lấy dáng cây thì vườn còn có quất ghép gỗ lũa, quất nổi rễ, quất trồng trên chậu thậm chí là trồng trong những bình gốm, trong chum miệng nhỏ. Những cây này được trồng, chăm sóc để phục vụ cho mùa Tết năm tới.

Theo HẢI ANH/ DÂN VIỆT 

Các tin khác