Những sáng chế của 'kỹ sư hai lúa' giúp làm nông nhàn tênh

Máy trang lúa "3 trong 1"

Cùng với các tỉnh khác tại ĐBSCL, Trà Vinh là tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích canh tác trên 180 nghìn ha, chiếm trên 70% diện tích tự nhiên. Hiện nay, việc áp dụng khoa học công nghệ (KH-CN) của Trà Vinh trong nông nghiệp đã có bước tiến vô cùng mạnh mẽ.

Trong năm 2022, tổng giá trị sản xuất toàn tỉnh Trà Vinh đạt gần 18 nghìn tỷ đồng. Trong đó các tiến bộ về KH-CN đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp và 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Qua đó, cho thấy KH-CN có sự đóng góp đáng kể, tạo ra chuyển biến mang tính đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp, phục vụ tái cơ cấu nền nông nghiệp tỉnh nhà.

Ông Trần Văn Chung vừa qua được vinh danh là một trong 100 nông dân giỏi nhất cả nước với sáng chế máy trang lúa '3 trong 1'. Ảnh: Hồ Thảo.
Ông Trần Văn Chung vừa qua được vinh danh là một trong 100 nông dân giỏi nhất cả nước với sáng chế máy trang lúa “3 trong 1”. Ảnh: Hồ Thảo.

Nổi bật nhất vẫn là ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa gạo. Đây được xem là chìa khóa để tăng năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường cho mặt hàng lúa gạo của tỉnh Trà Vinh.

Cụ thể, ngành nông nghiệp và các địa phương đã khuyến khích bà con nông dân từng bước áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa từ khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch, đến bảo quản và chế biến lúa gạo. Triển khai thí điểm và nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trên diện rộng, tạo điều kiện phát triển cơ giới hóa đồng bộ.

Ông Trần Văn Chung, Giám đốc HTX Phát Tài (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) cho biết, HTX phải phơi sấy lúa thường xuyên sau khi thu mua lúa từ nông dân về. Trung bình mỗi mẻ của lò sấy lúa đạt khoảng 30 tấn/ngày đêm và đòi hỏi phải thường xuyên sử dụng lực lượng lao động từ 3 - 4 người.

Cuối năm 2022 và đầu năm 2023, hệ thống trang lúa trong lò sấy đã được ông Chung nghiên cứu thành công và đưa vào vận hành, giảm lao động xuống chỉ còn 1 người và khâu xúc, chuyển lúa sau khi sấy xong qua bộ phận tách bụi, làm sạch lúa hoàn toàn tự động 100% (trước đây khâu này cần tới 5 lao động/mẻ sấy lúa).

“Trong sấy lúa, phần trở lúa trong lò sấy tốn thời gian và lao động nhiều nhất. Với chi phí đầu tư làm hệ thống trang lúa tự động khoảng 80 triệu đồng, khi đưa vào vận hành, HTX đã tiết kiệm được từ 1,2 - 1,3 triệu đồng/mẻ lúa”, ông Chung cho biết.

Máy trang lúa của ông Trần Văn Chung thực hiện 3 chức năng trang, sấy và gom lúa, giúp tiết kiệm từ 1,2 - 1,3 triệu đồng/mẻ sấy. Ảnh: Hồ Thảo.Máy trang lúa của ông Trần Văn Chung thực hiện 3 chức năng trang, sấy và gom lúa, giúp tiết kiệm từ 1,2 - 1,3 triệu đồng/mẻ sấy. Ảnh: Hồ Thảo.

Tùy vào độ ẩm của lúa khi đưa vào lò sấy, trung bình 1 mẻ lúa sấy 30 tấn phải thường xuyên cào trở lúa (5 - 6 tiếng/lần cào trở) và cần 2 lao động (mỗi lao động thực hiện khoảng 2 giờ). Với hệ thống trang lúa hoàn toàn tự động được ông Chung nghiên cứu thành công và đưa vào vận hành, chỉ cần 1 lao động đảm nhận công việc điều khiển để thực hiện cào trở lúa.

Sau khi lúa đã sấy đạt theo yêu cầu, hệ thống trang lúa sẽ thực hiện cào gom lúa đã sấy để đưa vào hệ thống miệng thu gom. Từ miệng thu gom, sẽ được trục xoay hình xoắn ốc tiếp tục đưa lúa vào bể chứa để rê, tách hạt lép, vệ sinh lúa cho sạch và sau đó chuyền qua ống dẫn xuống bao để công nhân thực hiện công đoạn cân, may đóng bao.

Ông Chung thổ lộ: “Hiện nay lao động trẻ có xu hướng đi làm công ty, xí nghiệp nên tình trạng thiếu lao động ở địa phương là điều không tránh khỏi. Vì vậy tôi đã cố gắng học hỏi và phát huy những gì mình đang có để đưa HTX cũng như đời sống của bà con ngày càng phát triển hơn nữa”.

"Với niềm say mê nghiên cứu của mình, ông Trần Văn Chung là cựu chiến binh gương mẫu, được tặng giấy khen của Hội Cựu chiến binh tỉnh Trà Vinh; được Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022” và là một trong 100 nông dân xuất sắc nhất Việt Nam. Hiện Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nông dân tỉnh đang tiến hành làm thủ tục để đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen...”, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh thông tin.

Máy sạ hàng của lão nông U70

Hiện tại, bà con nông dân ở Trà Vinh đang khẩn trương chuẩn bị làm đất để sản xuất lúa vụ hè thu với nhiều phương pháp sạ lúa khác nhau như sạ bằng tay truyền thống, sạ hàng bằng máy kéo tay đồng trục đơn giản, sạ cụm bằng máy...

Chiếc máy sạ hàng của ông Công được nhiều bà con biết đến vì vừa giảm được công lao động, vừa nâng cao năng suất lúa. Ảnh: Hồ Thảo.
Chiếc máy sạ hàng của ông Công được nhiều bà con biết đến vì vừa giảm được công lao động, vừa nâng cao năng suất lúa. Ảnh: Hồ Thảo.

Để cải tiến khâu gieo sạ, một nông dân ở xã Thạnh Mỹ, huyện Châu Thành (tỉnh Trà Vinh) đã chế tạo thành công máy sạ hàng với năng suất làm việc cao, vừa tiết kiệm chi phí, công lao động, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất lúa. Đó là lão nông Lê Văn Công, dù đã ngoài 70 tuổi, ông vẫn ngày đêm mày mò chế tạo ra máy sạ hàng với động cơ chạy xăng, thân máy rộng 1,4m, hai bánh xe bằng sắt rộng có đường kính 1,2m. Lão nông còn chế thêm bánh xích cho người điều khiển cho máy chạy với vận tốc cao hơn.

“Tôi thấy bây giờ công nhân khó mướn nên đã chế cái máy này để sử dụng nhằm tiết kiệm nhân công. Ống trục quay máy thông thường lỗ chỉ có 10 ly tôi chế lại 14 ly. Vì vậy trong khi ngâm lúa tôi ngâm ủ thêm một ngày một đêm nên lúa càng nảy mầm tốt, khi sạ xuống bữa trước, bữa sau là hạt bắt rễ nên tỷ lệ thành công cao hơn”, ông Công giải thích

Không chỉ chế tạo ra máy sạ hàng, ông Công còn mày mò chế tạo bẫy bắt chuột có độ nhạy cao, vụ lúa vừa rồi ông bắt được trên 300 con chuột. Cách làm nông của ông Công vừa giảm được nhân công vừa tiết kiệm chi phí, lại tăng năng suất lúa. Vụ lúa đông xuân vừa rồi, nhờ ứng dụng những tiến bộ này, ruộng nhà ông tăng được năng suất, đạt từ 7-10 tấn/ha...

Mặc dù năm nay đã ngoài 70 tuổi, lão nông Lê Văn Công vẫn ngày đêm nghiên cứu, chế tạo ra chiếc máy sạ hàng, cho tới những chiếc bẫy chuột đơn giản, hiệu quả. Ảnh: Hồ Thảo.
Mặc dù năm nay đã ngoài 70 tuổi, lão nông Lê Văn Công vẫn ngày đêm nghiên cứu, chế tạo ra chiếc máy sạ hàng, cho tới những chiếc bẫy chuột đơn giản, hiệu quả. Ảnh: Hồ Thảo.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh, cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang mở đường cho nông nghiệp phát triển theo hướng hoàn toàn mới, thích ứng và đổi mới trên nền tảng công nghệ, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững.

Đáng chú ý, nhờ ứng dụng KH-CN trong sản xuất, cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, gắn với nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh các doanh nghiệp, nhiều HTX đã mạnh dạn đầu tư làm chủ công nghệ, xây dựng các khu sản xuất tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến. Đặc biệt trong sản xuất lúa gạo, nhiều sáng chế không chỉ giải quyết được khâu lao động nặng nhọc, tính thời vụ khẩn trương mà thông qua tiếp cận hệ thống máy móc trang thiết bị tiên tiến sẽ giúp nông dân ngày càng chủ động sáng tạo, thay đổi tư duy canh tác để phù hợp với thời đại.

KH-CN là hướng đi thực sự cần thiết trong thời đại 4.0 đang từng bước thay đổi cục diện sản xuất, thay đổi luôn cả thói quen và tư duy canh tác của người nông dân. KH-CN đã len lỏi đến từng mảnh vườn, thửa ruộng hay trang trại chăn nuôi, những cánh đồng được cơ giới hóa... đã giúp gia tăng hiệu quả sản xuất, giúp nông dân không phải chân lấm tay bùn...

Theo HỒ THẢO - L.H.V/ NNVN 

Các tin khác