Hoàn thiện quy trình công nghệ chăn nuôi dòng lợn chuyên hóa năng suất cao

Lợn nái TH12 là sản phẩm của đề tài cấp Nhà nước 'Nghiên cứu lai tạo một số dòng lợn chuyên hóa năng suất cao phù hợp chăn nuôi công nghiệp khu vực phía Bắc'. Ảnh: TP.
Lợn nái TH12 là sản phẩm của đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu lai tạo một số dòng lợn chuyên hóa năng suất cao phù hợp chăn nuôi công nghiệp khu vực phía Bắc”. Ảnh: TP.

Nhân rộng các dòng lợn chuyên hóa vào sản xuất, tạo nguồn gen đa dạng

Trước yêu cầu của thị trường tiêu thụ thịt lợn trong nước và thế giới, đặc biệt là mục tiêu tạo sản phẩm riêng cho ngành chăn nuôi lợn Việt Nam nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, việc tạo ra các dòng tổng hợp để sản xuất lợn thương phẩm có năng suất và chất lượng cao phù hợp với điều kiện Việt Nam là rất cần thiết.

Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) đã thực hiện đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu lai tạo một số dòng lợn chuyên hóa năng suất cao phù hợp chăn nuôi công nghiệp khu vực phía Bắc”, với sản phẩm được nghiệm thu là hai dòng lợn nái TH12, TH21. Kết quả nghiên cứu được công nhận theo Quyết định số 1188/QĐ-BKHCN, ngày 15/5/2017 để triển khai mở rộng quy mô.

Đánh giá hiệu quả khi đưa đàn lợn nái TH12, TH21 và lợn đực ĐC1 vào sản xuất, năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục cho Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm độc lập cấp quốc gia “Hoàn thiện quy trình công nghệ chăn nuôi 02 dòng lợn nái TH12, TH21, 01 dòng lợn đực ĐC1 và con lai thương phẩm giữa chúng” thực hiện từ 8/2020 tới tháng 8/2023.

Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp Quốc gia nghiệm thu đề đã đề nghị tiếp tục sản xuất thử nghiệm sản phẩm của đề tài nhằm nhân rộng để đưa các dòng lợn chuyên hóa vào sản xuất, tạo sản phẩm cho tiêu dùng của xã hội, tạo được sự đa dạng nguồn gen vật nuôi tại Việt Nam và nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

Mục tiêu nhằm chọn lọc được những cá thể tạo đàn hạt nhân có năng suất cao, hoàn thiện được quy trình chăn nuôi và xây dựng được mô hình chăn nuôi lợn nái TH12, TH21, lợn đực ĐC1 và con lai thương phẩm giữa chúng, từ đó khai thác và phát triển có hiệu quả 3 dòng lợn.

Phương pháp nghiên cứu được tiến hành trên cơ sở xây dựng tiêu chuẩn đàn hạt nhân TH12, TH21, ĐC1. Việc lựa chọn dựa trên các đặc điểm ngoại hình: Màu sắc lông da, số vú, chân, đầu, mình.

Ổ lợn nái TH12 tại mô hình nuôi con. Ảnh: TP.
Ổ lợn nái TH12 tại mô hình nuôi con. Ảnh: TP.

Các chỉ tiêu năng suất được lựa chọn, gồm: khả năng tăng khối lượng, tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng, độ dày mỡ lưng tại điểm P2, số con sơ sinh sống/ổ, số con cai sữa/ổ, số con cai sữa/nái/năm.

Đề tài tuyển chọn đàn hạt nhân TH12, TH21, ĐC1 bằng cách tiến hành bố trí thí nghiệm kiểm tra năng suất theo quy trình kiểm tra năng suất lợn hậu bị. Chọn 200 lợn cái và 100 đực hậu bị/dòng từ đàn lợn TH12, TH21 thế hệ 4 nuôi tại Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương, lợn được sinh ra ở lứa 1 từ nái có số con sơ sinh sống/ổ đạt ≥13 con.

Chọn từ đàn đực ĐC1 thế hệ 4 nuôi tại Trung tâm 100 cái hậu bị và 150 đực hậu bị ĐC1 đưa vào kiểm tra năng suất. Lợn được chọn phát triển bình thường, đồng đều về khối lượng và ngày tuổi.

Sau khi kết thúc kiểm tra năng suất cá thể, sử dụng phương pháp tuyển chọn những cá thể vượt trội trong quần thể và căn cứ tiêu chuẩn cơ sở cho đàn lợn hạt nhân TH12, TH21, ĐC1 để tuyển chọn đàn lợn hạt nhân có ngoại hình đặc trưng và đồng nhất, khả năng sinh trưởng và năng suất sinh sản cao.

Số lượng đàn hạt nhân được chọn: Đàn lợn TH12 hạt nhân gồm 100 cái, 10 đực. Đàn lợn TH21 hạt nhân gồm 100 cái, 10 đực. Đàn lợn ĐC1 hạt nhân gồm 25 cái, 15 đực. Sau đó, tiến hành mở rộng quần thể theo phương pháp ghép phối theo nhóm gia đình, tiến hành ghép phối khác nhóm gia đình tránh cận huyết.

Hoàn thiện 5 quy trình công nghệ chăn nuôi

Dự án chọn được đàn hạt nhân TH12, TH21, ĐC1 với số lượng và các chỉ tiêu kỹ thuật. Trong đó, 100 lợn nái TH12 có số con sơ sinh sống/ổ đạt hơn 13,4 con. Số con cai sữa/nái/năm đạt gần 28 con, khả năng tăng khối lượng đạt hơn 820 g/ngày và tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng đạt 2,4kg.

100 lợn nái TH12 có số con sơ sinh sống/ổ đạt 14 con. Số con cai sữa/nái/năm đạt gần 29 con, khả năng tăng khối lượng đạt gần 781g/ngày và tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng đạt 2,4kg.

15 lợn đực ĐC1 có khả năng tăng khối lượng đạt hơn 1029 g/ngày, tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng đạt 2,4kg và tỷ lệ nạc đạt gần 63%.

Dự án cũng đã hoàn thiện được các quy trình chăn nuôi 2 dòng lợn nái TH12, TH21, 01 dòng lợn đực ĐC1 và con lai thương phẩm giữa chúng.

Tập huấn quy trình chăn nuôi lợn tại Bắc Giang theo kết quả của đề tài. Ảnh: TP.
Tập huấn quy trình chăn nuôi lợn tại Bắc Giang theo kết quả của đề tài. Ảnh: TP.

Các quy trình đã hoàn thiện, gồm: Quy trình chăn nuôi lợn cái hậu bị TH12 và TH21; Quy trình chăn nuôi lợn nái nuôi con TH12 và TH21; Quy trình chăn nuôi lợn đực giống ĐC1; Quy trình chăn nuôi lợn thương phẩm ĐC1xTH12 và ĐC1xTH21 giai đoạn sau cai sữa đến 70 ngày tuổi; Quy trình chăn nuôi lợn thương phẩm ĐC1xTH12 và ĐC1xTH21 giai đoạn 70 ngày tuổi đến xuất chuồng.

Dự án xây dựng thành công 6 mô hình chăn nuôi lợn sinh sản và thương phẩm tại 3 tỉnh phía Bắc là Bắc Giang, Ninh Bình và Hải Dương với tổng quy mô 200 nái (30 - 50 nái/mô hình) và lợn thương phẩm 1.500 con (100 - 300 con/mô hình).

Số lượng và các chỉ tiêu kỹ thuật của đàn lợn tại các mô hình đều đạt yêu cầu theo Thuyết minh đã được phê duyệt và Hợp đồng đã ký giữa Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương và Bộ Khoa học và Công nghệ.

Bên cạnh đó, dự án đã đào tạo được 10 kỹ thuật viên cơ sở và tổ chức được 3 lớp tập huấn với tổng số 75 người tham dự.

Với những kết quả của đề tài, Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương đề nghị mở rộng các mô hình trang trại chăn nuôi lợn nái TH12, TH21 và lợn đực ĐC1 ở Việt Nam.

Theo PHƯƠNG THẢO/ NNVN 

Các tin khác