Hiệu quả từ nghề nuôi ong lấy mật

Theo đánh giá của Mạng An ninh lương thực và giảm nghèo (Cifpen), nuôi ong lấy mật là một trong những mô hình sản xuất bền vững quy mô nông hộ, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, nhất là ở khu vực miền núi. Và thực tế là, đã có nhiều đơn vị Hội Làm vườn (HLV) hướng dẫn nông dân, hội viên áp dụng mô hình, từ đó thoát nghèo, làm giàu hiệu quả.

 

Nghề xóa đói giảm nghèo

Với nhiều hội viên Hội Ngành nghề nông nghiệp, nông thôn tỉnh Sơn La (thuộc HLV Việt Nam), nuôi ong đã thực sự trở thành nghề xóa đói giảm nghèo. Theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 1.000 hội viên sống bằng nghề nuôi ong với tổng số 30.000 đàn, tăng 20% so với năm 2010.

Để phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế này, Hội Ngành nghề nông nghiệp, nông thôn Sơn La đã đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho hội viên, tư vấn kỹ năng quản lý, xây dựng mô hình trình diễn để bà con học tập và nhân rộng. Nhờ đó, nghề nuôi ong trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh với nhiều mô hình cho năng suất, chất lượng cao như ông Nguyễn Văn Thắm ở Phiềng Khoài (Yên Châu) nuôi 500 đàn ong, ông Nguyễn Văn Hiệp ở Kim Chung (Yên Châu) nuôi 300 đàn, ông Hồ Văn Tiến ở tiểu khu Tân Cương, thị trấn Nông trường Mộc Châu (Mộc Châu) nuôi 200 đàn..., năng suất bình quân đạt 50-60 kg mật/đàn.

Ông Đỗ Ngọc Nhuận, Chủ tịch Hội Ngành nghề nông nghiệp, nông thôn Sơn La cho biết: "Điều đáng ghi nhận trong việc phát triển nghề nuôi ong ở Sơn La là bà con đã biết liên kết để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, đồng thời hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất. Nghiệp đoàn nuôi ong là nơi tập hợp những điển hình nuôi ong thành công nhất trong tỉnh, tại đây bà con thường xuyên trao đổi kinh nghiệm chăm sóc, phòng trừ bệnh cho đàn ong, cách quản lý đàn ong hiệu quả để mọi người cùng học tập".

Điểm sáng Phú Lương

Theo ông Nông Văn Thịnh, Phó chủ tịch Thường trực HLV huyện Phú Lương (Thái Nguyên), nuôi ong lấy mật đã trở thành nghề mang lại thu nhập ổn định cho nhiều nông dân trong huyện. Trong đó, mật ong ở xóm Làng Lê, xã Động Đạt được đánh giá là thơm ngon hơn cả.

Chỉ với 19 hộ nuôi, quy mô 200 đàn, mỗi năm người dân Làng Lê cung cấp cho thị trường trên 2.500 lít mật, trị giá khoảng 250 triệu đồng. Nhưng để có thành quả như hôm nay, người nuôi ong Làng Lê đã trải qua nhiều phen lao đao khi ong bị dịch bệnh chết. Ngay như đợt rét đậm rét hại hồi đầu năm, đã có nhiều đàn ong trong xóm bị chết rét nhưng không vì thế mà bà con chán nản, họ vẫn kiên quyết bám trụ với nghề.

Để “bổ túc” thêm kiến thức nuôi ong cho bà con, đầu năm 2011, Trung tâm Dạy nghề và Chuyển giao công nghệ VACVINA đã phối hợp với HLV Thái Nguyên tổ chức lớp dạy nghề nuôi ong tại Làng Lê, thời gian học 3 tháng. Nhờ lớp học này, người nuôi ong Làng Lê đã thấy tự tin hơn khi biết cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho ong, biết kỹ thuật tạo ong chúa để nhân đàn.

Có thể điểm qua những người có “máu mặt” trong nghề nuôi ong ở Làng Lê như ông Nguyễn Ngọc Nga, Bạch Đình Duân, Bạch Đình Thiêm,… Bản thân ông Nga đã gắn bó với nghề được hơn 20 năm, đắng cay, ngọt bùi nếm trải đủ cả nhưng ông vẫn “yêu” ong, gắn bó với nghề. Gia đình ông Nga cũng là địa chỉ tham quan, học tập của nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh, thậm chí các chuyên gia nước ngoài cũng được đưa về đây tham quan, nghiên cứu.

Trong khi đó, gia đình ông Duân đã có 2 đời theo nghề nuôi ong. Từng chứng kiến nỗi vất vả, sự say mê với nghề của cha, giờ anh Thiêm cũng theo nghề với tràn đầy nhiệt huyết. Sức trẻ, cộng với sự nhanh nhạy trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật đã giúp anh trở thành “quân sư” của làng trong nghề nuôi ong. Hiện, gia đình anh có trên 70 đàn, sản lượng khoảng 1.400 lít mật/năm.

Nghề nuôi ong ở Đề Thám

Nuôi ong lấy mật cũng là mô hình được nhiều gia đình ở phường Đề Thám (thị xã Cao Bằng, Cao Bằng) chọn lựa. Điều đáng ghi nhận là sự phát triển của nghề ở Đề Thám đang đi theo hướng chuyên nghiệp hóa khi phường đã thành lập được câu lạc bộ (CLB) ong mật với 22 hội viên. Để giữ vững thương hiệu mật ong Đề Thám, Ban chủ nhiệm CLB chịu trách nhiệm giám sát chất lượng mật ong của từng hộ hội viên. CLB còn thường xuyên được HLV tỉnh đưa đi tham quan, học tập một số mô hình nuôi ong trong và ngoài tỉnh. CLB đang thống nhất một mẫu quảng cáo chung để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm ong mật Đề Thám.

Anh Hoàng Văn Nguyện là một trong những hội viên nhiệt tình của CLB. Đến nay, anh đã có 30-40 đàn ong, thu 200-300 lít mật, lãi trên 40 triệu đồng. Sau nhiều năm tham gia CLB, anh đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý trong nghề như giống phải đảm bảo chất lượng. Khi thời tiết ấm áp phải chuẩn bị cho ong xây tổ, xây đàn, chia đàn từ nhỏ đến lớn trước mùa thu mật 10 ngày. Để nâng cao sản lượng và chất lượng mật ong, mỗi năm phải di chuyển đàn ong đến những vườn cây khác có nhiều hương hoa.

Mô hình nuôi ong giờ đây không chỉ bó hẹp ở phường Đề Thám mà nhiều nông dân phường Sông Hiến cũng xin được gia nhập CLB để làm giàu từ nghề nuôi ong. Điển hình như anh Phương Quốc Khánh ở tổ 1, phường Sông Hiến, từ chỗ không biết gì về nghề, hiện anh có trên 30 đàn ong, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gia đình. Hay mô hình của hội viên La Văn Cáo, tổ 31, phường Sông Hiến với trên 60 đàn ong kết hợp mô hình VAC, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Từ những mô hình trên có thể thấy, nuôi ong lấy mật là nghề thoát nghèo, làm giàu hiệu quả cho nông dân, nhất là người dân miền núi. Để phát huy thế mạnh này, HLV cần phối hợp với ngành chức năng, chính quyền các địa phương chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để nông dân sản xuất hiệu quả.

Theo kinhtenongthon

Các tin khác