Nuôi bồ câu Pháp

Mới 23 tuổi đã sở hữu một trang trại bồ câu Pháp trị giá cả tỷ đồng, Trần Thanh Sơn ở xóm Đô Sơn (xã Bài Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) đã chứng minh rằng, tuổi trẻ cũng có thể làm nên nghiệp lớn tại quê nghèo.

Sinh năm 1989 trong một gia đình thuần nông nghèo khó ở xã miền núi Bài Sơn, sau nhiều cố gắng, Sơn đã thi đậu vào trường ĐH Thái Nguyên. Để trang trải cuộc sống, Sơn quyết định đi làm thêm ngay từ lúc bước vào giảng đường ĐH...

Khát vọng xoay chuyển số phận rồi cũng mở ra cơ hội cho chàng sinh viên trẻ, khi Sơn bắt gặp mô hình nuôi bồ câu Pháp ở Bắc Giang. Qua ghi nhận thực tế, thấy mô hình nuôi bồ câu Pháp cho hiệu quả kinh tế cao, có thể áp dụng phát triển tại quê hương mình, Sơn đã tiếp cận học hỏi kinh nghiệm rồi quyên góp tiền mua giống về quê nuôi thử nghiệm.

Ban đầu, với 34 triệu đồng tích góp được bằng mồ hôi công sức của mình qua 4 năm học ĐH, Sơn quyết định thuê một chiếc xe tải ra Bắc Giang mua 300 con bồ câu chở về quê. Sau 8 tháng nuôi suôn sẻ, đến nay số lượng bồ câu giống đã lên tới cả nghìn con. Vui mừng hơn khi Sơn đã thu được trên dưới 100 triệu đồng từ bán giống cho các cơ sở chăn nuôi, nhà hàng và thương lái.

Đến nay trang trại bồ câu Pháp lớn nhất huyện Đô Lương của Sơn đã cho bà con thấy được lợi nhuận cao. Trang trại còn là nơi cung cấp con giống số lượng lớn với giá 170.000 đ/đôi. Để nuôi bồ câu Pháp đạt hiệu quả cao, Sơn cho bồ câu ăn ngô và các loại cám xay với tôm, cá...

Hướng mắt về trang trại bồ câu Pháp, chị Thái Thị Thu (mẹ Sơn) chia sẻ: “Mới đầu, vợ chồng tôi phản đối kịch liệt việc thằng Sơn nuôi chim. Thấy nó cầm mấy chục triệu mua bầy bồ câu, tôi cứ lo lắng không yên, lo thua lỗ. Nhưng giờ bồ câu phát triển đều, cứ 40 ngày nuôi là sinh nở, cho thu nhập cao nên vợ chồng tôi mới yên tâm”.

Tuy nhiên, không phải nuôi bồ câu lúc nào cũng thuận lợi. Sơn tâm sự: “Mô hình nuôi bồ câu Pháp hoàn toàn do suy nghĩ tự phát của cá nhân. Trên địa bàn huyện Đô Lương chưa có ai đầu tư lớn để nuôi bồ câu như tôi, hơn nữa thời tiết thay đổi thất thường, làm ảnh hưởng đến phát triển và sinh nở của chim, vả lại thị hiếu người tiêu dùng còn hạn chế...”.
 

Theo Báo Nông Nghiệp VN

Các tin khác