Trồng dừa lấy cổ hũ, lợi bất cập hại!

Từ đầu năm đến nay, giá dừa khô xuống thấp chỉ còn trên dưới 1.000 đ/trái, nhiều nhà vườn rơi vào tình cảnh lao đao. Đối mặt với thực trạng này, một số nhà vườn chuyển qua bán dừa tươi thay bán dừa khô. Đối với số dừa đã mọc thành cây, nhà vườn bán rẻ và rủ rê nhà vườn khác trồng dừa lấy cổ hũ để bán cho các nhà hàng... Điều này có lợi trước mắt nhưng về lâu dài sẽ có rủi ro.

Tại xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách, trong hơn một tháng vừa qua có một số hộ trồng dừa lấy cổ hũ đã trồng hơn 10 ngàn cây dừa để lấy cổ hũ.

Các hộ trồng dừa lấy cổ hũ trồng với mật độ rất dày khoảng 250 - 445 cây mỗi công (1.000 m2), tức trồng cây cách cây khoảng từ 1,5 đến 2 m. Nhà vườn được người cung cấp giống dừa hứa hẹn rằng sau 2 - 3 năm sẽ bán được 100 ngàn đồng mỗi cổ hũ! Nhưng hoàn toàn không có hợp đồng ràng buộc! Với hứa hẹn này nhà vườn hy vọng sau 3 năm mỗi công sẽ thu về được 35 - 40 triệu đồng.

Tuy nhiên, bà con cần tỉnh táo cân nhắc thiệt hơn vì các lý do sau đây:

- Trồng mật độ rất dày như trên hệ thống rễ của dừa sẽ đan kín mặt đất, việc cải tạo để trồng cây trồng khác rất khó khăn sau này.

- Trong trường hợp không có người thu mua cổ hũ như hứa hẹn thì nhà vườn sẽ mất cả chì lẫn chài, vì với mật độ dày như trên dừa không thể cho trái được, việc cải tạo lại vườn để trồng cây khác sẽ tốn nhiều công sức và thời gian.

- Trồng dừa mật độ dày sẽ phát sinh nhiều sâu bệnh như đuông, bọ cánh cứng hại dừa, bệnh thối đọt, bệnh đốm lá... so với trồng mật độ bình thường nên cũng phải đầu tư chi phí, công sức cây mới tồn tại, phát triển để cho cổ hũ.

- Bên cạnh đó, cây giống dừa không đạt chất lượng, kích cỡ trái rất khác biệt, trái có triệu chứng bị bọ vòi voi tấn công, nhiều giống dừa khác nhau... nên rủi ro càng cao hơn!

Việc trồng dừa lấy cổ hũ để giải quyết tình trạng trái dừa khô tồn đọng hiện nay ẩn chứa nhiều rủi ro khó lường, bà con nông dân nên tỉnh táo trước “khuyến cáo” của một số đại lý thu mua cổ hũ dừa.

 

Theo VŨ BÁ QUAN - KHPT

Các tin khác