Sa la - một loài cây cảnh quý hiếm

Anh Đỗ Tầng, người chơi cây kiểng nổi tiếng ở TP. Cần Thơ cho biết: “Trước cơn lốc đô thị hóa hiện nay, nhiều công trình xây dựng như công viên, khách sạn, khu du lịch, nhà nghỉ, khu di tích, biệt thự… đã đua nhau mọc lên, nhu cầu cây xanh, cây cảnh, đặc biệt là kiểng trang trí ngoại thất ngày càng trở nên khan hiếm. Do đó, nhiều tay chơi kiểng đã ráo riết săn tìm những cây có dáng đẹp, giá trị nghệ thuật cao, đặc biệt là những cây có giá trị tâm linh như sanh, si, đa, bồ đề, lộc vừng, sa la… để cung cấp cho các công trình hoặc các đại gia mê phong thủy…”.

Sa la từng được coi là cây “thiêng”, thường trồng ở các vườn chùa, nhất là chùa Khmer ở Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng… Theo Phật học từ điển, Sa la, hay Sa la song thọ, còn gọi là Ta la (tiếng Phạn: Sala), có nghĩa là “kiên cố”. Theo sử sách, cách nay 2.556 năm (theo Phật lịch), Thái tử Tất Đạt Đa đã sản sinh ở gốc cây Sa la, trong vườn Lâm Tì Ni, và khi thành Phật, ngài cũng nhập diệt giữa 2 cây Sa la tại Câu Thi Na. Từ đó, cây Sa la được Phật tử coi là một loài cây cao quý.

Hoa Sa la mọc ra từ thân cây chứ không phải từ cành. Hoa thường trổ suốt từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch hàng năm. Cuống hoa dài, cánh hoa to, màu đỏ hồng tươi tắn và mùi thơm thoang thoảng, nhẹ nhàng. Hoa thường nở vào buổi sáng, đến trưa thì tàn. Theo quan niệm của các nhà sư, hoa này tàn thì hoa khác tiếp tục nở nhằm biểu hiện một triết lý vô thường và giải thoát. Cũng theo truyền thống của Phật tử Nam tông, họ thường dùng hoa Sa la làm biểu tượng để trang trí cho ngày Phật đản. Chính vì ý nghĩa và giá trị nói trên mà nhiều nghệ nhân cây cảnh Việt Nam đã coi Sa la là loại cây quý hiếm.

 

Theo THÀNH HIỆP - KHPT

Các tin khác