Trồng thanh long ruột đỏ cho thu nhập cao

Thanh long ruột đỏ còn có tên là thanh long Nữ Hoàng, tên khoa học là Hylocereus. Giống này có mặt tại Việt Nam từ nhiều năm nhưng mới bắt đầu mở rộng diện tích ở một số nơi như Bình Thuận, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh, Vĩnh Long, vùng Bảy Núi An Giang… bước đầu đã mang lại hiệu quả rất khích lệ.

Thanh long ruột đỏ có đặc tính vỏ dày và cứng, màu đỏ tươi trông rất đẹp mắt. Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, thanh long ruột đỏ có thành phần dinh dưỡng cao hơn thanh long ruột trắng, nhất là hàm lượng vitamin nên được nhiều người ưa thích vì có lợi cho sức khỏe. Loại này, ngoài ăn tươi còn có thể ướp lạnh hoặc ép lấy nước uống rất mát. Anh Nguyễn Hữu Nghĩa, chủ vườn thanh long Tâm Phúc ở ấp Đông Lợi, xã Đông Bình, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long cho biết, sau khi tham quan học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi, cuối năm 2010 anh đã mạnh dạn đầu tư trồng thanh long ruột đỏ trên diện tích 11 công. Sau hơn 1 năm chăm sóc, cây đã ra hoa kết trái, tính từ đầu năm 2012 đến nay anh đã thu nhập trên 500 triệu đồng… Nếu trừ hết các chi phí cũng còn lời hơn một nửa.

Theo kinh nghiệm của anh Nghĩa và một số nhà chuyên môn thì thanh long là một trong những loại cây có khả năng thích ứng với sự biến đổi khí hậu trong điều kiện hiện nay. Riêng cây thanh long ruột đỏ cũng dễ trồng như thanh long ruột trắng và thích hợp với nhiều loại đất, cát, lại dễ chăm sóc. Nhưng muốn cho năng suất cao, chất lượng bảo đảm, người trồng phải nắm vững kỹ thuật, nhất là giống, phân, nước và quá trình chăm sóc. Thanh long thuộc loại cây ưa nắng, thích sáng, rễ cạn nên đất trồng phải xốp và thông thoáng, không bị ngập úng và nước không bị nhiễm phèn hoặc nhiễm mặn. Hầu hết cây đều phát triển tốt, những trái to có thể nặng trên 1 kg/trái, ruột đỏ son, chất lượng thơm, ngon và ngọt đậm nên rất dễ tiêu thụ.

Anh Nghĩa chia sẻ kinh nghiệm, loại thanh long này nên trồng cách khoảng 3 m x 3 m, độ chừng 120 trụ/công. Trụ trồng phải được chôn sâu, chắc chắn, tốt nhất là trụ bê tông tròn, cao khoảng 1,3 mét. Đất trồng tốt nhất là đất mặt trộn với phân chuồng, tro trấu (hạn chế tối đa phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật). Để giảm chi phí tiền mua phân, anh đã xây chòi nuôi dơi giữa vườn để lấy phân. Đặc biệt dưới mương, anh còn thả rau nhút để tăng thêm thu nhập. Về thời vụ, thanh long có thể xuống hom bất cứ lúc nào trong năm, nhưng tốt nhất là đầu mùa mưa. Trong quá trình chăm sóc, người trồng phải thường xuyên tỉa cành, tạo tán cho cây ra nhiều trái. Thanh long ruột đỏ ra trái nhiều nhất từ tháng 3 đến tháng 11 âm lịch. Nếu muốn cho ra trái mùa nghịch cần phải xông đèn (quang kỳ tính).

Nếu trồng đúng quy cách, đủ phân, đủ nước, cây thanh long ruột đỏ sau 8 - 10 tháng tuổi (từ khi đặt hom) có thể ra bông. Nếu tính từ năm thứ ba, năng suất bình quân từ 30 - 40 tấn/ha/năm. Giá thị trường hiện nay dao động từ 25.000 - 35.000 đ/kg/loại I, thu nhập trên 700 triệu đồng/ha (cao gấp 5, 6 lần thanh long ruột trắng).

Anh Nghĩa không những bán thanh long trái mà con bán cả cây giống với giá 10.000 đ/hom. Ngoài ra, anh còn sẵn sàng hỗ trợ và trực tiếp tư vấn kỹ thuật cho người mua hom giống. Anh mong muốn đồng bằng sông Cửu Long có thêm nhiều người sản xuất thanh long ruột đỏ để tiến tới thành lập hợp tác xã hoặc câu lạc bộ, tạo nguồn hàng ổn định, hướng tới thành lập thương hiệu và xuất khẩu trong tương lai. Anh tin chắc rằng cây thanh long ruột đỏ là cây có tiềm năng kinh tế bền vững. Người có đất ít thì trồng ít, đất nhiều trồng nhiều, không sợ dội hàng ế chợ như thanh long ruột trắng.

Theo HUỲNH NGUYỆT - KHPT

Các tin khác