Canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính

Sở NN-PTNT Kiên Giang vừa phối hợp với Quỹ Bảo vệ môi trường (EDF) triển khai dự án “Canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính” trên diện tích 270 ha ở ấp kênh 7B, xã Thạnh Đông A, Tân Hiệp, Kiên Giang.

Dự án Canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam (VLCRP) được tài trợ bởi Cơ quan Hợp tác phát triển Úc (AusAID) – Chương trình hỗ trợ cộng đồng thích ứng và giảm thiểu rủi ro do biến đổi khí hậu (BĐKH).

Dự án này được EDF cùng các đối tác tại ĐBSCL (Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (MDI) và Phòng Nghiên cứu chuyên sâu, Trường Đại học Cần Thơ, Sở NN-PTNT Kiên Giang và An Giang) triển khai thí điểm từ cuối năm 2011. Đến nay đã hoàn thành thí điểm qua 4 vụ lúa, kết quả đạt được rất khả quan.

Ông Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho rằng, dự án VLCRP sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, thông qua việc thay đổi các tập quán canh tác sẽ góp phần làm tăng năng suất, tăng thu nhập cho người trồng lúa. Về lâu dài sẽ tạo nền tảng để phát triển nền nông nghiệp bền vững, bảo vệ tốt môi trường sinh thái. Với diện tích lên đến 270 ha, đây không chỉ là vùng sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính (KNK) mà còn là cánh đồng mẫu lớn, SX lúa hàng hóa.

Phát biểu tại lễ triển khai dự án, bà Kathryn Elliot, Bí thứ thứ nhất AusAID cho biết: “AusAID rất hân hạnh được tài trợ cho dự án VLCRP, từ nguồn kinh phí hỗ trợ nhân dân những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH. Hiện nay, tác động của BĐKH ngày càng rõ rệt như lượng mưa hàng năm thay đổi, bão lớn càn quét ngày càng nhiều, xâm nhập mặn, ngập lụt gia tăng… mà ĐBSCL là một trong những vùng bị ảnh hưởng khá nặng nề. Vì vậy chúng tôi sẽ tập trung hỗ trợ Việt Nam trong SX nông nghiệp nhằm đảm bảo vấn đề an ninh lương thực, đồng thời hướng đến chiến lực phát triển xanh”.

Dự án này sẽ hướng đến 3 mục tiêu chính là:

1/ Cải thiện sinh kế cho cộng đồng nông dân trồng lúa thông qua công tác tập huấn các kỹ năng canh tác làm giảm giá thành SX, duy trì hoặc tăng năng suất, mang lại lợi ích cho môi trường và tạo thêm nguồn thu nhập cho nông dân từ việc bán chứng chỉ giảm phát thải KNK.
2/ Tập huấn cho các nông hộ trong việc ghi chép và tư liệu hóa các thay đổi trong tập quán canh tác nông nghiệp làm giảm phát thải KNK, tạo điều kiện cho các nông hộ bán được chứng chỉ giảm phát thải KNH trên thị trường carbon tự do.
3/ Xây dựng năng lực cho các chủ thể dự án và cộng đồng trong việc mở rộng dự án và chuyển đổi sang tiếp cận các nguồn tài chính bền vững trong tương lai.

Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Đông A, Trương Minh Hùng phát biểu, mặc dù là vùng chuyên SX lúa nhưng nông dân trong xã chủ yếu vẫn làm theo kinh nghiệm là chính, việc tiếp cận những tiến bộ KHKT vẫn còn rất hạn chế. Do đó, trong SX nông dân thường sử dụng lượng phân bón, thuốc BVTV, nguồn nước ngọt rất lớn, từ đó làm ảnh hưởng đến môi trường SX cũng như môi trường sống.

Vì vậy, thông qua dự án này sẽ làm thay đổi tập quán canh tác cho nông dân, hướng đến việc SX lúa một cách bền vững. Khi mô hình này thành công sẽ được nhân rộng ra toàn xã. Điều đáng mừng là dù dự án mới triển khai nhưng đã có Cty kinh doanh lúa gạo đến đặt vấn đề bao tiêu toàn bộ sản lượng lúa hàng hóa (giống Jasmine 85) trong vùng dự án.

Là hộ nông dân tham gia trong vùng dự án, ông Đỗ Ngọc Kim phấn khởi: “Từ trước tới nay nông dân chúng tôi thường chỉ chú trọng đến năng suất mà ít khi hạch toán kinh tế sau mỗi vụ SX. Vì vậy, thường lạm dụng phân bón, thuốc BVTV để làm sao đạt năng suất cao nhất. Nhờ được cán bộ của dự án tập huấn nên vụ lúa này chúng tôi đã mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác như sử dụng lượng giống hợp lý, bón phân, phun thuốc theo đúng kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật tưới ướt khô xen kẽ nhằm giảm lượng nước tưới. Những việc làm này không chỉ làm giảm giá thành SX, làm tăng thu nhập mà còn góp phần bảo vệ môi trường tốt hơn”.

ThS Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm KN-KN Kiên Giang cho biết, theo các kết quả nghiên cứu cho thấy, SX nông nghiệp chiếm tới 14% tổng lượng phát thải KNK hàng năm, trong đó phần lớn là từ hoạt động SX lúa nước. Qua những mô hình VLCRP mà Kiên Giang đã triển khai tại huyện Châu Thành và Giồng Riềng (năm 2011) cho thấy kết quả rất khả quan.

Kiên Giang là tỉnh có diện tích SX lúa rất lớn, khoảng trên 800.000 ha mỗi năm, chỉ tính riêng việc giảm lượng giống, phân bón, thuốc BVTV, nước tưới… đã mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho cộng đồng, cũng như giảm các tác động đến môi trường.

Qua nghiên cứu cho thấy, phương pháp canh tác ngập khô xen kẽ có thể mang lại hiệu quả cắt giảm lượng KNK phát thải từ 20-30% so với tưới ngập liên tục trong suốt vụ. Tham gia dự án này, nông dân không chỉ được tập huấn về kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến để nâng cao trình độ SX mà còn được tập huấn về kiến thức y tế nhằm bảo vệ sức khỏe.

Theo NNVN
 

Các tin khác