1001 cách làm ăn: Trồng hoa cúc

Ở ngoại thành Hà Nội và các thành phố, thị xã... người ta cũng trồng rất nhiều cúc vì cúc dễ trồng, dễ sống, hoa đẹp... Vì vậy, diện tích trồng càng ngày càng tăng lên.

Hiện đã vào quý 4, năm mới cận kề. Việc tính toán trồng cúc phục vụ tết là việc rất nên bàn.

Người ta nói, cúc là loại cây trồng làm cảnh lâu đời trên thế giới. Từ xưa, người Nhật và Trung Quốc đã dùng cúc để phục vụ các buổi lễ nghi ở triều đình. Hoa cúc đẹp, nhiều màu sắc, lâu tàn và khi héo không bị rụng cánh hoa. Nó có thể dùng để cắm ở bàn, ở phòng họp, hội nghị, để tặng nhau, mừng sinh nhật, mừng đám cưới và cả... đám ma nữa.

Hiện nay, ta nhập vào rất nhiều giống cúc có nhiều đặc tính vượt trội từ Nhật, Đài Loan, Trung Quốc, Ấn Độ, Pháp, Singapore, Hà Lan v.v... Hồi đầu, cúc Nhật được trồng phổ biến. Nó có hoa màu trắng. Nhưng sau này, cúc vàng Đài Loan chiếm ưu thê- mọc khỏe, cây cao, hoa nhiều.

Cúc là cây ưa khí hậu mát mẻ (từ 15-200C). Tuy nhiên, cũng có một số giống cúc chịu được nhiệt độ cao (30-350C).

Tuy là cây trồng cạn không chịu được úng nhưng nó lại đòi hỏi đất luôn luôn ẩm. Rễ cúc ăn nông, ta phải lên luống cao, đảm bảo thoát nước nhưng đất phải tơi xốp, nhiều mùn, đủ ẩm. Độ ẩm đất nền từ 60-70% và độ ẩm không khí nên từ 55-65%.

Đặc biệt cần lưu ý khi trồng cúc là vấn đề chiếu sáng. Cúc là cây ngày ngắn, nghĩa là cứ chu kỳ ngày ngắn và đêm dài liên tục (mùa đông) cúc sẽ dễ ra hoa. Tuy nhiên, ở Đà Lạt hay Hà Nội, ta thường thấy người trồng thắp đèn trên ruộng để hãm cho cúc không ra hoa vì đêm ngắn; không ra hoa để tập trung sinh trưởng, cây cúc lên cao và mập mạp hơn. Tới thời điểm thích hợp, không thắp đèn nữa thì cúc sẽ ra hoa. Như vậy, ta có thể điều khiển được thời gian ra hoa cùng cây cúc.

Trồng cúc đòi hỏi phải chăm sóc thường xuyên, phân bón đầy đủ, luống luôn sạch cỏ, phải bấm ngọn, tỉa cành đúng lúc cho cây.

Tuy nhiên, nếu trồng tốt, cúc sẽ cho ta thu nhập khá hơn nhiều loại cây khác.

Theo Dân Việt

Các tin khác