1001 cách làm ăn: Nuôi chim cút

Vì vậy, nuôi cút vẫn là một nghề nên phát triển. Nhiều người còn nói rằng, nuôi cút cho lời nhanh nhất.

Cút cho năng suất tạo trứng lớn nhất so với các loài gia cầm khác. Nếu được nuôi dưỡng tốt, chỉ tháng rưỡi là cút đã đẻ. Nó đẻ liên tục tới 60 tuần tuổi. Nhiều người nuôi cút cốt chỉ để lấy trứng. Hệ số thức ăn để cho chim đẻ rất hấp dẫn. Người ta tính, mỗi ngày cho chim ăn khoảng 23g thức ăn thì nó đã đẻ một quả trứng nặng 10-11g. Chim cút đúng là một cái “máy đẻ trứng” rất hiệu quả.

Thịt cút mềm và ngon, lại giàu dinh dưỡng. Vì vậy, thịt cút bán rất chạy. Đặc biệt, các quán nhậu tiêu thụ cút rất mạnh. Bà con nào định nuôi, phải quan tâm ngay tới “đầu ra” của con cút.

Không ai nuôi cút mà chỉ nuôi vài chục con mà phải nuôi cùng một lúc hàng nghìn con. Vì vậy phải lo có vị trí và chuẩn bị tốt chuồng trại. Chỗ nuôi phải mát mẻ, thoáng đãng. Cút rất dễ bị xốc khi điều kiện thay đổi đột ngột hoặc quá nóng hay quá lạnh. Chúng ưa khí hậu mát mẻ với nhiệt độ từ 18-250C.

Nếu nhịp thở của ta chỉ hơn 10 nhịp/phút thì chim cút lên tới 200 nhịp/phút. Nó có hiện tượng thở kép để tích cực cung cấp oxy cho cơ thể. Do đó, chuồng trại rất cần thoáng mát.

Cút nhút nhát nên chỗ nuôi cũng cần yên tĩnh, tránh làm chim giật mình, tránh gây ra những tiếng động mạnh hoặc quá gần các trục giao thông lớn. Không để chó, mèo mò vào gần khu nuôi chim, tránh để chuột tấn công cút.

Chúng ta đóng lồng nuôi chim bằng các loại vật liệu sẵn có, lồng chỉ cần cao 18cm. Ta có thể chồng các lồng lên nhau và chuẩn bị máng ăn, máng uống cho từng lồng.

Đối với cút đẻ trứng, bà con cần mắc thêm đèn thắp sáng để nâng thời gian được chiếu sáng trong ngày lên 15-16 giờ. Ánh sáng rất cần đối với cút trong mùa đẻ. Nó kích thích não thuỳ tiết ra kích thích tố sinh dục để thúc đẩy việc tạo trứng.

Thức ăn cho cút có thể tự pha chế hoặc dùng các loại thức ăn tổng hợp. Lưu ý, phải đảm bảo thức ăn chất lượng cao, không bị ôi mốc. Nước uống cũng phải sạch và thường xuyên tăng cường thêm vitamin và một số chất kháng sinh cần thiết.

Cũng như các loài gia cầm khác, cút cũng có thể bị một số bệnh thông thường. Ta cần tăng cường khâu phòng bệnh thông qua việc giữ gìn vệ sinh, tổ chức cách ly tốt chỗ nuôi, đảm bảo đủ dinh dưỡng cho chim...

Nuôi cút không khó. Địa phương nào cũng có người nuôi, bà con nên tìm đến để học tập cách nuôi và nên thành lập? Hội để hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trong việc nuôi cũng như tiêu thụ.

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng

Các tin khác