Trồng cà phê ứng phó với khô hạn

Để giữ sức cho vườn cà phê trong điều kiện thời tiết khô hạn, hiện tại, nông dân trên địa bàn tỉnh Đăk Nông đang thực hiện các công đoạn tưới nước, bón phân, theo dõi sâu bệnh một cách nghiêm ngặt.

Tại vườn cà phê của gia đình anh Bùi Mạnh Tiến, thôn Thanh Hà, xã Đức Minh (Đắk Mil), những vòi phun nước tự động đang hoạt động hết công suất để tưới cho gần 2 ha. Anh Tiến cho biết: “Trước Tết Nguyên đán, gia đình tôi đã vệ sinh vườn, cắt tỉa cành, tưới nước đợt một và bón phân rồi; bây giờ, thực hiện tưới nước đợt 2. Hiện tại, nguồn nước vẫn bảo đảm cho nhu cầu tưới cà phê của gia đình. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm thì trong những tháng cuối mùa khô, nguồn nước tại vùng này sẽ khan hiếm hơn nên gia đình tôi đang dùng vòi phun tự động để tưới tiết kiệm nước”.

Gia đình ông Võ Phan Thái, xã Đức Mạnh thì dịp này đang tiến hành bón phân đợt một cho vườn cà phê, cho biết: “Mùa khô thường ít nước nên tôi chọn các loại phân tan nhanh. Trước đây, trên thị trường chỉ có Urea và SA là tan nhanh nên tôi cũng thường sử dụng, nhưng nhu cầu của cây cà phê không chỉ có đạm mà cần nhiều yếu tố khác để giúp ra hoa đồng loạt, thụ phấn tốt, đậu quả nhiều và chống rụng trái non. Vì vậy hiện nay, tôi chuyển sang dùng NPK có bổ sung các trung vi lượng và dùng các loại phân có đặc điểm dễ tan giúp cây hấp thu nhanh và tốt hơn”.


Nông dân Đắk Mil tưới nước cho cây cà phê

Ông Nguyễn Bá Quý, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Đắk Mil cho biết: “Đối với cây cà phê, hiện tại bà con đang tập trung tưới nước, nhiều diện tích đang phân hóa mầm hoa. Theo số liệu điều tra sâu bệnh trên diện tích cà phê toàn huyện của trạm, tính đến ngày 18/2 thì mật độ rầy rệp từ 1-2%, bệnh gỉ sắt chiếm 2%, mức độ nhiễm đang trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên trong thời gian tới, do cây cà phê được tưới nước, bón phân nhiều, cây mọc nhiều lá non thì cũng sẽ xuất hiện nhiều rầy rệp. Do vậy, trong quá trình tưới nước, chăm sóc cây cà phê, bà con phải thường xuyên theo dõi sự xuất hiện của các loại rầy rệp, gỉ sắt. Nếu phát hiện đến ngưỡng phòng trừ bằng các biện pháp hóa học thì phải thực hiện kịp thời, tránh thiệt hại năng suất về sau”.

Tại một số địa phương khác, bà con nông dân cũng đang thực hiện các biện pháp chăm sóc cây cà phê trong mùa khô. Theo kinh nghiệm của nhiều nông dân thì vào mùa khô, cây cà phê thường đòi hỏi phải tưới nước nhiều. Trong khi đó, lượng nước trong mùa khô thường thấp, nếu không biết điều chỉnh sẽ dẫn đến tình trạng thiếu nước tưới cuối mùa khô. Vì vậy, để giảm thiểu tình trạng này, ngoài biện pháp bón phân đúng cách, sử dụng chế độ tưới tiết kiệm nước, người trồng cà phê đã trồng xen các loại cây ăn trái, cây công nghiệp dài ngày nhằm tránh gió, chống hạn.

Chị Lưu Thị Ngân, xã Quảng Khê (Đắk Glong) cho biết: “Trước đây, khi chưa chú trọng đến việc trồng cây chắn gió, bình quân trong mỗi mùa khô, tôi phải tưới từ 3 - 4 đợt, năng suất vườn cây cũng không cao. Còn kể từ khi thực hiện mô hình trồng cây chắn gió, che bóng mát, ngoài mục đích hạn chế bức xạ mặt trời, tiết kiệm được tưới nước, còn giúp gia đình tôi tăng thu nhập từ sản phẩm phụ như sầu riêng, xoài, cao su, điều... Bên cạnh đó, lá cây rụng xuống cung cấp cho đất một phần dinh dưỡng và có tác dụng che phủ đất… Với cách làm này, mỗi năm vào mùa khô, gia đình tôi tiết kiệm đáng kể chi phí mua xăng, dầu tưới cà phê”.

Theo Sở Nông nghiệp & PTNT thì trong mùa khô, hạn hán cũng sẽ là điều kiện thuận lợi cho rệp sáp bột phát. Bà con nông dân cần cảnh giác với loại dịch hại này vì rất khó trị, sẽ tốt hơn, dễ hơn nếu phát hiện sớm khi còn giai đoạn trứng.

Theo Báo Đắc Lắc

Các tin khác